Lo Tết cho trò nghèo, giáo viên khó khăn: Mọi sự sẻ chia đều ý nghĩa

Thời điểm cận Tết, các nhà trường có nhiều hình thức để chăm lo cho học sinh nghèo, giáo viên hoàn cảnh khó khăn...

Cán bộ giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) ủng hộ Quỹ Xuân yêu thương 2024 để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đình Tuệ

Cán bộ giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) ủng hộ Quỹ Xuân yêu thương 2024 để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đình Tuệ

Chú trọng hoạt động thiện nguyện

Cô Cao Tố Nga - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, với 2.052 học sinh đang theo học, ngoài công tác chuyên môn, nhà trường chú trọng đến hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.

“Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Đoàn Thanh niên của trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp tổ chức chương trình “Xuân yêu thương”, gói bánh chưng đón Tết và tặng một số suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tặng quà Tết cho 10 - 15 gia đình trên địa bàn phường An Biên nhằm chia sẻ khó khăn với bà con nhân dịp Tết đến xuân về, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái của dân tộc”, cô Tố Nga nói.

Ngoài ra, để giáo dục học sinh về truyền thống yêu nước và sự sẻ chia vì cộng đồng, Trường THPT Ngô Quyền cũng tổ chức nhiều hoạt động “Về nguồn” ở các di tích lịch sử cách mạng. Tới đây, các em không chỉ được tìm hiểu về tinh thần quật cường, anh dũng của quân dân ta các thời kỳ mà còn hiểu được những vất vả của người dân.

Tại Hà Nội, cô Nguyễn Thị Thu Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Nam Đế (quận Nam Từ Liêm) nhấn mạnh, giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn đón Tết an vui bên gia đình trở thành truyền thống của trường trong nhiều năm qua. Tất cả vì mục tiêu cố gắng không để ai bị bỏ lại phía sau vì bất cứ hoàn cảnh nào. Học sinh học được đức tính yêu thương con người, biết sẻ chia với những người yếu thế chứ không chỉ là kiến thức trong sách vở.

Cô Thảo thông tin: “Hằng năm, một số học sinh hoàn cảnh khó khăn của nhà trường và học sinh của Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội nhận được sự quan tâm của thầy cô giáo, các nhà hảo tâm thông qua hoạt động chăm lo Tết. Trong suốt quá trình học tập, nhà trường cũng hỗ trợ toàn bộ chi phí cho 17 học sinh thuộc Trung tâm bảo trợ xã hội 3 Hà Nội, với số tiền hàng trăm triệu đồng/năm. Thấy các em nỗ lực phấn đấu trong học tập, thầy cô đều vui mừng”.

 Ban Giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh trao quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn Trường THCS Lý Nam Đế. Ảnh: Đình Tuệ

Ban Giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh trao quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn Trường THCS Lý Nam Đế. Ảnh: Đình Tuệ

Lồng ghép vào hoạt động giáo dục

Theo cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bích San, TP Nam Định (Nam Định), trường có 46 học sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo và hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi. Khoảng 23 tháng Chạp hằng năm, nhà trường ủng hộ và kêu gọi các nhà hảo tâm đến thăm và tặng mỗi em 10kg gạo tám thơm kèm theo số tiền 200.000 - 300.000 đồng cùng 1 chiếc áo ấm đồng phục mùa đông, có năm được thêm quà của các thầy, cô giáo.

“Để hoạt động chăm lo Tết cho học sinh nghèo và giáo viên khó khăn đạt hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng. Cần đa dạng hình thức hỗ trợ, tăng cường công tác tuyên truyền để huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Mỗi sự sẻ chia dù nhỏ đều có ý nghĩa lớn để mang đến một cái Tết ấm áp cho những hoàn cảnh khó khăn”, cô Minh Nguyệt bày tỏ.

Với 887 học sinh đang theo học, thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, nhà trường luôn chú trọng công tác chăm lo Tết cho học sinh, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn hoặc gia cảnh đặc biệt. Trong đó, nhiều chương trình được tổ chức dưới dạng lồng ghép thành hoạt động giáo dục cho học sinh.

Theo đó, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán một tuần, nhà trường tổ chức Hội chợ chủ đề “Mùa Xuân yêu thương” - nơi giáo viên, học sinh toàn trường cùng cha mẹ học sinh các lớp bày bán một số mặt hàng tự làm như: Thiệp mừng năm mới, phong bao lì xì, bánh rán và một số đồ ăn uống. Nhà trường thực hiện nghiêm quy tắc về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có lưu mẫu hằng ngày.

“Những gian hàng được trang trí theo phong cách đón Tết cổ truyền dân tộc, cha mẹ cùng học sinh, giáo viên có thể tham gia bán vào cuối giờ học, luân phiên mỗi hôm một khối. Số tiền lãi thu được sẽ dùng để hỗ trợ cho các em khó khăn trong trường, có năm thu lãi được gần 60 triệu đồng. Qua đây, học sinh được giáo dục về năng lực giao tiếp, bán hàng và quản lý tài chính nên phụ huynh rất đồng tình, ủng hộ”, thầy Mạnh trao đổi.

 Trường THCS Thèn Sin (Tam Đường, Lai Châu) tổ chức cho học sinh gói bánh chưng. Ảnh: Hà Thuận

Trường THCS Thèn Sin (Tam Đường, Lai Châu) tổ chức cho học sinh gói bánh chưng. Ảnh: Hà Thuận

Chăm lo Tết cho trò nghèo

Tết đang đến gần, do đó công tác chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng chính sách được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn quan tâm. Tại huyện Bình Gia, trong những tháng cuối cùng của năm, các chuyến quà Tết đã và đang đến với các vùng khó khăn, học sinh nghèo, trẻ em vùng cao.

Với học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tại chương trình “Xuân yêu thương”, các em không chỉ được xem tiết mục văn nghệ mà còn trực tiếp tham gia các hoạt động ý nghĩa như trải nghiệm không gian Tết và thưởng thức mâm cơm ngày Tết cùng nhiều món ăn ngon. Cùng đó, nhiều phần quà ý nghĩa cũng được trao tặng giúp các em nhỏ nơi đây thêm động lực để tiếp tục học tập tốt.

Thầy Lâm Văn Vản - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Yên Lỗ cho hay, năm học 2024 - 2025, nhà trường có 134 học sinh là con em đồng bào dân tộc Nùng, trong đó 70% thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo nên nhà trường đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần.

Đặc biệt, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học trò ở vùng cao, sâu, xa trong dịp Tết, đảm bảo tất cả học sinh có Tết là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự đoàn kết, sẻ chia, tinh thần tương thân tương ái. Đây cũng là nguồn động viên, cổ vũ để học sinh dân tộc thiểu số vững bước tới trường và vươn lên trong học tập.

Còn tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Bình Gia, Lạng Sơn), học sinh dân tộc thiểu số chiếm 94,6%. Để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn vui đón Tết, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa.

Chia sẻ của thầy Luân Văn Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ:“Nhà trường tổ chức các hoạt động như không gian trải nghiệm ngày Tết quê em, tặng quà hũ gạo tình thương, thăm hỏi động viên và tặng quà Tết cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đối với giáo viên, nhân viên, Công đoàn trường cũng đề xuất hỗ trợ quà Tết cho 3 nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, lương thấp”.

Năm nay, Trường THCS Thèn Sin (Tam Đường, Lai Châu) có 300 học sinh, trog đó, hơn 50 em ở bán trú, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Do đó, mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhà trường thường huy động cán bộ xã, giáo viên và những tấm lòng hảo tâm để tổ chức Tết, trao quà cho học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

“Chúng tôi thường tổ chức cho học sinh gói bánh chưng chiều hôm trước. Tối đến, thầy trò cùng nhau quây quần trông nồi bánh. Ngày hôm sau, trường tổ chức liên hoan để các em cảm nhận được không khí, ý nghĩa ngày Tết. Mỗi học sinh bán trú sẽ được một chiếc bánh chưng mang về nhà ăn Tết. Món quà tuy nhỏ nhưng các em rất phấn khởi”, thầy Hiệu trưởng Vũ Đình Bền nói.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Lào Cai (Lào Cai), phòng GD&ĐT thành phố đã ra văn bản về việc phối hợp triển khai kế hoạch vận động, ủng hộ chương trình “Tết vì người nghèo” Xuân Ất Tỵ 2025. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2025, toàn ngành đã ủng hộ 200 suất quà cho chương trình “Tết vì người nghèo”. Đồng thời, phấn đấu duy trì 500 suất quà để kịp thời động viên học sinh và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết.

Nhóm PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lo-tet-cho-tro-ngheo-giao-vien-kho-khan-moi-su-se-chia-deu-y-nghia-post713738.html
Zalo