'Lộc trời' trên núi Ngải Trồ
Giữa trung tâm thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, rừng chè cổ thụ như báu vật thiên nhiên được gìn giữ qua bao đời. Trải dài trên diện tích 21,5 ha, hàng nghìn gốc chè cổ thụ không chỉ mang vẻ đẹp kỳ vĩ của núi rừng mà còn là nguồn sinh kế quý giá của người dân địa phương.
Mưa xuân đánh thức những cây chè cổ thụ ở Ngải Trồ đua nhau trổ búp non mơn mởn, tươi xanh sau ngày tháng dài ngủ đông. Cuối tháng Tư, nông dân Ngải Trồ tranh thủ tiết trời ấm áp thu hái, mong có những mẻ chè ngon, chất lượng để cung cấp ra thị trường.

Khác với nương chè công nghiệp, chè ở Ngải Trồ sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên. Chè búp tươi được bà con thu hái và chế biến thủ công theo phương pháp truyền thống. Những đôi tay khéo léo cẩn thận lựa từng búp chè non, tươi xanh để bán cho thương lái. Mỗi ngày công, họ được trả khoảng 250.000 đồng, mức thu nhập khá cao và ổn định so với điều kiện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Vàng Láo Lở, thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung cho biết: Những cây chè này từ thời các cụ để lại, chăm sóc cũng không vất vả, chưa bao giờ phải sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, mỗi năm chỉ cắt tỉa một lượt. Cây chè mang lại thu nhập ổn định, nếu hái hết, mỗi năm gia đình tôi thu khoảng 50 triệu đồng. Từ năm nay, Nhà nước hỗ trợ phân để bón cho chè cổ thụ, nên cây phát triển nhanh hơn so với trước đây.
Năm nay, cây chè cổ thụ ở Ngải Trồ phát triển mạnh, được giá. Hiện, giá bán chè búp tươi dao động từ 25.000 đồng đến 200.000 đồng/kg tùy theo chất lượng búp và thời điểm thu hái. Thương lái sẽ đến tận nơi bà con thu hái để mua chè, sau đó đem đi sao sấy hoặc phơi sương theo phương pháp truyền thống để tạo nên loại chè khô thượng hạng. Những mẻ chè khô đặc biệt, thơm ngon và đậm đà hương vị núi rừng có giá lên tới 2 triệu đồng/kg, chủ yếu phục vụ cho thị trường xuất khẩu cao cấp.

Chị Tẩn Lở Mẩy, thôn Ngải Trồ cho biết: Năm trước, tôi thu mua của người dân được khoảng 40 tấn búp tươi 1 tôm 2 lá; 1 tấn búp chè non để làm bạch trà. Giá chè tươi năm nay cao hơn so với năm trước, cụ thể là bạch trà 270.000 đồng/kg, chè 1 tôm 2 lá 30.000 đồng/kg. Khách hàng trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đánh giá cao chất lượng chè Ngải Trồ. Năm nay, khách hàng đặt mua chè nhiều, gia đình tôi làm đến đâu bán hết đến đó, vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Không chỉ thu mua chè tươi quanh năm của bà con, gia đình chị Tẩn Lở Mẩy còn tạo việc làm cho hàng chục người dân địa phương với thu nhập khoảng 200.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi ngày.
Những ngày này, quần thể chè cổ thụ Ngải Trồ luôn nhộn nhịp, mỗi ngày có hàng chục người thu hái từ sáng sớm đến chiều muộn. Những cây chè cổ thụ có đường kính gốc từ 30 - 50 cm, cao từ 3 - 7 m, người dân phải trèo lên cao để thu hái. Công việc dù vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng đổi lại có sản phẩm chè thơm ngon thượng hạng, giá trị kinh tế cao.

Từ cây chè cổ thụ, cuộc sống của người dân Ngải Trồ có nhiều đổi thay. Thu nhập tăng lên giúp bà con xây được nhà kiên cố, mua xe máy phục vụ đi lại và vận chuyển nông sản, các con được đến trường học đầy đủ hơn. Cây chè không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, mà còn là niềm tự hào, là sợi dây gắn kết cộng đồng, giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hóa của vùng cao.
Anh Lý Xe Mè, Chủ tịch Hội Nông dân xã A Mú Sung cho biết: Mỗi năm người dân thôn Ngải Trồ thu hái được khoảng 43 tấn búp chè tươi, mang lại nguồn thu nhập khá cho các gia đình. Hiện, địa phương đã hỗ trợ phân bón cho những gia đình đang sở hữu diện tích chè cổ thụ. Với diện tích chè trồng mới sẽ hỗ trợ kỹ thuật và giống để người dân phát triển vùng chè, đưa sản phẩm chè A Mú Sung trở thành hàng hóa chủ lực.

Dù chưa có con số chính xác, nhưng ước tính những cây chè cổ thụ ở thôn Ngải Trồ có tuổi đời lên tới hàng trăm năm.

Những cây chè cổ thụ góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân thôn Ngải Chồ.
Ngải Trồ hôm nay không còn là thôn heo hút, nghèo khó như trước mà đã khoác lên mình tấm áo mới từ sự năng động phát triển kinh tế. Trên núi Ngải Trồ, rừng chè cổ thụ bạt ngàn vẫn xanh rì, trầm mặc và đầy sức sống, mang lại ấm no cho bà con nơi đây, mà họ vẫn ví von rằng những búp chè cổ thụ như lộc trời ban.