Lỗ hổng từ 'tiền thoáng', 'hậu kiểm'

Sữa dạng bột là thực phẩm được nhiều gia đình sử dụng dành cho trẻ nhỏ, người già, người ốm do hàm lượng giá trị dinh dưỡng được công bố. Ðặc biệt, nhiều loại sữa còn được thổi phồng tính năng, tác dụng, chất lượng bởi những người nổi tiếng như nghệ sĩ, bác sĩ để tạo niềm tin cho người mua.Tuy nhiên, sự thông thoáng trong quản lý về sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm mà không phải chịu sự kiểm tra, kiểm định, cấp phép trước khi lưu hành đã trở thành 'lỗ hổng' dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để sản xuất, kinh doanh sữa kém chất lượng, thậm chí là sữa giả nhằm trục lợi, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, nhiễu loạn trong công tác kiểm soát chất lượng.

Ðoàn kiểm tra của Sở Công Thương kiểm tra hoạt động kinh doanh sữa dạng bột tại thành phố Hưng Yên (ảnh minh họa)

Ðoàn kiểm tra của Sở Công Thương kiểm tra hoạt động kinh doanh sữa dạng bột tại thành phố Hưng Yên (ảnh minh họa)

Theo quy định các sản phẩm tự công bố sản phẩm trong Nghị định số 15/2018/NÐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm (Nghị định số 15/2018/NÐ-CP) thì sữa dạng bột được xếp tại danh mục thực phẩm nên quy trình sản xuất và đưa ra thị trường kinh doanh các sản phẩm này hiện nay được tự công bố sản phẩm (trừ thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi do ngành Y tế quản lý).

Nghĩa là ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về vấn đề an toàn của sản phẩm đó. Có thể thấy điều kiện để sản xuất, kinh doanh sữa đưa ra thị trường hiện nay đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Song điều này cũng tạo kẽ hở cho một số doanh nghiệp gian dối trong sản xuất, kinh doanh, đưa hàng kém chất lượng ra thị trường.

Ðồng chí Vũ Huy Kha, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chia sẻ, Nghị định số 15/2018/NÐ-CP triển khai theo cơ chế tương đối thông thoáng, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thủ tục cũng chuyển dần từ đăng ký sản phẩm sang tự công bố sản phẩm. Dựa vào quy định tự công bố sản phẩm trong công tác quản lý, các doanh nghiệp thiếu trung thực có thể tự công bố nhiều nhãn hàng khác nhau dành cho đối tượng khác nhau với hàm lượng dinh dưỡng khác nhau đối với cùng một loại sữa. Vì vậy, thực tế, một năm một công ty có thể tự công bố hàng trăm loại sữa mới. Ðây là chiêu trò đánh vào thị hiếu người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm mới, nhãn hàng mới với hy vọng chất lượng tốt hơn sản phẩm cũ. Trong khi đó, việc hậu kiểm của các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn bởi trên thị trường có hàng nghìn nhãn hàng sữa dạng bột. Ðể kiểm tra được sữa giả, sữa kém chất lượng thì phải lấy mẫu kiểm nghiệm, chi phí kiểm nghiệm lại rất tốn kém... Ðây cũng là một trong những lý do mà công tác kiểm tra an toàn thực phẩm hằng năm trên địa bàn tỉnh ít quan tâm vào các sản phẩm sữa.

Hiện nay, Sở Y tế và Sở Công Thương đã thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa dạng bột, sản phẩm từ sữa, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng. Qua công tác kiểm tra cho thấy, các cơ sở xuất trình được cơ bản đầy đủ hồ sơ hành chính, hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm kinh doanh không sản xuất tại chỗ mà được mua ở cơ sở khác.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hometoday (Yên Mỹ) cho biết, công ty không hoạt động sản xuất. Cơ sở chủ yếu hoạt động nhập khẩu sản phẩm thực phẩm. Cơ sở đã công bố 20 sản phẩm, trong đó 18 sản phẩm đã nhập khẩu, 2 sản phẩm chưa nhập khẩu. Cơ sở cung cấp được các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; hồ sơ tự công bố sản phẩm; tờ khai thông quan của sản phẩm, thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu.

Thực tế với hàng nghìn sản phẩm sữa dạng bột, thực phẩm chức năng có mặt trên thị trường nhưng công tác hậu kiểm còn hạn chế, đồng nghĩa còn rất nhiều sản phẩm đang được lưu thông song chưa được kiểm soát về chất lượng, nguy cơ rủi ro cho người tiêu dùng bất cứ lúc nào.

Ðiều này cho thấy, Nghị định số 15/2018/NÐ-CP sau 7 năm thực hiện đã bộc lộ lỗ hổng trong việc quản lý sản phẩm tự công bố dẫn đến nhiều sản phẩm sữa, thực phẩm bổ sung tràn lan trên thị trường mà không được kiểm định chất lượng. Do vậy, sửa đổi Nghị định số 15/2018/NÐ-CP theo hướng tăng cường kiểm soát các sản phẩm tự công bố, tăng xử lý vi phạm, hậu kiểm đối với các sản phẩm sữa nói riêng và các thực phẩm khác là vấn đề cần thiết để bảo vệ sức khỏe cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Ðào Doan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/lo-hong-tu-tien-thoang-hau-kiem-3180988.html
Zalo