Lo ngại giá đất tăng cao tiếp tục gây áp lực lên giá bất động sản

Chiều 10-1, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo 'Áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024: Những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam'.

Hội thảo do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNERA) chỉ đạo, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Luật Đất Đai 2024 quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng bảng giá đất và trình HĐND cùng cấp phê duyệt. Đến nay, đã có 25 địa phương ban hành bảng giá đất mới, áp dụng đến hết năm 2025, đánh dấu bước chuyển mình trong việc triển khai bảng giá đất mới. Đồng thời, kỳ vọng sẽ góp phần ổn định và phát triển thị trường bất động sản bền vững, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở hơn.

Theo thông tin tại hội thảo, ở nhiều địa phương, bảng giá đất điều chỉnh có mức tăng đột biến so với bảng giá đất cũ. Đơn cử như bảng giá đất điều chỉnh của TP Hồ Chí Minh tăng 4-38 lần, Hà Nội tăng 2-6 lần, Bắc Giang cũng ghi nhận mức cao nhất là 120 triệu đồng/m2, tăng khoảng 2,4 lần so với bảng giá cũ. Băn khoăn, lo lắng, áp lực tài chính là thực tế mà nhiều người dân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất đang trải qua khi giá đất sau điều chỉnh tăng cao.

 TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa ba chủ thể lớn: Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư nhưng trong quá trình thực thi, nguyên tắc này chưa được bảo đảm đầy đủ. Ông Lê Hoàng Châu đề nghị, đối với các địa phương đã ban hành bảng giá đất điều chỉnh, cần tiến hành đánh giá tác động ngay. Đối với những địa phương chưa ban hành bảng giá đất mới cũng cần tiến hành đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích.

Từ phía đơn vị phát triển bất động sản, bà Vũ Lan Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO nhìn nhận, việc quy định hợp lý về giá đất đối với đất thương mại dịch vụ, đặc biệt là đất cho các dự án phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Giá đất thương mại, dịch vụ cao sẽ dẫn đến giá thành bất động sản cao, không khuyến khích các nhà đầu tư. Vì vậy, khi xác định giá đất thương mại, dịch vụ trong bảng giá đất, các địa phương nên để ở mức bằng khoảng 20-40% so với giá đất ở.

 Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) nêu vấn đề, người dân khi nhận bồi thường thì sẽ muốn giá cao, nhưng khi mua nhà lại mong muốn mua được nhà giá rẻ. Ở góc độ quản lý Nhà nước, có thể tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh giá đất qua các nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Nhấn mạnh không có vướng mắc về mặt pháp lý trong việc tính toán giá đất, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc chậm trễ trong quá trình tính toán giá đất không phải vì không thể tính được mà chủ yếu do khâu tổ chức triển khai thực hiện. Vì vậy, cần phân định rõ ràng giữa vướng mắc pháp lý và những hạn chế trong khâu thực hiện để tìm ra giải pháp phù hợp.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Bên cạnh đó, chi phí sử dụng đất là một phần trong tổng chi phí của các dự án bất động sản. Giá bất động sản tăng có thể bị ảnh hưởng từ việc tăng giá đất, nhưng cũng có thể do các yếu tố khác như chi phí đầu tư xây dựng, chi phí bán hàng... Do đó, bên cạnh việc điều chỉnh giá đất, cần xem xét toàn diện các yếu tố chi phí khác và vai trò của các doanh nghiệp trong việc kiểm soát chi phí để bảo đảm giá bất động sản không bị đẩy lên quá cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Theo ông Vương Duy Dũng, việc tăng giá đất chắc chắn có tác động đến giá bất động sản, cần xác định rõ tỷ lệ và mức độ ảnh hưởng cụ thể. Cần có cái nhìn thật khách quan và khoa học để đánh giá đúng mức độ tác động này, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát và điều chỉnh thị trường bất động sản một cách hiệu quả.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/lo-ngai-gia-dat-tang-cao-tiep-tuc-gay-ap-luc-len-gia-bat-dong-san-810893
Zalo