Logistics đang chuyển mình thành ngành dịch vụ công nghệ cao

Ông Phạm Nguyễn Thanh Quang, Tổng giám đốc LEX Việt Nam cho rằng trong kỷ nguyên số 4.0, logistics hiện nay không còn là hoạt động hậu cần truyền thống, mà đang chuyển mình thành ngành dịch vụ công nghệ cao.

Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp thiết thực cho tăng trưởng kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành này cần được đồng bộ hóa chiến lược, từ đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực đến ứng dụng công nghệ mới và hoàn thiện hành lang pháp lý.

Tại hội thảo “Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” ngày 24.4, ông Phạm Nguyễn Thanh Quang - Tổng giám đốc LEX Việt Nam (tiền thân là Lazada Logistics Việt Nam) cho rằng trong kỷ nguyên số 4.0, logistics hiện nay không còn là hoạt động hậu cần truyền thống, mà đang chuyển mình thành ngành dịch vụ công nghệ cao.

Chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp mình, ông Quang cho hay doanh nghiệp ông đang chuyển đổi số toàn diện như sử dụng các nền tảng số để quản lý đơn hàng, tồn kho, vận chuyển theo thời gian thực; trí tuệ nhân tạo (AI) được tích hợp sâu vào các hoạt động vận hành hằng ngày…

Ví dụ, AI để thiết kế và tối ưu hóa mạng lưới logistics: từ việc xác định vị trí đặt kho trung chuyển, kho đầu cuối (Lastmile), xây dựng tuyến đường giao hàng tối ưu, đến việc điều phối nhân sự và phương tiện vận tải. AI còn hỗ trợ dự báo nhu cầu đơn hàng theo khu vực, thời gian và hành vi người tiêu dùng để điều phối nguồn lực linh hoạt.

Ông Phạm Nguyễn Thanh Quang, Tổng giám đốc LEX Việt Nam

Ông Phạm Nguyễn Thanh Quang, Tổng giám đốc LEX Việt Nam

Doanh nghiệp này còn phát triển kho thông minh thông qua việc áp dụng robot, cảm biến IoT và hệ thống quản lý kho tự động để nâng cao hiệu suất và giảm lỗi. Nền tảng công nghệ của tập đoàn cũng giúp kết nối dữ liệu xuyên suốt trong toàn bộ quá trình vận hành và vận chuyển của hàng hóa.

Ông Quang đánh giá rằng sự phát triển của logistics số đang đóng vai trò “hạ tầng mềm” thiết yếu thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT). Điều này giúp giao hàng nhanh và chính xác hơn, tối ưu vận hành và chi phí, giúp doanh nghiệp TMĐT gia tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh.

“Nhờ dữ liệu lớn và AI, hàng hóa có thể tiếp cận khách hàng vùng sâu, vùng xa; khuyến khích mô hình kinh doanh mới như giao hàng tức thời, giao hàng theo khung giờ, mô hình D2C; hỗ trợ TMĐT xuyên biên giới, giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận khách hàng quốc tế nhanh chóng và hiệu quả”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, so với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam hiện là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất, với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, để giữ vững đà tăng và bứt phá, hệ thống logistics cần được đầu tư và nâng cấp đồng bộ hơn nữa.

Tuy vậy, ông Quang cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng sự đầu tư cơ sở hạ tầng logistics còn dàn trải, thiếu liên kết vùng; thiếu chuẩn hóa trong dữ liệu và kết nối hệ thống giữa các doanh nghiệp; tình trạng đầu tư chồng chéo vào kho bãi, dẫn đến cung vượt cầu và cạnh tranh về giá; nhân lực trong ngành còn thiếu kỹ năng được đào tạo chuyên nghiệp, khó theo kịp công nghệ mới.

Do đó, doanh nghiệp logistics cần ưu tiên đầu tư vào công nghệ như AI, IoT, hệ thống phân tích dữ liệu lớn; tăng cường liên kết giữa các đơn vị logistics để chia sẻ hạ tầng, hạn chế đầu tư trùng lặp; phát triển nguồn nhân lực logistics số với sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo…

Đại diện doanh nghiệp vùng trung du, bà Trương Thị Mùi - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Logistics quốc tế Bắc Giang nhấn mạnh sự cần thiết của việc tích hợp vận tải đa phương thức với hệ thống kho thông minh.

“Vùng trung du miền Bắc có lợi thế kết nối đường bộ, đường thủy và đường sắt, nhưng hiện tại các phương thức này vẫn phát triển rời rạc. Việc đồng bộ hóa, xây dựng chuỗi cung ứng đa tầng sẽ giúp giảm 10 - 15% chi phí logistics cho các ngành hàng chủ lực như TMĐT, điện tử, dệt may", bà Mùi nêu.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo

Bà Mùi cũng kiến nghị cần thúc đẩy chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hệ thống WMS, IoT, AI trong quản lý kho bãi, đồng thời tạo điều kiện cho các kho thông minh phát triển theo chuẩn quốc tế.

Chia sẻ về chiến lược xanh hóa logistics, ông Cáp Trọng Cường - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Macstar khẳng định: “Phát triển logistics xanh không còn là lựa chọn, mà là điều kiện để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia đang đặt ra tiêu chuẩn rất cao về phát thải và môi trường.”

Macstar hiện là đơn vị tiên phong triển khai vận tải thủy nội địa bằng sà lan, kết nối Hải Phòng với các tỉnh Bắc Trung Bộ. Ông Cường cho biết: “Tuyến vận tải này giúp giảm 70% phát thải so với vận tải đường bộ. Ngoài ra, chúng tôi đang đầu tư kho thông minh sử dụng năng lượng tái tạo và thử nghiệm trồng rừng để tạo tín chỉ carbon.”

Ông Cường cũng kiến nghị cần có bộ tiêu chí logistics xanh quốc gia, đồng thời có chính sách tài chính ưu đãi như tín dụng xanh, giảm thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi.

Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lớn các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đang được sử dụng tại các doanh nghiệp logistics đơn thuần là các ứng dụng cơ bản với những chức năng riêng biệt, không có tính thống nhất phụ trách các mảng như quản lý giao nhận, kho bãi, trao đổi dữ liệu điện tử, quản lý vận tải hay khai báo hải quan...

Nguyên nhân chính là những khó khăn liên quan tới vấn đề tài chính do chi phí để đầu tư chuyển đổi số lớn trong khi phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ với số vốn hạn chế. Ngoài ra, yếu tố con người (nhận thức, trình độ của lãnh đạo và nhân viên) và việc lựa chọn công nghệ thích hợp cũng là một rào cản.

TS Bùi Bá Nghiêm, chuyên viên cao cấp (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương)

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/logistics-dang-chuyen-minh-thanh-nganh-dich-vu-cong-nghe-cao-231919.html
Zalo