Lộ thỏa thuận trao đổi giữa Ukraine và Mỹ 'gây báo động ở Kiev'

Theo dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã yêu cầu 50% tài nguyên của Ukraine để đổi lấy sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến với Liên bang Nga.

Ảnh minh họa: Quỹ Tài sản Nhà nước Ukraine

Ảnh minh họa: Quỹ Tài sản Nhà nước Ukraine

Một dự thảo mật được cho là đã được trình lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nêu chi tiết một thỏa thuận kinh tế quan trọng với Mỹ, làm dấy lên lo ngại về chủ quyền của Ukraine đối với tài nguyên thiên nhiên của mình, theo báo Điện tín của Anh (The Telegraph) ngày 17/2/2025.

Tài liệu này, đề ngày 7/2/2025, được đánh dấu là “Đặc quyền & Bảo mật”, đề xuất một gói bồi thường trị giá 500 tỷ USD - một con số vượt qua nhiều khoản bồi thường trong lịch sử.

Theo The Telegraph, thỏa thuận đề xuất thành lập một quỹ đầu tư chung giữa Mỹ và Ukraine để giám sát tài nguyên khoáng sản, cảng biển, cơ sở hạ tầng năng lượng và các dự án kinh tế tương lai của Ukraine. Mục tiêu, theo tthỏa thuận, là để đảm bảo rằng “các bên thù địch không được hưởng lợi từ quá trình tái thiết Ukraine”.

Đề xuất trong thỏa thuận bị rò rỉ cho hay Washington sẽ nhận 50% doanh thu từ tài nguyên của Ukraine và một phần giá trị tài chính tương đương từ tất cả các giấy phép khai thác và xuất khẩu mới. Ngoài ra, Mỹ sẽ có quyền ưu tiên mua các khoáng sản quan trọng trong tương lai, bao gồm đất hiếm, dầu và khí đốt.

Các điều khoản pháp lý trong tài liệu cho thấy thỏa thuận sẽ tuân theo luật pháp New York, trao cho Mỹ ảnh hưởng rộng rãi đối với lĩnh vực tài nguyên của Ukraine. Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận mô tả các điều khoản này là một cam kết kinh tế lớn đối với Ukraine:

“Điều khoản này về cơ bản có nghĩa là, ‘Trả tiền cho chúng tôi trước, rồi mới lo cho con cái các bạn’”, một nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho biết.

Dự thảo thỏa thuận này được cho là đã gây báo động ở Kiev, khi các quan chức cân nhắc những tác động lâu dài của một thỏa thuận kinh tế như vậy. Mặc dù trước đó ông Zelensky đã gợi ý việc trao cho Mỹ cổ phần trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng của Ukraine nhằm khuyến khích viện trợ quân sự, nhưng quy mô của những điều khoản này dường như vượt ngoài mong đợi.

Đề xuất trong thỏa thuận đã được so sánh với các mô hình bồi thường trong lịch sử, với một số nhà phân tích lưu ý rằng thỏa thuận này sẽ chiếm tỷ lệ lớn hơn GDP của Ukraine so với các khoản bồi thường của Đức sau Thế chiến thứ nhất theo Hiệp ước Versailles. Đồng thời, tài liệu này được cho là không áp đặt các yêu cầu tài chính tương tự đối với Liên bang Nga.

ổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 7/2/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

ổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 7/2/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Ukraine đã “về cơ bản đồng ý” cung cấp 500 tỷ USD, với lý do nước này sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên quý giá.

“Họ có những vùng đất vô cùng giá trị về đất hiếm, về dầu khí, về nhiều thứ khác”, ông Trump nói và cảnh báo rằng nếu không có thỏa thuận, Ukraine có nguy cơ đối mặt với bất ổn kéo dài: “Họ có thể đạt được thỏa thuận. Họ có thể không đạt được thỏa thuận. Họ có thể thuộc về Liên bang Nga vào một ngày nào đó, hoặc có thể không. Nhưng tôi muốn lấy lại số tiền này”.

Ông Trump cũng cho rằng Mỹ đã đóng góp 300 tỷ USD cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine và nhấn mạnh rằng việc tiếp tục viện trợ mà không có sự hoàn trả sẽ không bền vững. Tuy nhiên, hồ sơ Quốc hội cho thấy tổng số viện trợ đã được phê duyệt chỉ là 175 tỷ USD và phần lớn trong số đó được sử dụng để sản xuất vũ khí tại Mỹ hoặc được cung cấp dưới dạng khoản vay theo Đạo luật Lend-Lease.

Các mỏ khoáng sản của Ukraine, bao gồm lithium, titan, uranium và đất hiếm, ngày càng trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận địa chính trị. Một số tài nguyên này nằm gần tiền tuyến hoặc trong các khu vực bị Liên bang Nga chiếm đóng, làm dấy lên lo ngại về an ninh dài hạn.

Ông Zelensky từng nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn việc để mất các nguồn dự trữ chiến lược vào tay kẻ thù.

“Nếu chúng ta đang nói về một thỏa thuận, thì hãy làm một thỏa thuận—đó là tất cả những gì chúng tôi đang nói”, nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố.

Theo báo cáo, đối với các quan chức Ukraine, Diễn đàn An ninh Munich là một sự sắp xếp về mặt ngoại giao đầy thách thức. Họ tham gia các cuộc thảo luận kinh tế nhưng nhấn mạnh rằng dự thảo thỏa thuận hiện tại không tuân thủ luật pháp Ukraine và cần phải sửa đổi đáng kể.

Mặc dù Ukraine sở hữu nhiều tài nguyên, nhưng việc khai thác chúng phải đối mặt với biến động thị trường và rủi ro địa chính trị. Trung Quốc hiện đang thống trị ngành đất hiếm, nhưng các mỏ của Ukraine có thể góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Đất nước này cũng sở hữu một trong những mỏ lithium lớn nhất châu Âu, mặc dù sự cạnh tranh từ các nguồn như McDermitt Caldera của Nevada ảnh hưởng đến tầm quan trọng chiến lược của nó.

Trong lĩnh vực pin, xu hướng chuyển sang các công nghệ thay thế và tái chế đang làm giảm nhu cầu đối với cobalt khai thác mới, tác động đến các mỏ của Ukraine. Tương tự, khí đá phiến và hydrocarbon vẫn khó khai thác, khiến các chuyên gia năng lượng nhấn mạnh năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân là những lựa chọn khả thi hơn.

Bất chấp tiềm năng của mình, sự giàu có về tài nguyên của Ukraine phụ thuộc vào điều kiện thị trường, tiến bộ công nghệ và sự ổn định địa chính trị. Việc đáp ứng một thỏa thuận bồi thường 500 tỷ USD, thậm chí trong dài hạn, sẽ là một cam kết tài chính lớn.

Trong cuốn sách Nghệ thuật Đàm phán (The Art of the Deal), ông Trump đã phác thảo chiến lược đàm phán của mình: “Tôi đặt mục tiêu rất cao, và sau đó tôi cứ tiếp tục đẩy mạnh, đẩy mạnh cho đến khi đạt được điều mình muốn”.

Đối với Ukraine, từ chối thỏa thuận này có thể không phải là một lựa chọn do áp lực quân sự đang diễn ra và nhu cầu tiếp tục nhận hỗ trợ từ đồng minh. Khi các cuộc thảo luận tiếp tục, Kiev phải cân bằng giữa việc đảm bảo viện trợ và bảo vệ chủ quyền kinh tế lâu dài của mình, định hình cả nền kinh tế hậu chiến và khuôn khổ an ninh quốc gia.

Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine và Liên bang Nga, Tướng về hưu Keith Kellogg phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề “Hòa bình thông qua Sức mạnh – Kế hoạch cho Ukraine” trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 61 vào ngày 15/2/2025 tại Munich, Đức. Ảnh: Getty Images

Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine và Liên bang Nga, Tướng về hưu Keith Kellogg phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề “Hòa bình thông qua Sức mạnh – Kế hoạch cho Ukraine” trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 61 vào ngày 15/2/2025 tại Munich, Đức. Ảnh: Getty Images

Trước đó, Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine và Liên bang Nga, ông Keith Kellogg, khẳng định sẽ không có bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào bị áp đặt lên Ukraine và rằng quyết định chấm dứt chiến tranh sẽ do chính Ukraine đưa ra.

Theo Sky News, ông Kellogg đã đưa ra tuyên bố này trong một cuộc họp báo ngày 17/2 tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải được đạt được với sự phối hợp của Ukraine.

“Tổng thống Volodymyr Zelensky và người dân Ukraine sẽ đưa ra quyết định này”, Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine và Liên bang Nga nói.

Ông Kellogg lưu ý rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan và vai trò của ông là đảm bảo các cam kết an ninh cho Ukraine.

Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine và Liên bang Nga cũng xác nhận về chuyến thăm Ukraine trong ba ngày và chương trình làm việc vẫn đang được hoàn thiện.

Chia sẻ với các nhà báo hôm 17/2 ở Brussels, Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine và Liên bang Nga cho biết vào ngày 18/2, ông sẽ đến Vacsava (Warsaw) và từ đó sẽ đi tàu đêm đến Kiev. “Tôi sẽ lên tàu vào tối mai. Tôi sẽ có mặt ở đó vào sáng 19/2”, ông Kellogg nói.

Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine và Liên bang Nga không xác nhận liệu ông có đến tiền tuyến hay không vì theo ông, lịch trình vẫn chưa được chốt.

“Về chuyến đi đến Ukraine, chương trình vẫn đang được hoàn thiện, có nghĩa là nếu tôi đến đó, thì câu trả lời là có. Tôi có cơ hội gặp Tổng thống (Ukraine) hay không? Ông Zelensky nói là có”, ông Kellogg cho biết.

“Tôi sẽ ở đó trong ba ngày, và bất kỳ cơ hội nào xuất hiện, tôi đều sẵn sàng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đến Ukraine”, ông Kellogg nói thêm.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo United24/The Telegraph)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lo-thoa-thuan-trao-doi-giua-ukraine-va-my-gay-bao-dong-o-kiev-20250218100758030.htm
Zalo