Loay hoay quản lý dạy thêm, học thêm
Phòng GD-ĐT quận 1 (TPHCM) vừa có văn bản yêu cầu tăng cường quản lý đối với đội ngũ nhà giáo đang công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Một trong những nội dung được dư luận quan tâm là nghiêm cấm giáo viên dạy thêm trái quy định đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Đại diện các trường đều cho biết, quy định nói trên không mới do triển khai theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT (ban hành ngày 16-5-2012) quy định về dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, dạy thêm, học thêm vẫn được xem là hoạt động phức tạp, chưa được quản lý hiệu quả trong thực tế.
Đầu tháng 11-2024, mạng xã hội lan truyền tin nhắn chỉ đạo của Sở GD-ĐT TPHCM gửi Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đề nghị theo dõi sát sao địa bàn, tổ chức bắt và lập kiểm điểm các trường hợp giáo viên dạy thêm trái quy định.
Sau khi tin nhắn lan truyền, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hồ Tấn Minh khẳng định: tin nhắn là giả mạo, với mục đích thu thập thông tin trái quy định, trường học cần cảnh giác. Tuy nhiên, đại diện Sở GD-ĐT khẳng định, nhiệm vụ rà soát và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm luôn được sở lưu ý tại các hội nghị tổng kết năm học, giao ban công tác chuyên môn. Có thể thấy, quản lý dạy thêm, học thêm luôn được các địa phương quan tâm, song số trường hợp bị lập biên bản chỉ như “muối bỏ biển” do địa bàn hoạt động rộng, nhân sự quản lý của các địa phương ít, việc xử phạt còn giơ cao đánh khẽ nên chưa đủ sức răn đe.
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm. Trong đó, thay đổi lớn nhất đối với công tác quản lý hoạt động này là giáo viên được phép dạy thêm, học thêm học sinh đang trực tiếp dạy học ở trường chính khóa, học sinh tiểu học với điều kiện học sinh chưa tham gia học tập 2 buổi/ngày, đăng ký học thêm trên tinh thần tự nguyện.
Đây được xem là sự “nới lỏng” nhằm phù hợp hơn với nhu cầu dạy thêm, học thêm của học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, làm sao để quy định phát huy hiệu quả trong thực tế, tránh tình trạng “ban hành cho có”, “phép vua thua lệ làng” là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý.