Loại trà giá rẻ được ví như thuốc an thần, mùa thu nên uống để ngủ ngon, phòng ngừa bệnh tật
Uống trà hoa cúc là một cách thư giãn não bộ hiệu quả, đồng thời tác dụng của trà hoa cúc đối với sức khỏe còn được bao gồm cả hệ miễn dịch, tiêu hóa,... nhờ chứa nhiều loại hóa chất thực vật có hoạt tính sinh học, đặc biệt là flavonoid có chức năng như chất chống oxy hóa.
Nếu đang băn khoăn uống trà hoa cúc có tốt không, tác dụng của trà hoa cúc là gì hay ai không nên uống trà hoa cúc,... thì những thông tin dưới đây có thể giúp ích cho bạn. Trà hoa cúc ngon là loại trà hoa có mùi thơm nhẹ đặc trưng mà không có mùi hôi hay hắc do nấm mốc hay hóa chất bảo quản. Khi mua trà hoa cúc cũng cần chú ý tới màu sắc của trà, không nên chọn trà có màu quá vàng tươi hay quá xỉn màu.
1. Uống trà hoa cúc có tốt không? Tác dụng của trà hoa cúc là gì?
Tác dụng của trà hoa cúc đối với sức khỏe đến từ thành phần flavonoid hoạt động như một chất chống oxy hóa cùng một vài vitamin và khoáng chất có trong trà như kali, canxi, carotene và folate,...
Dưới đây là một số công dụng của trà hoa cúc theo các nghiên cứu, lưu ý rằng, tác dụng đối với sức khỏe khi uống trà hoa cúc có thể khác nhau ở mỗi người.
- Uống trà hoa cúc giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt hơn
Hoa cúc chứa apigenin - là một chất chống oxy hóa có liên kết với thụ thể GABA trong não có tác dụng thúc đẩy cơn buồn ngủ cũng như giảm chức mất ngủ (nhưng không ngăn ngừa chứng mất ngủ) và tình trạng mất ngủ mãn tính.
Theo Medical News Today, một đánh giá năm 2019 trên người mắc chứng rối loạn lo âu cho thấy, sau 2 - 4 tuần điều trị bằng hoa cúc, nhóm người này đã cải thiện triệu chứng và chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy một người đang lo lắng uống trà hoa cúc có thể giảm ngay lập tức triệu chứng.
Nghiên cứu năm 2015 của Đại học Fooyin, Đài Loan (Trung Quốc), 80 phụ nữ sau sinh có chất lượng giấc ngủ kém uống trà hoa cúc trong hai tuần cải thiện giấc ngủ tốt và ít triệu chứng trầm cảm hơn.
Năm 2019, các nhà khoa học của Đại học Y Dược TP HCM và một số đơn vị nước ngoài đánh giá và phân tích tổng hợp 12 nghiên cứu đã kết luận trà hoa cúc có hiệu quả và an toàn trong việc nâng cao chất lượng giấc ngủ, giảm triệu chứng trầm cảm thường liên quan đến các vấn đề về giấc ngủ, giảm rối loạn lo âu.
Nếu muốn uống trà hoa cúc để ngủ ngon hơn, bạn có thể uống trà hoa cúc trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng và không nên uống quá nhiều. Trà hoa cúc có thể kết hợp với các thảo mộc khác để tăng cường hiệu quả thư giãn như dầu chanh, hoa oải hương, rễ cây nữ lang, hoa lạc tiên,... Uống trà hoặc bất kỳ loại nước nào ngay trước khi đi ngủ có thể khiến giấc ngủ gián đoạn do phải thức dậy nhiều lần để tiểu đêm.
- Hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng kinh nguyệt
Một nghiên cứu năm 2019 trên NCBI cho thấy, hoa cúc với đặc tính chống viêm, chống co thắt và an thần có thể có hiệu quả trong việc giảm sự khó chịu do hội chứng tiền kinh nguyệt gây ra.
Hội chứng tiền kinh nguyệt được định nghĩa là một số thay đổi rõ rệt về mặt thể chất và cảm xúc trong khoảng thời gian trước khi kinh nguyệt xảy ra. Các thay đổi này có thể bao gồm: Mất ngủ, cáu kỉnh, kém tập trung, đau nhức toàn thân, đau ngực, đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi,...
- Trà hoa cúc có thể có lợi để kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, một tác dụng khác của trà hoa cúc khác là có thể giúp giảm lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường bằng cách cải thiện chỉ số đường huyết, lipid cũng như mức stress oxy hóa, từ đó giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng tiểu đường nhờ đặc tính chống viêm cao.
Nói cách khác, tính chống viêm của trà hoa cúc có thể ngăn ngừa các tổn thương cho tế bào tuyến tụy, giúp tuyến tụy khỏe mạnh và hạ lượng đường trong máu.
Theo Healthline, một nghiên cứu với 50 người tham gia bị tiểu đường được uống trà hoa cúc 2 lần mỗi ngày liên tục trong 4 tuần. Kết quả của nghiên cứu cho thấy chỉ số lipid, đường huyết và chức năng thận ở nhóm người uống trà hoa cúc đều được cải thiện.
Tuy nhiên, kết quả của các nghiên cứu chưa đủ lớn nên người bệnh không nên tự ý sử dụng hoa cúc thay thế cho thuốc điều trị bệnh tiểu đường được bác sĩ chỉ định.
- Đặc tính chống viêm, tăng cường miễn dịch
Tác dụng của trà hoa cúc là gì? Trà hoa cúc chứa các đặc tính chống viêm nhờ tinh dầu, vitamin A, B1 và một số chất khác như adenin, cholin và sắc tố kích thích sản sinh các tế bào chống lại viêm nhiễm.
Điều này giúp giảm các nguy cơ sức khỏe như bệnh trĩ, đau đường tiêu hóa, viêm khớp, rối loạn tự miễn, béo phì và trầm cảm có liên quan tới viêm kéo dài. Đồng thời giúp bảo vệ cơ thể khỏi stress oxy hóa và tăng cường hệ miễn dịch.
- Có thể có đặc tính ngăn ngừa ung thư
Một vài nghiên cứu trong ống nghiệm năm 2023 được công bố trên NCBI cho thấy, trà hoa cúc có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của khối u thần kinh đệm - khối u bắt nguồn từ những tế bào hình sao trong não hoặc tủy sống; ung thư gan; ung thư cổ tử cung; ung thư vú; ung thư da; ung thư tuyến tiền liệt và bệnh bạch cầu nhờ hợp chất chống oxy hóa apigenin.
Ngoài ra, theo Healthline, một nghiên cứu trên 537 người tham gia cho thấy người uống trà hoa cúc từ 2 - 6 lần mỗi tuần có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp thấp hơn nhóm không có thói quen này.
Tuy nhiên nghiên cứu về tác dụng của trà hoa cúc với bệnh ung thư còn nhỏ và cần nhiều bằng chứng với các nghiên cứu rộng hơn trên người trước khi kết luận chắc chắn về việc uống trà hoa cúc giúp ngăn ngừa ung thư như thế nào.
- Giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh
Theo Harvard Health, một số nghiên cứu chỉ ra rằng uống các loại đồ uống ấm như trà hoa cúc có thể giúp giảm một số triệu chứng của bệnh cảm lạnh thông thường, chẳng hạn như đau họng hay ho.
Tác dụng của trà hoa cúc với bệnh cảm lạnh được giải thích có thể liên quan tới việc bù nước, bù ẩm cho cơ thể, làm dịu niêm mạc họng của nước ấm. Do vậy, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thực sự rõ về vai trò của trà hoa cúc khi xem xét độc lập đối với bệnh cảm lạnh thông thường.
Nhưng ngay cả khi uống trà hoa cúc chỉ giúp bù nước cho cơ thể khi bị cảm thì điều này vẫn hoàn toàn có lợi. Hơn nữa, trà hoa cúc không có caffeine nên không ảnh hưởng tới việc nghỉ ngơi của cơ thể khi bị ốm.
- Uống trà hoa cúc có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch
Một tác dụng của trà hoa cúc tiềm năng khác là khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch nhờ đặc tính của các flavone trong trà, có công dụng giảm mức cholesterol xấu, triglyceride trong máu. Tuy nhiên các nghiên cứu còn khá ít và chúng ta cần thêm nhiều bằng chứng hơn nữa.
2. Ai không nên uống trà hoa cúc?
Tác dụng của trà hoa cúc với sức khỏe được đánh giá tốt nhưng dù được coi là an toàn với hầu hết mọi người thì những nhóm người sau đây không nên uống trà hoa cúc, trừ khi có lời khuyên khác của bác sĩ:
- Người có tiền sử dị ứng với các cây như cây cúc ngài (cây cỏ lưỡi chó), hoa cúc họa mi, cúc vạn thọ, cúc vàng hoặc các loại cây hoa liên quan tới chi Cúc thì không nên uống trà hoa cúc để tránh rủi ro gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng do dị ứng như nổi mề đay, mẩn ngứa, sưng phù mặt/chi/miệng/họng có thể dẫn tới suy hô hấp thậm chí sốc phản vệ nguy hiểm tới tính mạng.
Điều này cũng đúng với người đã từng dị ứng, ngay cả dị ứng ở mức độ nhẹ với các sản phẩm có chứa thành phần chiết xuất hoa cúc bởi phản ứng dị ứng có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.
- Người đang sử dụng một số loại thuốc chống đông máu cũng không nên uống trà hoa cúc.
- Phụ nữ mang thai có nên uống trà hoa cúc không? Câu trả lời là không. Bởi đã có một số bằng chứng nhỏ lẻ cho thấy uống trà hoa cúc khi mang thai có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, tăng guy cơ chuyển dạ sớm hoặc sảy thai.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Tương tự như mật ong thì trà hoa cúc có thể chứa một sốt bào tử vi khuẩn có thể gây ngộ độc cho nhóm trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện này.
3. Uống trà hoa cúc mỗi ngày có tốt không?
Uống trà hoa cúc khoảng 8 - 10 gram mỗi ngày được coi là an toàn. Khi uống nên theo dõi phản ứng của cơ thể để điều chỉnh lượng trà có thể tiêu thụ.
Trà hoa cúc có vị hơi ngọt, cũng có người uống trà hoa cúc lại thấy vị đắng thanh thanh. Cách pha trà hoa cúc rất đơn giản, bạn có thể hãm hoa cúc khô với nước sôi và để trà ngấm trong khoảng 2 - 3 phút rồi lọc và uống. Khi uống có thể uống trà nóng hoặc trà lạnh tùy theo sở thích.
Nhìn chung, trà hoa cúc có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tùy thuộc vào từng thể trạng mà lượng trà hoa cúc có thể mỗi ngày là khác nhau. Nếu đang sẵn có các bệnh lý mãn tính cần sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi thêm trà hoa cúc vào chế độ ăn uống hàng ngày để tránh các tương tác thuốc không mong muốn.
Nguồn: Healthline, Medical News Today, Harvard Health