Loay hoay xử lý vụ tự ý bán tài sản của dân khi cưỡng chế ở Nha Trang

Thanh tra TP Nha Trang hướng dẫn công dân gửi đơn đến công an để xử lý vụ tự ý bán tài sản trong quá trình cưỡng chế, dù trước đó công an không tiếp nhận

Thanh tra TP Nha Trang (Khánh Hòa) vừa có phiếu hướng dẫn liên quan vụ việc hi hữu khi đơn vị thi công tự ý bán tài sản của người dân trong quá trình cưỡng chế công trình sai phạm tại số 9/2D Nguyễn Thiện Thuật, phường Lộc Thọ (TP Nha Trang).

Hướng dẫn qua công an

Đây là vụ việc mà Báo Người Lao Động liên tục phản ánh khi ông Tô Văn Huỳnh (chủ khách sạn) có đơn kêu cứu vì thất thoát tài sản hơn 700 triệu đồng từ việc cưỡng chế công trình vi phạm.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cưỡng chế đã quá thời hạn cưỡng chế 3 tháng (từ ngày 3-10-2024) nhưng đến nay chưa bàn giao lại công trình cho ông Huỳnh dù ông đã nộp gần 1,8 tỉ đồng chi phí cưỡng chế cho cơ quan chức năng.

Văn bản hướng dẫn gửi vụ việc qua cơ quan Công an của Thanh tra TP Nha Trang

Văn bản hướng dẫn gửi vụ việc qua cơ quan Công an của Thanh tra TP Nha Trang

Liên quan vụ việc nói trên, ngày 16-1-2025, bà Nguyễn Thị Ái Liên, Phó chánh Thanh tra TP Nha Trang, có văn bản gửi ông Huỳnh với nội dung hướng dẫn như sau: "Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án thì người xử lý đơn hướng dẫn gửi đơn hoặc báo cáo, đề xuất người đứng đầu quyết định việc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật".

Thanh tra thành phố hướng dẫn ông Huỳnh gửi đơn đến Công an thành phố để được giải quyết theo quy định.

Trong hướng dẫn này, thanh tra TP Nha Trang cũng cho hay đơn của ông Huỳnh được chuyển đơn số 1748/CSKT(Đ4) ngày 23-10-2024 của Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Khánh Hòa. Đơn có nội dung tố giác tội phạm về việc bán trái phép tài sản sắt thép tháo dỡ tại công trình 9/2D Nguyễn Thiện Thuật...

Qua nghiên cứu, nội dung đơn không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang.

Trong biên bản làm việc giữa ông Huỳnh và Thanh tra TP Nha Trang, ông Huỳnh cho rằng việc bán sắt thép là sai phương án tháo dỡ đã được phê duyệt. Đề nghị xác định đối tượng bán, hưởng lợi đối với số sắt thép, hệ thống PCCC, thông gió, điện lạnh, điện, nước của công trình...

Do đó, ông không đồng ý hướng dẫn nêu trên, đề nghị Thanh tra thành phố tham mưu chuyển đơn đến Cơ quan CSĐT.

Hướng dẫn về UBND TP Nha Trang

Điều đáng nói hơn, ngày 30-10-2024, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa có Thông báo số 63 /VPĐT về việc xử lý đơn, với nội dung hướng dẫn ông Huỳnh liên hệ UBND Phường Lộc Thọ và UBND TP Nha Trang để được giải quyết.

Cụ thể như sau: "Nội dung tố cáo hành vi của Chủ tịch UBND phường Lộc Thọ và khiếu nại việc cưỡng chế của UBND phường Lộc Thọ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa. Một lần nữa khẳng định: Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 02 Phiếu hướng dẫn số 527, số 559/VPCQCSĐT- Đ1 về việc hướng dẫn ông Huỳnh liên hệ UBND phường Lộc Thọ và UBND TP Nha Trang để xem xét giải quyết là có căn cứ, đúng pháp luật".

Trước đó, Báo Người Lao Động đã phản ánh vụ việc qua bài viết "Làm rõ đơn tố giác của chủ khách sạn xây vượt tầng" (đăng ngày 5-12). Theo đó, khách sạn 9/2D Nguyễn Thiện Thuật do ông Tô Văn Huỳnh làm chủ.

Ông này có đơn phản ánh từ tháng 7-2024, UBND phường Lộc Thọ trong quá trình cưỡng chế khách sạn xây vượt tầng đã di dời tài sản của gia đình ông ra khỏi khách sạn để tiến hành cưỡng chế.

Khách sạn của ông Tô Văn Huỳnh vẫn chưa bàn giao dù đã quá hạn cưỡng chế hơn 3 tháng.

Khách sạn của ông Tô Văn Huỳnh vẫn chưa bàn giao dù đã quá hạn cưỡng chế hơn 3 tháng.

Đến ngày 26-7, ông Huỳnh có đơn xin nhận lại tài sản thì phát hiện bị mất mát, hư hỏng nhiều thứ. Trong đó, ông Huỳnh cung cấp một số hình ảnh, video cho rằng chính quyền phường Lộc Thọ đã tự ý vận chuyển và bán toàn bộ lượng sắt, thép, hệ thống phòng cháy chữa cháy, ống đồng điều hòa... của các tầng bị tháo dỡ. Số lượng sắt thép tương ứng 70 tấn với giá gần 700 triệu đồng là những tài sản của ông.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện việc cưỡng chế đã quá thời hạn 3 tháng nhưng ông Huỳnh vẫn không được nhận lại nhà. Điều này khiến nhiều tài sản bên trong hư hỏng.

Từ cuối tháng 11-2024, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với ông Lê Minh Thủy, Chủ tịch UBND phường Lộc Thọ, cũng như đến trực tiếp UBND phường Lộc Thọ để đăng ký làm việc nhằm làm rõ hơn một số vấn đề nhưng đến nay (22-1-2025) chưa được phản hồi.

Vì sao không chuyển hồ sơ?

Ông Lưu Thành Nhân, Phó chủ chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết đối với sự việc bán tài sản trong quá trình cưỡng chế, thanh tra thành phố đã đề nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan công an thành phố xử lý. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Nha Trang sau khi xem xét đã yêu cầu thanh tra rà soát một lần nữa để có hướng xử lý.

Sắt thép trong quá trình cưỡng chế

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn Luật sư Khánh Hòa) cho rằng trong vụ việc này, đối với vật liệu, tài sản thu giữ được sau khi tháo dỡ là tài sản của chủ nhà phải bảo quản để trả lại cho chủ nhà. Thế nhưng trên thực tế, những người thực hiện việc tháo dỡ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong quá trình thực hiện đã tự ý bán và chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã bán với số lượng lớn. Đây là hành vi có dấu hiệu tội phạm, gây thiệt hại đến tài sản của công dân.

"Tôi cho rằng Thanh tra TP Nha Trang qua quá trình xác minh giải quyết tố cáo, sớm có văn bản chuyển nội dung đơn tố giác cho Cơ quan CSĐT có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại các Điều 144 -147 Bộ Luật Tố tụng hình sự"- luật sư Hà nói.

Bài, ảnh: KỲ NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/loay-hoay-xu-ly-vu-tu-y-ban-tai-san-cua-dan-khi-cuong-che-o-nha-trang-196250122161636502.htm
Zalo