Loại bỏ thành công khối u tuyến tùng nguy hiểm cho bệnh nhi 9 tuổi
Trẻ nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, nằm cáng di chuyển do khối u tuyến tùng lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều chức năng quan trọng của não.
Trường hợp bệnh nhi Đ.T.Đ (9 tuổi, ở Vĩnh Phúc) bị hôn mê sâu đã 10 ngày, chỉ nằm trên cáng khi chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Qua thăm khám, xác định bệnh nhi có khối u tuyến tùng lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều chức năng quan trọng của não. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật thành công, loại bỏ khối u nguy hiểm giúp tránh nguy cơ liệt vĩnh viễn và bảo toàn tính mạng cho bệnh nhi.
PGS.TS Đồng Văn Hệ – Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, không thể trả lời khi được gọi hỏi, không thực hiện được các yêu cầu như giơ tay hay mở mắt, chỉ có phản ứng cử động tay chân khi được kích thích đau.
Kết quả chụp chiếu cho thấy, khối u tuyến tùng phát triển rất nhanh, kích thước lớn hơn 5cm, chèn ép nhiều cấu trúc quan trọng trong não, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực, vận động và các mạch máu quan trọng trong vùng này. Khối u vùng tuyến tùng được xem như một thách thức lớn trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh, xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em.
Do là trung tâm của não bộ nên phẫu thuật khối u này rất khó và phức tạp. U có thể lành tính hoặc ác tính, nhưng dù kích thước nhỏ hay lớn, việc phẫu thuật đều gặp nhiều khó khăn. Điều này chủ yếu bởi vị trí của khối u nằm sâu ở giữa não, khiến việc tiếp cận và xử lý trở nên cực kỳ phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao và sự cẩn trọng tuyệt đối của các phẫu thuật viên thần kinh.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, khối u nằm ở vùng nguy hiểm, cụ thể tại vùng tĩnh mạch Galen – nơi tập trung 5 tĩnh mạch quan trọng. Trong quá trình phẫu thuật, nếu làm tổn thương bất kỳ tĩnh mạch nào, người bệnh có thể rơi vào tình trạng hôn mê, liệt vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong. Ngoài ra, khác với động mạch, thành tĩnh mạch rất mỏng và dễ rách, khiến việc phẫu tích để tách bỏ khối u trở nên vô cùng khó khăn. Chỉ một vết rách nhỏ ở tĩnh mạch cũng có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
“Trước đây, bệnh nhi có tiền sử đã được phẫu thuật thông não thất tại một bệnh viện tuyến trung ương và trải qua một đợt điều trị hóa chất. Trong đó, một số bác sĩ cho rằng tình trạng của cháu không còn khả năng cứu chữa. Thậm chí trong gia đình, có người đã có ý định đưa cháu về vì không còn hy vọng nào”, PGS.TS Đồng Văn Hệ thông tin.
Tại bệnh viện, sau 6 giờ phẫu thuật, bệnh nhi đã được loại bỏ hết khối u. Hiện, trẻ tỉnh táo, chơi ngoan, ăn ngủ tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới.