Loại cây mọc hoang cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm
Từ việc nhận ra giá trị của cây cà gai leo, chị Lê Thị Thể (SN 1982, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đã quyết định đầu tư khởi nghiệp từ loại cây này.
“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Chỉ ít năm trồng thử nghiệm, cả một vùng đất từ vườn nhà lên đến đỉnh đồi của hộ gia đình chị Lê Thị Thể đã phủ một màu xanh cây cà gai leo. Mô hình này đã mở ra hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị.
Thế nhưng, để có thành quả này, thật không dễ dàng. Nhớ lại những ngày mới khởi nghiệp, chị Thể không khỏi ái ngại. Chị kể, cách đây 5 năm, 2 vợ chồng chị rời quê Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào Hà Tĩnh lập nghiệp. Sau khi trải qua nhiều ngành nghề, năm 2020, vợ chồng chị quyết định thuê 3 ha đất nông nghiệp tại vùng Kim Song Trường (huyện Can Lộc) phát triển kinh tế trang trại.
“Nhận thấy vùng này người dân thường trồng cam giòn, ổi, chăn nuôi gà vịt… 2 vợ chồng cũng bỏ vốn để thử sức. Nhưng sau 2 năm, hướng đi không đem lại kinh tế, tôi với chồng mạnh dạn chuyển sang trồng chuyên canh cây thảo dược cà gai leo. Đây là loại cây có đặc tính ưa sáng, sinh trưởng khỏe, chịu hạn tốt, không chịu được ngập úng, thích hợp với trồng ở đất pha giàu dinh dưỡng. Hoa cây cà gai leo có màu phớt tím, thường ra hoa vào tháng 4 - 9, tạo quả vào tháng 9 - 12. Phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây”, chị Thể cho hay.
Đôi vợ chồng trẻ đã đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo gần 2 hecta đất, làm luống, lắp đặt hệ thống tưới tiêu, mua giống… trồng cây theo hướng hữu cơ. "Trồng cà gai leo không khó nhưng để trồng theo hướng hữu cơ thì không đơn giản. Mùa đầu tiên, do thiếu nước, thời tiết nóng, nên một số luống phải trồng đi trồng lại. Lúc đó, dù hoang mang nhưng 2 vợ chồng động viên nhau không nản chí”, chị Thể nói.
Từ những thất bại, anh chị đã tích lũy cho mình những kinh nghiệm để trồng cà gai leo. Chỉ trong 5 tháng, những cành cà gai leo đã vươn dài, tua tủa phủ kín mặt đất, hoa và quả bắt đầu xuất hiện. Gần như ngày nào 2 vợ chồng cũng có mặt trên những luống cây từ khi mới chớm mầm đến lúc cây phát triển sum suê.
Hiện nay, mỗi năm, vùng sản xuất cà gai leo của gia đình chị Thể cho thu hoạch 3 vụ với sản lượng khoảng 6 - 7 tấn/ha/vụ, mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình đã tạo việc làm cho 10 nhân công địa phương, trong đó có 4 nhân công thường xuyên. “Tính ra, so với trồng lúa, ngô, lạc thì cây cà gai leo cho lãi gần gấp 3 - 4 lần”, chị cười phấn khởi.
Đồng thời trong quá trình trồng, chị Thể cũng tìm hiểu, liên hệ với một số doanh nghiệp để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng nông sản đã đồng ý bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Tìm hướng đi cho cây dược liệu
Thấy được đây là cơ hội tốt, chị Thể đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh dược liệu Tiến Hiệp (gồm 7 thành viên) do mình làm Giám đốc để tạo vùng sản xuất cà gai leo với quy mô lớn. Nhằm đảm bảo sản lượng hàng đã ký kết, Ngân phải thuê thêm ruộng của người dân để trồng dược liệu. Ngoài ra, HTX cũng tổ chức liên kết sản xuất với các hộ dân trên địa bàn. Đến nay, tổng diện tích trồng cà gai leo của HTX đã nâng lên 2,5ha.
Sau khi thu hoạch, cây cà gai leo được các nhân công rửa sạch, phơi khô, cắt nhỏ thành đoạn 3 - 5 cm và xuất bán cho các đơn vị tại Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An để phục vụ cho chế biến, sản xuất dược liệu. Ngoài ra, chị còn đầu tư hệ thống máy móc sấy khô, nghiền và đóng gói sản phẩm thành dạng túi lọc để tiện sử dụng như: Trà túi lọc kết hợp cà gai leo khô và xạ đen, cao cà gai leo, túi lọc cà gai leo...
Đầu năm 2024, niềm vui đến với HTX khi sản phẩm trà túi lọc cà gai leo Tiến Hiệp chính thức được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Hiện nay, trà túi lọc cà gai leo Tiến Hiệp đang bán giá 60 ngàn đồng/hộp. "Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tiến Hiệp đã cung cấp ra thị trường hàng trăm hộp sản phẩm, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng", chị Thể phấn khởi.
Chia sẻ về định hướng phát triển mô hình trong tương lai, chị Thể cho biết: “Ngoài tập trung chăm sóc, chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô diện tích, trồng thêm thảo dược mới; vận động thêm các gia đình có diện tích vùng đồi kém phát triển để đầu tư phát triển diện tích, tăng thu nhập cho người dân địa phương".
"Chị Lê Thị Thể một trong những nông dân tiêu biểu, góp phần hình thành vùng trồng cây dược liệu. Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình của chị còn tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con khác. Điều đáng ghi nhận, từ mô hình của chị đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương", ông Nguyễn Quốc Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường cho biết.