Loài người chưa từng biết ẩn nấp ở châu Á suốt 100.000 năm
Các nhà khoa học gọi loài người mới bí ẩn này là Juluren, tức 'người đầu to', từng sống cùng và thậm chí giao phối với người hiện đại Homo sapiens.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà nhân chủng học Xiujie Wu từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) và nhà nhân chủng học Christopher Bae từ Đại học Hawai'i (Mỹ) đã phân tích lại một số hóa thạch từng được cho là của loài người cổ Denisovans, khai quật ở Trung Quốc.
Một số đặc điểm mới được chỉ ra đã khẳng định các hóa thạch này không phải người Denisovans.
Nhưng họ cũng không phải Neanderthals, "người đứng thẳng" Homo erectus hay "người hiện đại" Homo sapiens (tức chúng ta).
Họ là một loài người chưa từng được biết đến trước đây, được đặt tên là Juluren (Homo juluensis), tức "người đầu to".
Theo Science Alert, sự kết hợp các đặc điểm của loài người mới này cho thấy sự pha trộn nguồn gốc giữa nhiều nhóm người thuộc tông Người, tất cả đều sống ở cùng một khu vực tại châu Á từ 300.000 đến 50.000 năm trước.
"Nhìn chung, những hóa thạch này đại diện cho một dạng người mới có não lớn" - các tác giả viết trên tạp chí PaleoAnthropology.
Các hóa thạch khác nhau thuộc về Juluren chủ yếu là phần còn lại của khuôn mặt và hàm, chứa các đặc điểm răng giống người Neanderthals cổ điển.
Nhưng một số đặc điểm không được thấy ở những loài người khác đã biết, bao gồm cả người Denisovans.
Cũng theo các tác giả, loài người mới này ra đời trước Homo sapiens chúng ta và đã sống bên cạnh quần thể Homo sapiens suốt 100.000 năm ở khu vực Đông Á.
Thậm chí hai quần thể này có thể từng sống lẫn với nhau và nhiều cuộc giao phối dị chủng đã xảy ra.
Đó không phải điều quá lạ lùng, bởi lẽ các bằng chứng di truyền cho thấy Homo sapiens cổ đại cũng từng giao phối với hai loài Neanderthals và Denisovans.
Ngoài "người đầu to", người Neanderthals cũng được cho là có hộp sọ lớn hơn chúng ta.
Hiện các nhà khoa học chưa phân tích cụ thể xem trí thông minh và trình độ công nghệ của loài người mới đến đâu, nhưng bộ não to có thể đi kèm với một trí thông minh tốt, ví dụ người Neanderthals vốn khá khéo léo và biết chế tác ra nhiều công cụ, trang sức tinh xảo.
Tuy vậy, một số cấu trúc phức tạp và "độc quyền" trong não được cho là đã giúp Homo sapiens dần trở nên vượt trội và trở thành loài duy nhất còn lại của chi Homo (chi Người).