Lỗ hổng khiến HTX khó cạnh tranh trên thị trường
Những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật và quản lý hàng hóa đang khiến hàng giả, hàng nhái vẫn có đất sống trên thị trường. Điều này cũng làm giảm chỗ đứng của những hàng hóa đảm bảo chất lượng, trong đó có những sản phẩm đặc trưng do các HTX làm ra.
Từ vụ việc gần 600 loại sữa bị làm giả vừa được Bộ Công an triệt phá tại thị trường Hà Nội cho thấy, thị trường sữa có sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu mạnh và mạng lưới phân phối rộng khắp. Nên ở dưới góc độ của mô hình kinh tế tập thể, nhiều HTX cho rằng sẽ rất khó cạnh tranh nếu như tình trạng này vẫn diễn ra.
Cạnh tranh khốc liệt
Ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tổng hợp chăn nuôi và Thương mại Khánh Phát (Hà Nội), cho biết dù cùng sản xuất sữa nhưng các loại sữa của HTX là sản phẩm đặc trưng của địa phương nên bên cạnh những điểm mạnh, thì cũng có những điểm yếu nhất định. Đó là dù đã được đầu tư máy móc hiện đại nhưng những sản phẩm này được sản xuất theo quy trình, công thức riêng của địa phương. Điều này tạo ra sự đặc sắc nhưng cũng chính vì đó mà sản phẩm cũng khó cạnh tranh trên thị trường.
Nếu doanh nghiệp lớn có thể đưa công nghệ vào để thay đổi các công thức sản xuất sữa và cho ra thị trường đa dạng sản phẩm thì với HTX, điều này rất khó, nhất là với việc sản xuất ra sữa chua không đường. Chính vì vậy, HTX có thể chưa thực sự thuận lợi trong việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng và thương hiệu so với các doanh nghiệp.

Dù đã đầu tư mạnh cho sản xuất kinh doanh nhưng HTX Khánh Phát vẫn gặp khó khăn nhất định trong quá trình cạnh tranh trên thị trường. (Ảnh Mạnh Hòa).
Trong khi khả năng tiếp cận vốn, đất đai của HTX còn hạn chế. Toàn bộ diện tích đất HTX Khánh Phát đang sản xuất, kinh doanh là do địa phương tạo điều kiện cho mượn, hoàn toàn chưa có sổ đỏ.
Nhìn rộng ra những mặt hàng khác, ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT HTX Nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho rằng thực tế hiện nay, các hàng hóa, nông sản của HTX đang phải cạnh tranh gay gắt với cả doanh nghiệp chân chính và những đơn vị sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.
Các HTX thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Điều này hạn chế khả năng đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ.
Trong khi đó, lỗ hổng trong quy định về tiêu chuẩn và kiểm định chất lượng hàng hóa ở Việt Nam hiện chưa được chặt chẽ dẫn đến việc các sản phẩm giả mạo dễ dàng lách luật.
Đi liền với đó là quy trình kiểm định chất lượng sản phẩm, nhất là với mặt hàng thực phẩm ở Việt Nam đang chú trọng vào khâu “hậu kiểm” thay vì tiền kiểm, từ đó tạo cơ hội cho các sản phẩm giả mạo trà trộn vào thị trường. Ngay như vụ việc sản xuất sữa giả vừa qua, vì pháp luật cho phép đơn vị sản xuất tự công bố chất lượng nên các doanh nghiệp này ngang nhiên tuyên bố sản phẩm có chất lượng cao với đầy đủ các dưỡng chất như những sản phẩm của những hãng lớn có bề dày đầu tư nghiên cứu và phát triển để đánh lừa người tiêu dùng.
Trong khi trách nhiệm của người tiêu dùng chưa được nâng cao. Họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để phân biệt sản phẩm thật giả, dẫn đến việc dễ dàng mua phải hàng giả.
Theo các chuyên gia, so với doanh nghiệp, việc tiếp cận các kênh phân phối lớn, hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi có thể gặp khó khăn. Nhiều HTX có thể phải dựa vào các kênh phân phối truyền thống, có hiệu quả thấp hơn.
Trong khi việc sản xuất nông sản, thực phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng, có chứng nhận cần nhiều giấy tờ pháp lý. Và đây chính một vấn đề khó khăn đối với các HTX có quy mô nhỏ.
Đẩy mạnh quản lý, kiểm soát hàng kém chất lượng
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, cho biết những doanh nghiệp làm hàng giả, hàng kém chất lượng thường chú trọng vào cung cấp một tỷ lệ lợi nhuận cực kỳ hấp dẫn khi bán ra mỗi sản phẩm nên việc mở rộng mạng lưới phân phối rất thuận lợi. Những vấn đề về khuyến mãi, đổi trả, công nợ cũng rất nhanh chóng.
Còn anh Lê Minh Trung, Giám đốc HTX mãng cầu Minh Trung (Tây Ninh) cho biết, dù sản phẩm của HTX đạt chứng nhận VietGAP, có giấy tờ rõ ràng nhưng vấn đề đưa hàng hóa vào siêu thị vẫn khó khăn vì chi phí chiết khấu cao. Những chính sách về công nợ, khuyến mãi và đổi trả hàng hóa tại các siêu thị chưa tạo thuận lợi cho mô hình kinh tế tập thể. Do đó, việc mở rộng thị trường tiêu thụ, cạnh tranh trên thị trường đối với HTX gặp khó khăn hơn.
Để vượt qua những khó khăn này, Bà Vũ Kim Hạnh, cho rằng Nhà nước cần xem xét để đưa một số ngành nghề về mảng thực phẩm, trong đó có sản xuất sữa vào lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Vì đây là ngành làm ra những sản phẩm mà người tiêu dùng sử dụng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Đi liền với đó, các HTX cần nâng cao năng lực quản lý và sản xuất thông qua việc tăng cường hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức. Ngoài ra, HTX cần đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Huy cho rằng, để cạnh tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng cả ở kênh truyền thống và online, HTX đang tiếp tục mở rộng nhà máy sản xuất nên rất mong được tạo điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn từ các ngân hàng và tiếp tục nhận được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh quản lý, kiểm soát hàng kém chất lượng để những sản phẩm đảm bảo chất lượng của HTX không bị lu mờ, thuận lợi trong tiếp cận với khách hàng, đối tác.
“Nếu để tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm đặc sản địa phương và cả những hàng hóa ở trong nước”, ông Nguyễn Quốc Huy cho biết.