Lo ngại về diễn biến khó lường của dịch sốt xuất huyết Dengue
Sốt xuất huyết Dengue không chỉ gây tử vong mà còn để lại nhiều di chứng kéo dài, chi phí điều trị cho một ca bệnh biến chứng nặng có thể lên tới hơn 1 tỷ đồng. Đây là một trong những gánh nặng được các chuyên gia cảnh báo, trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát sớm và lan rộng.
Tại hội thảo khoa học "Kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai vắc-xin sốt xuất huyết trên thế giới & Việt Nam" do Hội Nhi Khoa Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 3 năm 2025 tại TP.HCM, các chuyên gia nhận định: dịch sốt xuất huyết Dengue đang có xu hướng diễn biến phức tạp, mở rộng vùng phân bố, không theo chu kỳ, khó dự đoán.
Hội thảo quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống và điều trị sốt xuất huyết Dengue, với sự tham gia của hơn 500 cán bộ, nhân viên y tế từ khắp nơi, cả trực tiếp tại hội trường và trực tuyến.
Sốt xuất huyết Dengue: Diễn biến bệnh phức tạp, gánh nặng cho ngành y tế
Sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và diễn biến bệnh rất phức tạp, không thể đoán trước. Nhiều người khỏe mạnh không có bệnh nền nhưng vẫn trở nặng nhanh chóng. Có trường hợp chỉ sau 4–5 ngày sốt đã rơi vào tình trạng sốc, xuất huyết, tổn thương gan, giảm tiểu cầu nặng, phải điều trị hồi sức tích cực kéo dài mới qua được cơn nguy kịch, theo chia sẻ của PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường – Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, tại hội thảo vừa qua.
Bên cạnh việc đối mặt với nguy cơ tử vong, người bệnh còn có thể chịu ảnh hưởng lâu dài. Sốt xuất huyết Dengue để lại nhiều di chứng hậu bệnh như rụng tóc, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau đầu kéo dài, đau khớp và trầm cảm nhẹ - là những triệu chứng có thể dai dẳng suốt nhiều tuần, thậm chí vài tháng sau khỏi bệnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, một ca sốt xuất huyết Dengue nặng không chỉ đe dọa tính mạng người bệnh mà còn tiêu tốn rất nhiều nhân lực và chi phí điều trị. TS.BS Nguyễn Huy Luân - Trưởng đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay: "Có ca bệnh sốt xuất huyết nằm điều trị vài tháng, phải điều trị đến gần cả tỷ đồng".

Các chuyên gia y tế tại hội thảo cảnh báo sốt xuất huyết Dengue có thể để lại di chứng kéo dài và chi phí điều trị cao, lên đến cả tỷ đồng cho ca nặng hoặc thậm chí là tử vong.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, chỉ cần một vài ca sốt xuất huyết nặng cũng đủ khiến cả một hệ thống y tế căng thẳng. Có những đêm cao điểm, cấp cứu phải tiếp nhận liên tục 30 ca nặng, một số trẻ khỏe mạnh hôm trước còn đi học, hôm sau đã trở nặng chỉ trong vòng 24 tiếng.
Theo chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo, trước nguy cơ bệnh có thể diễn biến nặng, đối với những người bệnh sốt xuất huyết điều trị ngoại trú, Bộ Y tế cũng khuyến cáo cần phải theo dõi và tái khám. Và dù chưa có dấu hiệu cảnh báo nhưng người bệnh vẫn được khuyến cáo theo dõi chặt chẽ và nhập viện kịp thời nhằm phát hiện sớm biến chứng nguy hiểm, đặc biệt đối với các trường hợp: dư cân, béo phì, người trên 60 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, người sống một mình, ...
Tiêm chủng: thêm biện pháp bổ sung chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm hiếm hoi mà dù khoa học đã hiểu khá rõ về vi-rút, véc-tơ truyền bệnh, phương pháp chẩn đoán và điều trị, nhưng bệnh vẫn ngày càng lan rộng và phức tạp, và đang trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu.
Ý kiến này được GS. TS. Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về sốt xuất huyết – Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh tại hội thảo. "Sốt xuất huyết Dengue không còn là vấn đề riêng của miền Nam mà đã lan rộng đến cả Tây Nguyên, Bắc Trung bộ, miền Bắc và các tỉnh miền núi. Đáng lo hơn cả, đây là một dịch bệnh rất khó dự đoán, không còn theo chu kỳ như trước. Năm 2019, nước ta ghi nhận vụ dịch SXHD lớn, nhưng chỉ 3 năm sau, 2022, dịch SXHD lớn nhất lịch sử nước ta lại xảy ra với hơn 171.000 ca mắc và hơn 140 trường hợp tử vong. Năm 2024, Hải Phòng lại nổi lên là địa phương có nhiều ca bệnh nhất cả nước".
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để phòng ngừa SXHD hiệu quả, các chuyên gia nhấn mạnh sự cấp thiết của một chiến lược toàn diện, bao gồm: các biện pháp kiểm soát véc-tơ để tiêu diệt muỗi Aedes, tăng cường giáo dục cộng đồng, và quản lý môi trường. Trong đó, tiêm chủng được xem là một công cụ quan trọng để chủ động giảm tỷ lệ nhập viện và giảm thiểu tử vong do bệnh gây ra. Phát biểu tại hội thảo, ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khẳng định: "Không thể đợi có dịch mới dự phòng"; đồng thời kêu gọi truyền thông rõ ràng về các biện pháp tích hợp – từ kiểm soát muỗi quanh năm đến chủ động tiêm phòng – để mỗi người dân trở thành một mắt xích trong nỗ lực phòng, chống bệnh.

Chuyên gia nhận định tiêm chủng giúp giảm nguy cơ nhập viện, tử vong và kiểm soát bệnh bền vững, nhưng vẫn cần thực hiện các biện pháp khác như diệt muỗi vằn truyền bệnh.
Bác sĩ Derek Wallace, Chủ tịch toàn cầu mảng Vắc xin của Takeda, cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị các quốc gia có tốc độ lây nhiễm cao, chịu nhiều gánh nặng sốt xuất huyết nên đưa vắc-xin sốt xuất huyết của Takeda vào sử dụng, nhằm tối đa hóa tác động đến sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc WHO đưa vắc-xin sốt xuất huyết của Takeda vào danh mục vắc-xin được tiền thẩm định cũng đã chứng minh chất lượng và độ tin cậy của vắc-xin như một phương pháp phòng ngừa sốt xuất huyết quan trọng và phù hợp với các chương trình tiêm chủng. Hiện nay, vắc-xin này đã được phê duyệt tại 40 quốc gia, với hơn 12 triệu liều được phân phối toàn cầu, bao gồm cả chương trình tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng (cấp tỉnh thành và quốc gia).
Theo BS. Derek Wallace, Takeda đặt mục tiêu sản xuất 100 triệu liều/năm vào 2030, mở rộng năng lực sản xuất tại Đức và Ấn Độ nhằm đáp ứng nhu cầu trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Takeda cam kết tiếp tục theo dõi dữ liệu an toàn và đánh giá tác động sau tiêm.
Cũng tại hội thảo, ông Benjamin Ping - Tổng Giám đốc Takeda Việt Nam, nhấn mạnh: "Phòng ngừa sốt xuất huyết cần tiếp cận từ sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Chúng tôi cam kết đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam thông qua chiến lược phòng ngừa tích hợp, bao gồm tiêm chủng, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác chặt chẽ với các đối tác y tế để mở rộng khả năng tiếp cận vắc-xin sốt xuất huyết đồng thời giảm thiểu tác động của bệnh".
Bộ Y tế cảnh báo sốt xuất huyết Dengue diễn biến phức tạp và có thể bùng phát diện rộng trong thời gian tới, đặc biệt khi Việt Nam chuẩn bị bước vào mùa mưa - giai đoạn cao điểm của dịch bệnh này. Số liệu chính chức cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết cả nước tính từ ngày 14-12-2024 đến ngày 17-2-2025 tăng đến 98,9% so với cùng kỳ năm ngoái, với 16.607 trường hợp mắc và một ca tử vong do sốt xuất huyết Dengue. Tại khu vực phía Nam, các chuyên gia Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh dự báo khả năng năm nay sẽ có một đợt dịch sốt xuất huyết Dengue. Theo báo cáo của HCDC, từ đầu năm 2025 đến 13/4, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue tại TP.HCM là 6.318 ca, gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt mức trung bình 3 năm gần đây.
Thông tin y khoa
Thông tin này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin đến công chúng; không nên được sử dụng để chẩn đoán hoặc điều trị một vấn đề sức khỏe hoặc bệnh tật; và không nhằm mục đích thay thế cho việc tư vấn với bác sĩ. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn thêm.
Nội dung do Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam cung cấp, được Hội Y học Dự phòng Việt Nam phê duyệt về chuyên môn. C-ANPROM/VN/NON/0018 Mar 2025