Loạt doanh nghiệp ngành dược 'ăn nên làm ra' trong quý II/2023

Các doanh nghiệp đầu ngành dược như Vinapharm, Dược Hậu Giang, Bidiphar, Imexpharm đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với mức tăng trưởng 2 chữ số.

Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo vào đầu tháng 7, ngành dược phẩm sẽ là điểm sáng trong quý II/2023 với mức tăng trưởng dự báo bền bỉ từ 20 - 25% so với quý II/2022, dẫn dắt bởi DHG, DBD, IMP. Điều này được chứng minh khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dược tương đối tích cực với mức tăng trưởng trung bình đạt 2 chữ số.

Loạt doanh nghiệp báo lãi đậm

Theo thống kê từ Người Đưa Tin, trong quý II/2023, doanh nghiệp giữ vị trí quán quân tăng trưởng lợi nhuận ngành dược là Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm, UPCoM: DVN).

Theo đó, Vinapharm báo lãi sau thuế 168,8 tỷ đồng trong quý II, cách xa với khoản lỗ 4,2 tỷ đồng cùng kỳ. Kết quả này có được nhờ doanh thu tài chính tăng gấp 5 lần lên 132 tỷ đồng, cùng với khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng gấp 2,6 lần lên hơn 40 tỷ đồng. Trong khi đó công ty tiết giảm 54% chi phí phí tài chính xuống gần 33 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinapharm nhích nhẹ 3% so với cùng kỳ lên 2.550 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tài chính tăng gấp 3,4 lần và khoản lãi từ công ty liên kết tăng gần gấp đôi, Vinapharm báo lãi sau thuế tăng gấp 7 lần cùng kỳ lên gần 280 tỷ đồng.

Tương tự, “ông lớn” Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) ghi nhận 1.153 tỷ đồng doanh thu thuần, nới nhẹ so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính cũng tăng 74% lên gần 58 tỷ đồng, song chi phí tài chính giảm 16% xuống 20 tỷ đồng. Kết quả, Dược Hậu Giang báo lãi 263 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 11% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp cho biết, trong kỳ đã tiếp tục tập trung bán các sản phẩm chiến lược, chủ lực; hệ thống phân phối ngày càng được tổ chức chặt chẽ và kết nối tốt với khách hàng.

6 tháng đầu năm, Dược Hậu Giang đạt 2.381 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9% so với cùng kỳ. Nhờ doanh thu tài chính tăng 74% lên 110 tỷ đồng, công ty báo lợi nhuận sau thuế đạt 624,3 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.

Trong quý II/2023, Công ty Cổ phần Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, HoSE: DBD) ghi nhận doanh thu thuần hơn 414 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, chủ yếu là doanh thu bán dược phẩm sản xuất gần 409,6 tỷ đồng.

Cấn trừ các chi phí, Bidiphar báo lợi nhuận sau thuế gần 72 tỷ đồng, tăng 61% so với kết quả cùng kỳ, đây cũng là mức lãi quý cao thứ 2 kể từ khi công ty niêm yết trên sàn năm 2018. Phía công ty cho biết, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đến từ việc thay đổi cơ cấu kinh doanh, đẩy mạnh các mặt hàng dược phẩm tự sản xuất.

Sang nửa đầu năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 14% lên 819,5 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 172,8 tỷ đồng và 140,2 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.

Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) ghi nhận doanh thu thuần quý II/2023 tăng trưởng 24% so với cùng kỳ lên 439,7 tỷ đồng; tuy nhiên so với quý I/2023, con số này đã giảm 10%. Cấn trừ đi các chi phí, Imexpharm ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 71% so với cùng kỳ lên 79,6 tỷ đồng, đây cũng là mức lãi quý kỷ lục của doanh nghiệp dược phẩm này.

Kết quả tăng trưởng này do trong quý công ty tiếp tục mở rộng thị trường, đồng thời cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và biên lợi nhuận cao. Giải trình về kết quả tăng trưởng này giống hệt với quý I/2023 trước đó.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần tăng 37% lên 918,9 tỷ đồng, lãi gộp cũng tăng 49% lên 424 tỷ đồng. Nhờ thu nhượng bán, thanh lý tài sản tăng từ 10 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.292 tỷ đồng nên khoản thu nhập khác của công ty tăng gấp 3 lần lên 1.743 tỷ đồng.

Kết quả, Imexpharm báo lãi trước thuế và lãi sau thuế lần lượt 199,1 tỷ đồng và 157,5 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. So với mục tiêu lãi trước thuế 350 tỷ đồng trong năm 2023, Imexpharm đã thực hiện được 57% kế hoạch sau 6 tháng đầu năm.

Bức tranh trái chiều

Trái lại với bức tranh tích cực của ngành, quý II/2023 Công ty Cổ phần Traphaco (HoSE: TRA) báo doanh thu thuần giảm 12% xuống 518 tỷ đồng, mặc dù công ty đã tiết giảm các chi phí nhưng lãi sau thuế vẫn thu hẹp 5% xuống 78,5 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Traphaco đạt 1.136 tỷ đồng, giảm 6% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong kỳ doanh nghiệp đã chi 83,6 tỷ đồng cho quảng cáo, tăng 12% so với cùng kỳ nhưng các chi phí đều ở mức cao khiến doanh nghiệp báo báo lãi sau thuế giảm 8% so với cùng kỳ xuống 158 tỷ đồng.

Cùng hoàn cảnh, Dược phẩm Cửu Long (HoSE: DCL) báo lãi sau thuế quý II giảm 32% xuống 17,8 tỷ đồng dù doanh thu tăng 23%. Doanh nghiệp cho biết, kết quả đi lùi do lợi nhuận gộp giảm mạnh cùng với lợi nhuận sau thuế của các công ty con sau khi loại trừ giao dịch nội bộ tăng 3,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trên báo cáo hợp nhất.

Nửa đầu năm, Dược Cửu Long báo doanh thu thuần giảm 16% so với cùng kỳ xuống 495,5 tỷ đồng, dù đã tiết giảm các chi phí nhưng giá vốn hàng bán tăng 30% lên 402 tỷ đồng khiến doanh nghiệp báo lợi nhuận sau thuế gần 32,5 tỷ đồng, thu hẹp 18% so với cùng kỳ.

Triển vọng nào cho ngành dược

Như nhiều nước đang phát triển khác, người Việt Nam ngày càng chi nhiều hơn cho tiền thuốc. Đây là diễn biến tất yếu khi thu nhập người dân cải thiện qua các năm, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP, dự báo tăng đến 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD năm 2030. Riêng về thị trường dược phẩm, Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022.

Theo BMI Research dự báo, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026, với tỉ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD, tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD.

Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn 2040 được Chính phủ phê duyệt tháng 3/2021 đặt mục tiêu đến năm 2025 thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường.

Mục tiêu đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vaccine, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực, phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.

Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/loat-doanh-nghiep-nganh-duoc-an-nen-lam-ra-trong-quy-ii2023-a620805.html
Zalo