Thấy gì về đề xuất 'đánh thuế' thu nhập tiền lãi gửi tiết kiệm?
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết: 'Tiền của dân mang đi gửi tiết kiệm là tiền họ kiếm được sau khi đã đóng rất nhiều loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp… Nếu thu thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ dẫn đến thuế chồng thuế, đây là điểm bất hợp lý'.
Lý do đề xuất thu thuế
Cuối năm 2024, trong văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý về dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Cục Thuế TP Cần Thơ đề nghị nghiên cứu thu hẹp để mở rộng cơ sở thuế. Ví dụ, xem xét thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hộ gia đình có thu nhập cao từ hoạt động nông nghiệp; lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn đối với quy mô tiết kiệm nhỏ”.
Cũng liên quan tới vấn đề này, trong báo cáo gửi UBND TP. Cần Thơ ngày 18/2, Cục thuế TP. Cần Thơ lý giải đề xuất "nghiên cứu mở rộng cơ sở thuế", ví dụ lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn với quy mô tiết kiệm nhỏ. Đặc biệt, Luật thuế TNCN hợp nhất và các văn bản hiện hành có 16 khoản được miễn thuế TNCN, trong đó có miễn thuế với thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Với đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm phải được nghiên cứu kỹ (ảnh: Như Ý).
Theo Cục Thuế TP. Cần Thơ, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi (không hoặc có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu...) nhận được từ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế. Trung Quốc, Hàn Quốc đều đánh thuế TNCN với lãi tiền gửi tiết kiệm, cổ tức.
Cơ quan thuế TP. Cần Thơ cho rằng, Luật thuế TNCN chưa bao quát được các khoản thu nhập chịu thuế mới phát sinh, cần rà soát sửa đổi, bổ sung... Lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn đối với quy mô tiết kiệm nhỏ. Quy mô lãi tiền gửi tiết kiệm lớn cần áp thuế TNCN theo cơ quan thuế Cần Thơ là “nhiều tỷ đồng”.
Trong khi đó, Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận góp ý miễn thuế cho thu nhập cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn.
Giải trình, tiếp thu các góp ý, Bộ Tài chính cho biết việc sửa đổi, bổ sung đối tượng miễn giảm thuế cần được nghiên cứu phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong phát triển các lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với thực tiễn và xu hướng cải cách thuế TNCN trên thế giới.
Lo ngại thuế chồng thuế
Theo PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh, từ hơn 10 năm trước đã có một số ý kiến đề xuất đánh thuế TNCN với lãi tiền gửi tiết kiệm của cá nhân. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó bị bác bỏ. Ông Thịnh ngạc nhiên khi đề xuất này được nêu lại.
“Năm 2011 có một số ý kiến đề xuất đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm của các cá nhân tại ngân hàng. Chúng tôi đã phản hồi là việc này chưa cần thiết và cũng không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế”, ông Thịnh nói.

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh.
Ông Thịnh cho rằng, lãi tiền gửi tiết kiệm bao giờ cũng thấp nhất so với lợi nhuận có được từ đầu tư vào những lĩnh vực khác. Như vậy, thu thuế từ lãi tiền gửi không quá lớn.
“Tiền của dân mang đi gửi tiết kiệm là tiền họ kiếm được sau khi đã đóng rất nhiều loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp… Sau khi gửi, thu được lợi nhuận dựa vào lãi suất. Mặc dù gửi tiết kiệm cũng là một hình thức đầu tư, có lợi nhuận thì phải đóng thuế, nhưng nếu thu thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ dẫn đến thuế chồng thuế, đây là điểm bất hợp lý”, ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, gửi tiết kiệm là kênh chủ đạo giúp ngân hàng tạo ra nguồn lực tài chính, hỗ trợ phát triển nền kinh tế bằng việc cho vay tín dụng, kinh doanh. Nếu người dân không gửi tiền thì ngân hàng lấy đâu ra tiền để cho vay? Nếu đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, kênh huy động vốn này sẽ mất đi lợi thế hút khách, gây tổn thất nguồn lực phát triển kinh tế.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Văn Quang - phó tổng giám đốc một ngân hàng - cho biết, với việc thu thuế từ tiền gửi tiết kiệm nên tham khảo kinh nghiệm từ các nước. Thế giới có nhiều nước đã và đang làm như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc...
Theo ông Quang, xét về góc độ kinh tế, gửi tiết kiệm cũng là một khoản đầu tư, đã là đầu tư thì bình đẳng và cần xem xét thu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, việc thu thế nào, lộ trình ra sao, mức bao nhiêu, đối tượng... phải tính toán, điều này cũng phụ thuộc vào điều hành chính sách vĩ mô của Nhà nước.
Ông Quang nêu quan điểm cá nhân rằng, về lâu dài nên tham khảo để thực hiện, nhưng trước mắt thì chưa nên áp dụng.
Thực tế, khoản tiền gửi tiết kiệm vẫn sinh lời hằng tháng, hằng năm nhưng khoản tiền tăng thêm không theo kịp tốc độ tăng giá hàng hóa, đặc biệt là sự tăng giá của bất động sản và vàng. Do đó, đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là không đáng.
PGS, TS. Nguyễn Hữu Huân - chuyên gia Đại học Kinh tế TP HCM - cho rằng, cần cân nhắc khi đề xuất đánh thuế đối với lãi tiền gửi vì có thể khiến lượng tiền gửi vào ngân hàng giảm, ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất để huy động, tác động tới lãi suất cho vay…
Theo ông Huân, khi ban hành một chính sách bất kỳ, các nhà điều hành sẽ phải cân đo, đong đếm giữa được và mất do tác động của chính sách đó.
Cần nghiên cứu kỹ, tránh tác động tiêu cực
PGS, TS. Nguyễn Phúc Hiền - Đại học Ngoại Thương - nói: Trong khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm nay và 2 con số những năm tiếp theo thì đề xuất đánh thuế TNCN các khoản từ tiết kiệm cần hết sức cân nhắc. Lý do là nó sẽ tác động đến cả cá nhân tiết kiệm gửi tiền và ngân hàng - đơn vị cung cấp vốn cho nền kinh tế.

PGS, TS. Nguyễn Phúc Hiền.
Theo ông Hiền, người có tiền tiết kiệm sẽ không muốn gửi nữa, thay vào đó, họ sẽ đổ tiền vào các kênh đầu tư tài sản khác cả chính thống (vàng, ngoại tệ...) và không chính thống (ngoại hối quốc tế, tiền ảo…).
Ngân hàng phải tăng cạnh tranh để thu hút người gửi tiền, tăng chi phí vốn huy động và cuối cùng là tăng lãi suất cho vay, thậm chí hạn chế cho vay. Doanh nghiệp tăng chi phí vốn vay nên giảm đầu tư và mục tiêu tăng trưởng khó đạt được như mong đợi.
Đề xuất áp thuế TNCN với lãi tiền gửi tiết kiệm nhằm phân phối lại thu nhập, tạo công bằng trong xã hội. Vì vậy, ông Hiền nhấn mạnh cần nghiên cứu kỹ, tránh những tác động tiêu cực.