Loạn đánh giá giả trên mạng

Không ít người tiêu dùng có thói quen dựa vào các đánh giá (review) trên mạng để quyết định mua hàng. Và cũng chính vì thế mà không ít người bị lừa, nhất là khi đó là những đánh giá giả do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. Gần đây chính quyền Mỹ đã bắt đầu xử lý chuyện này.

Khách hàng đánh giá sản phẩm trên mạng. Nguồn: SHUTTERSTOCK.

Khách hàng đánh giá sản phẩm trên mạng. Nguồn: SHUTTERSTOCK.

Vào hồi giữa tháng 8, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã hoàn thiện lệnh cấm các công ty cố tình mua hoặc bán các đánh giá trực tuyến (online review) giả mạo, và sẽ xử phạt những hành vi gian lận đó. Quy định mới có hiệu lực từ giữa tháng 10 năm nay.

Theo Chủ tịch FTC Lina M.Khan, các đánh giá giả không chỉ làm lãng phí thời gian và tiền bạc của mọi người mà còn gây hại cho thị trường và ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh trung thực. Chính quyền cũng cấm mua bán lượt xem hoặc lượt người theo dõi ảo trên mạng xã hội, đồng thời cấm xóa các đánh giá tiêu cực.

FTC có thể yêu cầu mức phạt tối đa lên tới khoảng 51.744 USD cho mỗi vi phạm. Các biện pháp này nhằm mục đích củng cố tính xác thực của các review, những bình luận hài lòng và các tương tác khác trên mạng xã hội, từ đó đảm bảo tính minh bạch và trung thực trong phản hồi của người mua.

Quy định của FTC nhận được sự ủng hộ và ý kiến đóng góp từ các tổ chức thương mại và doanh nghiệp, trong đó có Google, Amazon và trang đánh giá Yelp. Cố vấn trưởng của Yelp - ông Aaron Schur, hoan nghênh quy định mới của FTC khi cho rằng: “Chúng tôi tin rằng việc thực thi quy định này sẽ cải thiện môi trường đánh giá cho người tiêu dùng và giúp tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp".

Trong khi đó, bà Teresa Murray - thành viên bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tại Tổ chức Nghiên cứu lợi ích cộng đồng Mỹ cho rằng quy định mới là biện pháp bảo vệ quan trọng với những người mua hàng trực tuyến, bởi vì 90% trong số họ đưa ra quyết định mua hàng một phần dựa vào các đánh giá. Cùng đó, theo bà Murray, các đánh giá giả phải được coi là vi phạm pháp luật tại vì chúng gây hiểu lầm cho người mua. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần vạch ra thêm những ranh giới rõ ràng, làm rõ ai phải chịu trách nhiệm, đồng thời mức phạt phải cao lên.

Chủ tịch FTC Lina M.Khan nhấn mạnh, sẽ phạt cả những công ty trả tiền cho các đánh giá giả, nhằm đối phó thị trường mua bán các đánh giá ảo, trong đó có cả nội dung đánh giá do AI tự tạo ra.

Tuy rằng nhiều người đồng ý rằng động thái trên của FTC là cần thiết, nhưng vẫn có người đặt ra câu hỏi làm thế nào để thực thi hiệu quả quy định khi mà người tiêu dùng thật cũng ngày càng sử dụng AI nhiều hơn để tạo ra các đánh giá hợp lệ?

Theo tờ Washington Post, muốn dẹp được nạn “đánh giá giả” thì trước hết các công ty công phải không được trả tiền để mua lợi thế cạnh tranh này. Thời gian qua, Google cùng với các đối thủ như Yelp và Amazon đã đối mặt với áp lực trong việc xử lý các đánh giá ảo lừa người tiêu dùng mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến. Google cũng cho biết họ đã xóa hàng chục triệu đánh giá giả vì vi phạm chính sách của mình và đã đệ đơn kiện "những kẻ xấu" bị cáo buộc tìm cách lừa dối người mua.

Cố vấn trưởng của Yelp, ông Aaron Schur, hoan nghênh quy định mới của FTC và nhấn mạnh "Chúng tôi tin rằng việc thực thi quy định này sẽ cải thiện môi trường đánh giá cho người tiêu dùng và giúp tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp".

Đó là từ phía nhà quản lý và những doanh nghiệp làm ăn chân chính, còn người tiêu dùng thì sao?

Vivian, một nữ sinh năm thứ 3 ở New York cho biết, cô cũng như hầu hết bạn bè sinh viên đều đến các nhà hàng, chọn món ăn dựa vào các nhận xét, bình luận trên mạng. Điều đó giúp họ đỡ tốn thời gian tìm kiếm hơn. Nhưng, vẫn theo Vivian, đa phần khi đến nơi họ đã không có được một bữa ăn, hoặc giả chỉ một món ăn như ý. “Không chỉ là những bình luận, nhận xét giả tạo, người ta còn đưa cả hình ảnh món ăn, những người ngồi ăn xung quanh trong tình trạng rất phấn khích, nên ai nhìn vào cũng tin. Đó là hành vi đánh lừa. Tôi nghĩ là các nhà hàng kiểu đó thuê người làm công việc này” - Vivian nói.

Còn Angus, người đàn ông làm nghề sửa xe ở Chicago kể lại với phóng viên một tờ báo địa phương rằng cả mười lần anh cùng vợ đến nhà hàng theo những đánh giá đẹp trên mạng thì cả mười lần thất vọng. “Vợ tôi nói rằng, tôi là người sinh ra để bị lừa. Nhưng tôi có muốn thế đâu vì các review đều công khai cả. Biết tin vào đâu bây giờ”.

Một phóng viên làm cho tờ The Wall Street Journal cho biết, không có một thống kê chính thức nào, nhưng cũng có thể thấy nhóm “ngây thơ” tin vào các đánh giá giả về ăn uống thường là người trẻ. Còn mua sắm đồ làm bếp, quần áo thì phần đông là người từ 55 tuổi trở lên. “Việc tung ra những đánh giá giả đã gần như trở thành một nghề mà người thực hiện nó rất hiếm khi cảm thấy áy náy. Có khi họ còn coi đó là trò chơi, trò chơi đôi khi lại được trả tiền. Và các chủ kinh doanh đã lợi dụng triệt để điều đó” - ký giả Maverick nói pha lẫn chút thất vọng.

Bị bỏ tù vì lên mạng bịa review quán xá
Tại Hàn Quốc, 3 năm qua, một người đàn ông chuyên bịa review đã kiếm được hơn 105 triệu won (khoảng 95.000 USD) và sau đó đã bị bắt đi tù. Người này là giám đốc điều hành của công ty chuyên tiếp thị trên Internet đã bị kết án 10 tháng tù vì những bình luận tưởng chừng vô thưởng vô phạt như: "Ngon đó" hay "Món này rất hấp dẫn", dù không đến trực tiếp quán để thưởng thức.
Theo cáo buộc, trong 3 năm, chủ doanh nghiệp này đã "bơm" khoảng 350.000 đánh giá giả mạo cho các cơ sở ăn uống khác nhau, trên nhiều nền tảng. Riêng hồi cuối năm ngoái đã có khoảng 130.000 đánh giá bị nghi ngờ là giả mạo. Điều đó cho thấy những đánh giá giả mạo ngày càng nhiều lên, tạo hỏa mù cho thị trường dẫn đến việc thật giả lẫn lộn. Những review mồi, đánh giá bịa xuất hiện đầy rẫy từ các công ty tiếp thị trực tuyến hoặc từ các dịch vụ cung cấp giải pháp này. Đây là hành vi không quá mới trên thị trường nhưng nhiều khi lại không được xử lý một cách cần thiết.

THẾ TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/loan-danh-gia-gia-tren-mang-10289619.html
Zalo