Lo ngại về một cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp ô tô châu Âu
Volkswagen có kế hoạch đóng cửa ba nhà máy tại Đức, Audi dừng sản xuất tại Bỉ… những tín hiệu xấu gần đây đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp ô tô châu Âu. Tuy nhiên, với một số người, đây lại là một phần của quá trình chuyển đổi cần thiết với lĩnh vực chậm thay đổi tại lục địa già.
Một nghiên cứu gần đây ước tính, 186.000 việc làm trong ngành công nghiệp ô tô châu Âu có thể bị mất đi trong thập kỷ tới khi chuyển sang sản xuất ô tô điện, do lĩnh vực này đòi hỏi ít nhân viên hơn so với sản xuất ô tô truyền thống.
Đến thời điểm này, đã có tới 46.000 việc làm biến mất trong 10 năm qua, nguyên nhân từ sự trì trệ của ngành sản xuất ô tô truyền thống. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành lại coi đây là cơ hội để tạo ra việc làm mới - nếu ngành này có thể thúc đẩy khả năng cạnh tranh của mình.
Simon Schuetz, phát ngôn viên của Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức (VDA) cho biết: "Trong tương lai, sự hấp dẫn của các địa điểm đầu tư mới và tạo việc làm sẽ mang tính quyết định trong tương lai. Với sự phát triển của công nghệ số và phương tiện di chuyển bằng điện, nhiều việc làm mới sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, Đức nói riêng và châu Âu nói chung phải cải thiện lợi thế cạnh tranh để thu hút các khoản đầu tư này".
Một yếu tố quan trọng tác động đến ngành công nghiệp châu Âu hiện nay là chi phí năng lượng cao trên toàn châu lục. Các nhà sản xuất ô tô Đức cho biết, chi phí năng lượng ở EU hiện cao gấp bốn lần so với Trung Quốc và Mỹ. Điều này khiến cho sức cạnh tranh của các nhà sản xuất châu Âu phần nào giảm sút.
Để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, EU đã chính thức đặt ra mức thuế bổ sung từ 7,8% đến 35,3% đối với các nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc, tùy thuộc vào mức độ hợp tác với cuộc điều tra chống trợ cấp của châu Âu. Mức thuế mới này sẽ được kết hợp với mức thuế nhập khẩu hiện hành 10%, khiến một số nhà sản xuất ô tô phải đối mặt với tổng mức thuế lên tới 45,3%.
Trước động thái này, các nhà sản xuất ô tô Đức đã lên tiếng lo ngại về mức thuế mới của EU đối với ô tô điện do Trung Quốc sản xuất có thể đẩy giá lên cao và có khả năng gây ra căng thẳng thương mại.
Theo Tổ chức phi chính phủ Clean Transport, thuế quan có thể đem lại lợi ích trong ngắn hạn, tạo cho ngành ô tô EU một khoảng thời gian “nghỉ ngơi” trong quá trình chuyển đổi, nhưng lại là cơ hội để các nhà sản xuất ô tô giá rẻ từ bên ngoài có thể chuyển đổi phương thức đầu tư.
Bà Julia Poliscanova, giám đốc phụ trách xe điện và phương tiện di chuyển điện tử thuộc Tổ chức Transport and Environment cho biết: "Mặc dù thuế quan ban đầu có thể khiến giá xe tăng hoặc số lượng xe có hạn, nhưng mức thuế quan có thể khuyến khích các nhà sản xuất Trung Quốc thành lập cơ sở sản xuất tại châu Âu, điều này có thể hỗ trợ ngành công nghiệp địa phương. Mức thuế mới sẽ tạo điều kiện cho ngành này trong giai đoạn chuyển tiếp. Tôi cho rằng, doanh số bán xe điện của châu Âu sẽ trì trệ trong năm nay, vì các nhà sản xuất tập trung vào biên lợi nhuận. Nhưng tăng trưởng sẽ tiếp tục vào năm tới khi các biện pháp quản lý được duy trì vững chắc".
Theo các chuyên gia phân tích, khi ngành công nghiệp thay đổi, các nhà hoạch định chính sách của EU và Ủy ban châu Âu phải đối mặt với áp lực đơn giản hóa bối cảnh pháp lý để hỗ trợ ngành công nghiệp xanh.
Tháng 8 vừa qua, doanh số bán ô tô điện của EU vẫn giữ nguyên trong khi doanh số xe điện tăng mạnh mẽ ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn quốc… Những dấu hiệu này cho thấy, Liên minh châu Âu cần có chính sách khuyến khích công chúng nhanh chóng áp dụng các loại xe xanh hơn để bắt kịp với xu hướng của thế giới./.