Cần khuyến khích xây dựng và lan tỏa các mô hình không khói thuốc
Hút thuốc lá nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt, đó là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) với Báo Phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên thực tế việc phát hiện xử phạt hành vi này lại không mấy hiệu quả...

Hiện tượng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến
PV: Thưa Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, ông có thể làm rõ khái niệm "nơi công cộng" trong quy định cấm hút thuốc lá?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là hành vi hút thuốc tại nơi công cộng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít trường hợp vi phạm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và làm giảm hiệu quả của các chính sách đã ban hành.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá số 09/2012/QH13 đã quy định rất rõ ràng về các địa điểm bị cấm hút thuốc lá, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phòng ngừa nguy cơ cháy nổ.
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 11 của Luật nêu rõ: hành vi hút thuốc lá bị cấm hoàn toàn trong nhà và trong khuôn viên tại các địa điểm sau:
Cơ sở y tế;
Cơ sở giáo dục (trừ các cơ sở đào tạo nghề cho người từ 18 tuổi trở lên);
Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em;
Nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
Khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Bên cạnh đó, khoản 2 và khoản 3, Điều 11 của Luật này tiếp tục mở rộng phạm vi cấm hút thuốc trong nhà tại các địa điểm công cộng như: nơi làm việc, trường cao đẳng, đại học, học viện, phương tiện giao thông công cộng, nhà hàng, quán bar, khách sạn, sân bay, nhà ga, ngoại trừ các khu vực dành riêng cho người hút thuốc đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)
PV: Xin ông cho biết chế tài xử phạt theo quy định hiện hành đối với các vi phạm trên?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Việc xử phạt hành vi hút thuốc không đúng nơi quy định đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ – về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cụ thể khoản 1, Điều 25 của Nghị định quy định:
“1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.’’
Không chỉ cá nhân hút thuốc bị xử phạt, mà người đứng đầu hoặc người quản lý địa điểm cấm hút thuốc cũng có thể bị xử phạt nếu không thực hiện các nghĩa vụ sau, theo Điều 26 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP:
Treo biển báo cấm hút thuốc;
Tổ chức thực hiện quy định cấm hút thuốc;
Nhắc nhở, xử lý người vi phạm tại nơi mình quản lý.
Mức phạt đối với các hành vi vi phạm trên có thể lên tới 10.000.000 đồng.
PV: Theo ông cần tăng cường các giải pháp gì để những người hút thuốc lá chấp hành nghiêm các quy định trên?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Để nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật hiện hành, trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật đến từng cá nhân, cộng đồng, đặc biệt là trong các trường học, khu dân cư, nơi làm việc. Việc hút thuốc tại nơi công cộng không đơn thuần là một hành vi thiếu ý thức, mà là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt.
Cùng với đó, cần khuyến khích xây dựng và lan tỏa các mô hình không khói thuốc như “nơi làm việc không khói thuốc”, “nhà hàng, khách sạn không khói thuốc”… kèm theo các hình thức công nhận, khen thưởng cụ thể để tạo động lực và sức lan tỏa trong xã hội.
Ngoài ra, các địa điểm công cộng như bến xe, công viên, trung tâm thương mại, siêu thị nên được trang bị camera giám sát, biển báo rõ ràng và có cơ chế nhắc nhở trực tiếp. Đồng thời, nên nghiên cứu áp dụng các ứng dụng công nghệ như tổng đài phản ánh vi phạm, phần mềm báo cáo nhanh qua điện thoại để cơ quan chức năng có thể tiếp nhận và xử lý hành vi vi phạm kịp thời.
Việc kiểm soát hành vi hút thuốc nơi công cộng cần được nhìn nhận như một nhiệm vụ lâu dài và bền vững, không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe người không hút thuốc mà còn giúp người hút thuốc điều chỉnh hành vi theo hướng văn minh, trách nhiệm hơn với cộng đồng.