Loại pháo tự hành bí ẩn của Triều Tiên giúp Nga vá lỗ hổng hỏa lực tại Ukraine

Khi cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài sang năm thứ tư, Nga ngày càng sử dụng nhiều loại vũ khí do nước ngoài cung cấp, trong đó có các hệ thống pháo để duy trì áp lực lên hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Một trong những vũ khí mới nhất mà Nga bổ sung vào chiến trường là pháo tự hành M1989 Koksan của Triều Tiên, hiện được cho là đang hoạt động trên lãnh thổ Ukraine.

Pháo binh Triều Tiên. Ảnh: Dagens

Pháo binh Triều Tiên. Ảnh: Dagens

Trong nhiều tháng qua, đã có những đồn đoán về việc Triều Tiên chuyển giao hệ thống pháo tiên tiến này cho Nga. Một số phương tiện truyền thông cho biết đã có những hình ảnh cho thấy pháo Koksan M1989 đang nằm trong tay các đơn vị của Nga.

Các chuyên gia từ Defence Express ước tính, Triều Tiên đã thực hiện ít nhất 4 đợt chuyển giao hệ thống pháo cho Nga kể từ cuối năm 2024. Tính đến tháng 5/2025, có tới 200 khẩu pháo Koksan có khả năng được triển khai dọc theo mặt trận, đặc biệt là ở phía Bắc bán đảo Crimea. Nguồn tin trinh sát của Ukraine thời gian gần đây cũng ghi nhận sự hiện diện của loại vũ khí này trên lãnh thổ Ukraine.

Tính năng của M1989 Koksan

M1989 Koksan là loại pháo tự hành cỡ nòng 170mm của Triều Tiên, được lắp trên khung gầm bánh xích để tăng cường khả năng cơ động trên chiến trường, giúp hệ thống có thể vận hành trên những địa hình khó khăn, trong đó có cả vùng đồi núi gồ ghề. Đây là phiên bản cải tiến của hệ thống pháo M-1978. Tầm bắn tiêu chuẩn của hệ thống pháo là từ 40 đến 50 km. Nhưng khi sử dụng đạn pháo được trang bị động cơ tên lửa nhỏ để tăng phạm vi hoạt động hoặc cải thiện hiệu suất, tầm bắn có thể lớn hơn 60 km.

Những tính năng trên khiến M1989 Koksan trở thành một mối đe dọa đáng gờm, đặc biệt là trong một cuộc xung đột sử dụng nhiều pháo binh như cuộc xung đột đang diễn ra ở miền Đông Ukraine. Tính cơ động của hệ thống này cũng cho phép các lực lượng Nga thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi trên mặt trận hoặc tránh được các cuộc tấn công phản pháo.

Theo các chuyên gia quân sự, một trong những đặc điểm của M1989 Koksan là có tốc độ bắn tương đối chậm. Hệ thống chỉ có thể bắn một đến hai viên đạn mỗi năm phút do kích thước lớn và độ phức tạp của đạn pháo. Tuy vậy, điểm yếu này được khắc phục bằng thực tế là Triều Tiên có rất nhiều hệ thống pháo hạng nặng, có thể được triển khai để bù đắp cho tốc độ bắn chậm của các Koksan. Hơn nữa, M-1989 có khoang chứa đạn gồm 12 viên.

Giống như nhiều loại vũ khí khác của Triều Tiên, M-1989 Koksan được phát triển trên công nghệ cũ của Liên Xô từ thời Chiến tranh Lạnh. Đáng chú ý, M1989 Koksan sử dụng khung gầm xe kéo pháo ATS-59 của Liên Xô đã được cải tiến, chịu được trọng lượng và độ giật bổ sung của khẩu pháo 170mm lớn.

Một nhược điểm khác của M-1989 là có cấu hình mở, khiến hệ thống dễ bị tấn công trực tiếp. Hầu hết các hệ thống pháo trên thế giới hiện nay đều có khoang bảo vệ hoặc tích hợp các thiết bị bảo vệ cho chính hệ thống và kíp lái. Nhưng hệ thống pháo M-1989 của Triều Tiên thì không được trang bị như vậy.

Cuối cùng cỡ nòng 170mm của Koksan đặt ra những thách thức về mặt hậu cần đối với Nga. Do vũ khí này không thể sử dụng các loại đạn dược tiêu chuẩn của Nga, nên Triều Tiên phải cung cấp một lượng lớn đạn dược chuyên dụng cho Koksan. Điều này có thể giúp Triều Tiên có thêm nguồn tài chính từ việc bán đạn dược cũng như hoàn thiện cơ sở công nghiệp quốc phòng của họ.

Vá lỗ hổng hỏa lực của Nga

Trước đây, quân đội Nga thường sử dụng các khẩu lựu pháo 2S7 Pion cũ kỹ để tấn công tầm xa, nhưng sự hao mòn trên chiến trường đã làm giảm số lượng và hiệu quả của chúng. Theo Oryx, Moscow đã mất 30 khẩu lựu pháo 2S7 Pion. Trong khi một số nguồn tin khác cho biết con số này còn cao gấp đôi.

Việc đưa vào sử dụng các hệ thống Koksan có thể nhằm mục đích lấp đầy khoảng trống đó. Vẫn cần phải đánh giá hiệu quả của chúng trong chiến đấu nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng việc Triều Tiên cung cấp các loại vũ khí như vậy cho Nga đánh dấu một bước tiến đáng kể trong hợp tác quân sự giữa hai bên.

Tăng cường hợp tác quân sự Nga – Triều Tiên

Sự hỗ trợ quân sự mà Triều Tiên dành cho Nga nhấn mạnh xu hướng mở rộng quy mô xung đột Nga-Ukraine. Cùng với máy bay không người lái do Iran cung cấp, pháo hạng nặng của Triều Tiên sẽ giúp quân đội Nga duy trì khả năng chiến đấu, tăng cường năng lực phòng thủ và tấn công.

Đối với Ukraine và các đối tác phương Tây, sự hiện diện của hệ thống M1989 Koksan trên chiến trường vừa là thách thức chiến thuật vừa là mối quan ngại chiến lược, vì điều này cho thấy các đối tác của Nga ngày càng sẵn sàng cung cấp viện trợ quân sự có tác động lớn đến cuộc chiến. Cách thức hoạt động của các hệ thống này và mức độ hiệu quả của những biện pháp Ukraine sử dụng để đối phó với chúng, có thể giúp định hình chiến trường trong những tháng tới.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Dagens News

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/loai-phao-tu-hanh-bi-an-cua-trieu-tien-giup-nga-va-lo-hong-hoa-luc-tai-ukraine-post1201662.vov
Zalo