Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Foudre - đối thủ xứng tầm của HIMARS

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Foudre của hãng Turgis Gaillard của Pháp được dự đoán có thể cạnh tranh với HIMARS của Mỹ trong bối cảnh châu Âu muốn 'cai' vũ khí Mỹ.

Một công ty Pháp đang phát triển một hệ thống phóng tên lửa và rocket có thể cạnh tranh với Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) của Mỹ, trong bối cảnh châu Âu nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Washington và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng cũng như kho vũ khí của mình.

Loại vũ khí mới do hãng Turgis Gaillard sản xuất, có tên là Foudre. Đây là hệ thống đặt trên xe tải, được thiết kế để dễ dàng vận chuyển bằng đường không và có tính cơ động cao.

Theo chia sẻ của Turgis Gaillard với trang Business Insider, hệ thống này có khả năng phóng nhiều loại đạn dẫn đường chính xác, với tầm bắn từ 74 đến 1.000 km.

Các báo cáo trước đó của Pháp cho thấy hệ thống này có thể mang theo rocket M31, tên lửa chiến thuật MGM-140 (ATACMS), thậm chí tên lửa tấn công chính xác mới (PrSM) – đều là các loại vũ khí do Mỹ sản xuất và hiện đang được HIMARS sử dụng. Foudre cũng được cho có thể phóng tên lửa hành trình.

Dưới đây là những thông tin được biết về Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Foudre.

 Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Foudre. Ảnh: TURGIS GAILLARD

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Foudre. Ảnh: TURGIS GAILLARD

Một hệ thống của châu Âu

Hãng Turgis Gaillard cho biết Foudre “được phát triển tại Pháp với sự hợp tác của các đối tác công nghiệp trong nước”.

Ngân sách quốc phòng của châu Âu đang tăng vọt và sự quan tâm đến các hệ thống sản xuất trong khu vực cũng ngày càng lớn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích các đồng minh và gợi ý rằng Mỹ có thể không bảo vệ châu Âu trong tương lai.

Tạp chí kinh doanh Pháp Challenges mới đây đưa tin rằng Turgis Gaillard đã bí mật phát triển hệ thống này trong hai năm qua trong bối cảnh công ty nhận thấy cơ hội từ những quan sát thực tế ở Ukraine.

Ông Mark Cancian - cố vấn cấp cao về quốc phòng và an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - nói rằng mặc dù “hệ thống này không được phát triển để đối phó với ông Trump”, nhưng “những lo ngại về độ ổn định trong cam kết quốc tế của Mỹ có thể khiến một số quốc gia cân nhắc lại việc mua vũ khí do Mỹ sản xuất”.

Chẳng hạn, một số đồng minh của Mỹ đã đặt dấu hỏi về cam kết của Washington với tiêm kích F-35 do hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu các lựa chọn thay thế tiên tiến tương đương và những khó khăn khi chuyển đổi sang loại máy bay mới, nhiều quốc gia đối tác có thể vẫn tiếp tục sử dụng dòng tiêm kích này.

Lãnh đạo châu Âu từ lâu đã kêu gọi tăng cường khả năng tự sản xuất vũ khí của khu vực. Trong số đó có Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa - người đã nói với tờ Politico hồi tháng 4 rằng châu Âu cần đẩy mạnh sản xuất vũ khí nội khối.

Xung đột Nga-Ukraine đã kích hoạt hàng loạt thỏa thuận quốc phòng, các cuộc tập trận và hoạt động mua sắm mới giữa các lực lượng vũ trang châu Âu, bao gồm Sáng kiến Tấn công Tầm xa châu Âu được khởi động vào năm ngoái.

Sáng kiến này chứng kiến Pháp, Đức, Ba Lan, Ý, Thụy Điển và Anh cùng hợp tác phát triển năng lực tấn công tầm xa từ mặt đất. Hãng Turgis Gaillard mô tả Foudre là một phần trong xu hướng trên.

Một bài học từ Ukraine

Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến các lực lượng vũ trang phương Tây phải suy nghĩ lại về vũ khí và chiến thuật của mình, đồng thời gia tăng chi tiêu quốc phòng. Trước những lo ngại về tình hình bất ổn trong khu vực, nhiều nước châu Âu đã nhận thấy rằng châu Âu cần phải sẵn sàng cho một cuộc chiến hiện đại. Hiệu quả của các hệ thống pháo phản lực phóng loạt đa năng (MLRS) là một bài học quan trọng rút ra từ cuộc chiến này.

Turgis Gaillard giải thích rằng hệ thống Foudre được phát triển “dựa trên những bài học rút ra từ xung đột gần đây". Các nhà phát triển cho biết hệ thống này “thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc cung cấp cho các quân đội đồng minh những công cụ tiên đoán xung đột trong tương lai”.

Ukraine lần đầu tiếp nhận HIMARS vào năm 2022. Đây là một trong những loại vũ khí quan trọng đầu tiên mà các đối tác phương Tây chuyển giao cho Kiev. Với tầm bắn xa hơn pháo binh và các bệ phóng tên lửa khác, HIMARS đã tấn công các vị trí hậu phương của Nga, phá hủy kho đạn, binh lính và trang thiết bị, cũng như các trung tâm chỉ huy và điều khiển.

 Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS). Ảnh: QUÂN ĐỘI MỸ

Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS). Ảnh: QUÂN ĐỘI MỸ

Ukraine từng ca ngợi HIMARS như một vũ khí làm thay đổi cục diện cuộc chiến khi nó vừa được triển khai, dù phía Nga sau đó đã thích ứng bằng cách di chuyển các mục tiêu trọng yếu và sử dụng biện pháp đối phó như gây nhiễu. Tuy vậy, hệ thống này vẫn phát huy tác dụng và được cho là đã tiêu diệt cả trực thăng Nga vào tháng 3.

Chuyên gia Cancian nhận định rằng cuộc chiến ở Ukraine cho thấy các bệ phóng tên lửa di động “đã chứng minh được giá trị nhờ khả năng bắn với mật độ cao và di chuyển linh hoạt". Ông bổ sung rằng “các loại rocket có điều khiển đã tỏ ra rất hiệu quả khi nhắm đến các mục tiêu điểm như kho đạn hoặc sở chỉ huy”.

Turgis Gaillard mô tả Foudre là loại vũ khí phù hợp với chiến tranh hiện đại.

“Ngày nay, khi các quân đội có thể phát hiện mục tiêu cách hàng trăm km nhờ máy bay không người lái, vệ tinh và hệ thống tình báo, thì Foudre cung cấp khả năng tấn công chính xác ở cự ly lên tới 1.000 km, làm gián đoạn tuyến hậu cần của đối phương và bảo vệ lực lượng đồng minh” - theo tuyên bố của Turgis Gaillard.

Hiện chưa rõ hệ thống này có thể trở thành đối thủ của HIMARS ở mức độ nào. Không rõ công ty dự kiến sản xuất bao nhiêu đơn vị. Mặc dù cũng có những đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường, các quốc gia châu Âu có thể sẽ ưu tiên chọn một phương án thay thế đến từ Pháp hơn.

Công ty dự kiến sẽ chính thức ra mắt hệ thống tấn công mới tại Triển lãm Hàng không Paris, diễn ra từ ngày 16 đến 22-6. Công ty cho biết “các buổi trình diễn khả năng giao diện tác chiến phối hợp và triển khai nhanh sẽ được tổ chức” tại sự kiện này.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/he-thong-phao-phan-luc-phong-loat-foudre-doi-thu-xung-tam-cua-himars-post850914.html
Zalo