Loay hoay gỡ khó cơ sở vật chất, thiết bị trường học

Ngành Giáo dục các địa phương khu vực phía Nam đang gặp khó do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu dạy học.

Học sinh Trường Phổ thông Thái Bình Dương, Cần Thơ.

Học sinh Trường Phổ thông Thái Bình Dương, Cần Thơ.

Khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị thực hiện chương trình mới.

Trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu dạy, học

Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản gửi Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) về những khó khăn liên quan đến trang thiết bị dạy học. Theo Sở GD&ĐT, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn kinh phí đầu tư các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến giúp học sinh tiếp cận việc giảng dạy và học tập bằng công nghệ thông tin. Hiện, các cơ sở giáo dục tận dụng triệt để trang thiết bị hiện hữu, học sinh tự chuẩn bị đồ dùng và huy động nguồn lực xã hội hóa để mua sắm bổ sung nhưng vẫn còn nhiều giới hạn.

Việc mua sắm máy vi tính để bàn tại TPHCM cũng không đáp ứng kịp thời nhu cầu của ngành Giáo dục. Thời gian tổ chức mua sắm chậm, kéo dài tạo nên sự chênh lệch với thời gian đơn vị xây dựng dự toán xin ngân sách bổ sung, trong khi khả năng tự cân đối nguồn vốn tại các đơn vị giáo dục còn nhiều hạn chế.

Tỉnh Cà Mau thời gian qua quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, đặc biệt cho chương trình mới nhưng tình trạng thiếu trường lớp, thiết bị vẫn diễn ra. Một số trường, nhất là trường ở vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng 100% học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày, như Trường Tiểu học Tân Xuân, Tiểu học thị trấn A, Tiểu học Tân Lợi (huyện Thới Bình); Tiểu học 1 Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời); Tiểu học Đỗ Thừa Luông (huyện U Minh)…

Học 1 buổi/ngày chương trình rất nặng (5 tiết/buổi), chưa tính các buổi ngoại khóa... Phần lớn thiết bị dạy học lớp 1 (chương trình hiện hành) không đáp ứng được yêu cầu Chương trình GDPT 2018; hoặc qua nhiều năm sử dụng đến nay bị hư hỏng nặng. Kinh phí cấp cho các cơ sở giáo dục tiểu học hằng năm có hạn nên việc mua sắm bổ sung gặp nhiều khó khăn.

Theo đại diện Sở GD-KH&CN tỉnh Bạc Liêu, do quy mô phát triển giáo dục của tỉnh trong những năm gần đây đều tăng, nhất là đối với cấp THCS và THPT nên gặp khó trong bố trí đội ngũ và cơ sở vật chất trường lớp. Ngoài thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học ở các cấp học, ngành học. Hiện còn khoảng 30 điểm trường mầm non chưa có đồ chơi ngoài trời.

Những khó khăn này phần nào ảnh hưởng đến việc đảm bảo yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non… Theo bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD-KH&CN Bạc Liêu, vấn đề thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất tồn tại từ nhiều năm nay, khó có thể giải quyết dứt điểm.

Bởi lẽ, thực tế việc trang bị phương tiện, xây dựng cơ sở vật chất được trường này thì trường khác lại xuống cấp, xuất hiện nhiều khó khăn mới. Chính vì vậy, ngành Giáo dục địa phương, đặc biệt đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, vướng mắc, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Giáo viên tỉnh Bạc Liêu tham gia cuộc thi sáng tạo thiết bị đồ dùng dạy học.

Giáo viên tỉnh Bạc Liêu tham gia cuộc thi sáng tạo thiết bị đồ dùng dạy học.

Dồn lực đầu tư

Để tháo gỡ khó khăn cơ sở vật chất, trang thiết bị, Sở GD&ĐT TPHCM kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ về định mức đất tối thiểu/học sinh và các vấn đề liên quan đến quy hoạch sử dụng đất vào mục đích giáo dục. Đồng thời, sở cũng kiến nghị thành phố xem xét cấp bổ sung kinh phí ngân sách để thực hiện đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học đảm bảo số lượng và chất lượng theo quy định.

Tỉnh Cà Mau đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn. Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh tiếp tục mua sắm thiết bị dạy học, đầu tư phòng học theo lộ trình nhằm đảm bảo học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học. Tỉnh đang triển khai Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Đối với đầu tư mua sắm trang thiết bị, tỉnh thực hiện Đề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí khoảng 1.167 tỷ đồng, trong đó năm 2022, kinh phí thực hiện 246 tỷ đồng. Theo ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, các địa phương tiếp tục rà soát, nỗ lực xóa điểm lẻ để dồn lực đầu tư thiết bị dạy học, cơ sở vật chất đảm bảo dạy học Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả...

Cơ sở vật chất trường lớp ở tỉnh Tiền Giang vẫn còn khó khăn, một số địa phương còn một số phòng học xuống cấp, chưa được xây mới. Nhiều điểm trường do thiếu phòng học nên không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Có trường còn thiếu diện tích đất, phòng chức năng, phòng hành chính quản trị; trang thiết bị bàn ghế cũ, hư hỏng...

Theo lãnh đạo sở GD&ĐT, để giải quyết khó khăn, tỉnh tăng cường công tác xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đơn vị doanh nghiệp ủng hộ đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia.

Tỉnh tiến hành rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đối với trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày; Tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên…

Năm học 2022 - 2023, các cấp học của TPHCM đều thiếu trang thiết bị dạy học tối thiểu. Thiếu nhất là thiết bị dạy học ngoại ngữ cấp THPT. TP có hơn 4.400 lớp thuộc 113 trường nhưng chỉ có chừng 1.400 thiết bị, đáp ứng được 33% nhu cầu. Trang thiết bị dạy học cấp tiểu học cũng thiếu khá nhiều. Trong đó, 485 trường tiểu học với hơn 15.500 lớp chỉ được trang bị xấp xỉ 24.400 máy tính, đáp ứng được 54% nhu cầu. Thiết bị dạy học ngoại ngữ tiểu học cũng chỉ đáp ứng được 52% nhu cầu…

Quốc Ngữ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/loay-hoay-go-kho-co-so-vat-chat-thiet-bi-truong-hoc-post616448.html
Zalo