Loài người có thể tiến hóa thành 'người sao hỏa'?
Nếu con người thực sự xây dựng được các khu định cư tự duy trì trên sao hỏa, thì quá trình tiến hóa sinh học có thể khiến họ tách khỏi quỹ đạo phát triển của loài người trên trái đất. Đó là nhận định của giáo sư sinh học Scott Solomon, Đại học Rice (Mỹ), khi nhìn về viễn cảnh dài hạn của việc sống ngoài không gian.
Sao hỏa – hành tinh đỏ nằm cách trái đất khoảng 225 triệu km – hiện là ứng viên tiềm năng nhất cho mục tiêu định cư ngoài trái đất. Tuy nhiên, môi trường ở đây khắc nghiệt hơn rất nhiều: trọng lực chỉ bằng 1/3 của trái đất, bầu khí quyển loãng và gần như toàn carbon dioxide, không có từ trường hay tầng khí quyển dày để bảo vệ khỏi bức xạ vũ trụ. Dù con người có thể tạo ra các môi trường sống nhân tạo, nhưng những thách thức về mặt sinh học vẫn không hề nhỏ.
Theo giáo sư Solomon, nếu con người định cư lâu dài tại sao hỏa, họ sẽ trải qua những thay đổi sinh học đáng kể để thích nghi với môi trường mới – có thể là biến đổi về gene, cấu trúc cơ thể hoặc sắc tố da. Ông cho rằng quá trình tiến hóa sẽ sớm đi theo một hướng tách biệt, và cư dân sao hỏa tương lai có thể sở hữu những đặc điểm hoàn toàn khác với người trái đất.

Ảnh minh họa.
Một trong những yếu tố có khả năng thúc đẩy tiến hóa trên sao hỏa chính là bức xạ. Không giống như trái đất được bao bọc bởi từ trường và tầng khí quyển bảo vệ, bề mặt sao hỏa phơi nhiễm trực tiếp với bức xạ từ mặt trời và các nguồn ngoài vũ trụ. Dù sống dưới lòng đất hoặc mặc đồ bảo hộ, con người vẫn phải đối mặt với tác động dài hạn của bức xạ – yếu tố có thể vừa làm tăng nguy cơ ung thư, vừa thúc đẩy tỷ lệ đột biến gene.
Giáo sư Solomon nhận định: Nếu các đột biến không gây tử vong sớm, chúng sẽ tạo ra nhiều biến dị di truyền hơn – điều này đồng nghĩa với việc chọn lọc tự nhiên có thêm nguyên liệu để “điều chỉnh” cơ thể con người sao cho phù hợp hơn với điều kiện sống khắc nghiệt trên sao hỏa.
Trên trái đất, eumelanin – sắc tố da tối màu – giúp cơ thể chống lại tia cực tím. Nếu eumelanin tiếp tục đóng vai trò bảo vệ khỏi bức xạ trên sao hỏa, thì việc cư dân hành tinh đỏ dần sở hữu làn da sẫm màu là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Thậm chí, con người tại đây có thể phát triển các sắc tố hoàn toàn mới hoặc những cơ chế bảo vệ chưa từng thấy – điều này phần nào lý giải cho hình tượng “người xanh nhỏ bé” thường xuất hiện trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng.
Nếu thời gian định cư kéo dài đủ lâu – hàng thế kỷ hoặc thiên niên kỷ – thì cộng đồng người sống trên sao hỏa có thể tiến hóa thành một phân loài, hoặc thậm chí là một loài hoàn toàn mới với tên gọi Homo sapiens martianus.
Ngoài những thay đổi về sinh học, sự phân hóa giữa người sống trên trái đất và người sống trên sao hỏa cũng đặt ra những vấn đề xã hội, văn hóa và đạo đức sâu sắc. Một đứa trẻ sinh ra trên hành tinh khác nhưng không bao giờ có cơ hội quay lại trái đất – liệu có nên được sinh ra? Một xã hội biệt lập hàng thế kỷ – liệu còn giữ được nền văn hóa, hệ thống chính trị hay lý tưởng chung với nhân loại trên quê nhà?
“Khoa học viễn tưởng từ lâu đã đặt ra những câu hỏi này,” giáo sư Solomon nhấn mạnh. “Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc xem xét chúng, bởi tương lai ấy có thể đang đến gần hơn chúng ta tưởng.”