Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được vận hành an toàn tuyệt đối

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vận hành an toàn tuyệt đối mấy chục năm qua, trong khi nguyên tắc vận hành giống với lò phản ứng hạt nhân dành cho năng lượng.

Đó là ý kiến của đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – đoàn Lâm Đồng tại phiên thảo luận tại hội trường vào sáng ngày 17/2 về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - đoàn Lâm Đồng. Ảnh: QH

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - đoàn Lâm Đồng. Ảnh: QH

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vận hành an toàn tuyệt đối

Tham gia phát biểu góp ý tại hội trường, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đã bày tỏ sự thống nhất rất cao việc Quốc hội ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Liên quan đến nội dung áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật, theo đại biểu: Thông lệ, tất cả các nhà cung cấp công nghệ điện hạt nhân trên thế giới đều tuân thủ các nguyên tắc về an toàn và an ninh hạt nhân của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA. Do đó, dù là chọn công nghệ của đối tác nào thì tất cả các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà họ sử dụng trong thiết kế nhà máy điện hạt nhân đều phù hợp với tiêu chuẩn an toàn và hướng dẫn an ninh của IAEA.

Đối với các thiết kế liên quan đến đặc điểm địa hình, khí hậu, điều kiện tự nhiên của Việt Nam thì các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế cần phải được thẩm định, phê duyệt (có thể là theo quy trình rút gọn).

Sáng 17/2, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân. Ảnh: QH

Sáng 17/2, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân. Ảnh: QH

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên của nước ta, tuy nhiên, chúng ta không phải bắt đầu từ con số 0. Trước tiên, điện hạt nhân là một loại nhiệt điện, tuy nhiên, khác với nhiệt điện than, nhiệt điện khí ở chỗ nguồn nhiệt để tạo ra hơi nước là quay tua-bin phát điện là nhiệt từ phản ứng phân hạch hạt nhân, không phải từ đốt than hay đốt khí, còn các khâu về sau, cơ bản là giống như các nhà máy nhiệt điện thông thường đã và đang vận hành rất an toàn, hiệu quả ở nước ta trong thời gian vừa qua.

Về lò phản ứng hạt nhân nơi sinh ra nhiệt, kinh nghiệm vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt an toàn tuyệt đối mấy chục năm qua cũng ít nhiều được vận dụng, bởi lẽ nguyên tắc điều khiển lò phản ứng nghiên cứu và lò phản ứng năng lượng là giống nhau. Bên cạnh đó, chúng ta có thể sử dụng hoặc kế thừa những kết quả, bài học kinh nghiệm của giai đoạn chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân trước đây như ký hiệp định liên chính phủ, báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ địa điểm, nguồn nhân lực đã được đào tạo.

Và những đề xuất cho nhà máy điện hạt nhân

Từ các phân tích trên, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đã có 3 đề xuất:

Thứ nhất, đề nghị khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử, là một luật chuyên ngành với mục đích tạo hành lang pháp lý nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của quốc gia, dựa trên các khuyến cáo của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu liên quan đến cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu liên quan đến cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân. Ảnh: QH

Đây là căn cứ vô cùng quan trọng để ban hành các văn bản quy phạm và hướng dẫn bảo đảm an toàn anh ninh hạt nhân, trong đó có các vấn đề như: thiết kế, xây dựng, vận hành thử/vận hành chính thức nhà máy điện hạt nhân, quản lý thải phóng xạ, tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân, cũng như nguyên tắc quốc tế về ứng xử với nhà máy điện hạt nhân”- đại biểu nhấn mạnh.

Thứ hai, số lượng nhân lực cho 2 tổ máy với công suất khoảng 1.200MW theo hướng dẫn của IAEA là 1.200 người với chuyên môn bao gồm từ công nghệ hạt nhân, hệ thống điều khiển, kỹ thuật điện, cơ khí, bảo vệ bức xạ, hóa học, ứng phó sự cố, vật lý neutron, thủy nhiệt, quản lý thải phóng xạ, quản lý chất lượng, quản lý bảo dưỡng và quản lý phụ tùng thay thế. Đồng thời, để đảm bảo phát triển bền vững ngành công nghiệp điện hạt nhân thì rất cần tiếp tục phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu, các kỹ sư, kỹ thuật viên để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, làm tốt công tác truyền thông và hỗ trợ tốt nhất cho người dân vùng có dự án để tạo sự đồng thuận trong xã hội, để người dân có đời sống tốt hơn khi nhường đất để xây dựng dự án.

Với quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân và những cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh tin tưởng rằng mục tiêu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm là hoàn toàn khả thi.

Thu Hường - Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lo-phan-ung-hat-nhan-da-lat-duoc-van-hanh-an-toan-tuyet-doi-374217.html
Zalo