Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế: Cần chính sách đặc biệt thu hút đầu tư
Việt Nam muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế cạnh tranh được với các trung tâm tài chính quốc tế hiện có trong khu vực cần quan tâm đến chỉ số đánh giá xếp hạng trung tâm tài chính (GFCI) theo 5 tiêu chí: Môi trường kinh doanh và thuế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, phát triển thị trường tài chính, danh tiếng.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là nơi tập trung vốn, công nghệ và tri thức, mà còn là biểu tượng cho năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập và trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, việc thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế không chỉ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mà còn là bước đi chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với nền tảng chính trị vững chắc, hệ thống pháp lý đồng bộ và thực tiễn phát triển đầy tiềm năng, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần thu hút nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng và nâng tầm vị thế quốc gia trên bản đồ tài chính quốc tế.
Cần chính sách đặc biệt thu hút đầu tư cho trung tâm tài chính
Chia sẻ tại Tọa đàm "Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính" do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 16/4, bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, cho hay việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
“Mỗi quốc gia sẽ có một mô hình, chính sách đặc thù. Việt Nam cũng hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với các chính sách hiện hành, điều kiện kinh tế xã hội của riêng mình”, bà Lê Thị Thúy Sen nói.

Toàn cảnh buổi tọa đàm "Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính".
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thiết lập trung tâm tài chính quốc tế là thành phố/khu vực có vai trò then chốt trong cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…). Trung tâm này sẽ hoạt động dựa trên nền tảng pháp lý minh bạch, hạ tầng phát triển, môi trường chính trị ổn định.
Có sự khác biệt giữa trung tâm tài chính trong nước và trung tâm tài chính quốc tế, được phân loại bởi các tiêu chí như phạm vi hoạt động, vai trò, đối tượng sử dụng dịch vụ, mức độ mở cửa thị trường, mức độ quốc tế hóa, hạ tầng và dịch vụ tài chính, tác động đến nền kinh tế và rủi ro tiềm ẩn.
ThS. Lưu Ánh Nguyệt, Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Hiện đang có nhiều trung tâm tài chính quốc tế có vị trí địa lý gần Việt Nam như Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải (Trung Quốc)… Để tận dụng được những lợi ích mà trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng mang lại đòi hỏi có các quy định chuyên sâu và sự kết nối giữa trung tâm tài chính trong nước và trung tâm tài chính quốc tế. Đây là bài toán nan giải của cơ quan quản lý.

ThS. Lưu Ánh Nguyệt, Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính). Ảnh: TBNH.
Có thể thấy, định hướng phát triển của TP HCM sẽ ở mức độ là trung tâm tài chính quốc tế toàn cầu và ở Đà Nẵng là trung tâm tài chính quốc tế có mức độ khu vực. Hai cấp độ này khác nhau để tránh sự cạnh tranh của hai trung tâm ngay ở trong nước.
Đối với các yếu tố hình thành trung tâm tài chính quốc tế, có các yếu tố sau: Vị trí địa lý chiến lược, môi trường kinh doanh thuận lợi, hạ tầng tài chính, công nghệ thông tin, giao thông. Bên cạnh đó là khung pháp lý rõ ràng, linh hoạt và sự ổn định chính trị - kinh tế. Có thể thấy, TP HCM và Đà Nẵng là hai vị trí được lựa chọn hiện đang có những yếu tố quan trọng để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Nếu chúng ta muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế cạnh tranh được với các trung tâm tài chính quốc tế hiện có trong khu vực, cần quan tâm đến chỉ số đánh giá xếp hạng trung tâm tài chính (GFCI) theo 5 tiêu chí: Môi trường kinh doanh và thuế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, phát triển thị trường tài chính, danh tiếng…
“Việc đầu tiên khi muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đó là cần hoàn thiện thể chế linh hoạt, hiện đại. Cụ thể, xây dựng khung pháp lý minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế, cho phép thử nghiệm mô hình mới như: Fintech, nền tảng số; đồng thời, áp dụng mô hình sandbox (khung thể chế thí điểm) như Singapore với quy trình cấp phép nhanh và bảo vệ nhà đầu tư tốt. Song song với đó là tăng cường giám sát rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sự ổn định và minh bạch thị trường; phát triển hạ tầng tài chính và công nghệ”, ThS. Lưu Ánh Nguyệt đề xuất.
Vai trò các định chế tài chính trong trung tâm tài chính quốc tế
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 2 Nguyễn Đức Lệnh, trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, ngành ngân hàng giữ vai trò quan trọng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, đó là vai trò xây dựng và tạo lập môi trường pháp lý, bao gồm xây dựng cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp theo mục đích và yêu cầu phát triển của trung tâm tài chính quốc tế đảm bảo thúc đẩy hoạt động của các định chế tài chính lĩnh vực ngân hàng phát triển.
“Việc phát triển các định chế tài chính gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cho thuê tài chính… trong trung tâm tài chính quốc tế sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả, cạnh tranh và phát triển, qua đó trở thành động lực thúc đẩy hoạt động ngân hàng trong nước”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

Ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: TBNH.
Ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay: Các trung tâm tài chính quốc tế vận hành lâu đời ở các quốc gia phát triển có hành lang pháp lý thông thoáng, đối với các nước có xuất phát điểm thấp hơn cũng có khu pháp lý thông thoáng hơn.
Còn ở Việt Nam, chúng ta có quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô. Đơn cử như về quy định giao dịch vốn, tự do hóa dòng vốn là một điều kiện lớn để thành lập IFC. Hiện Việt Nam có quy định chặt chẽ về vấn đề này.
Các cam kết quốc tế của chúng ta với đối tác thương mại vẫn có những yêu cầu về bảo vệ thị trường, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc mở thêm định chế tài chính, ngân hàng thương mại rất chặt chẽ. Nếu như đối chiếu theo những yêu cầu như vậy, nếu chúng ta có ưu đãi hơn nữa về điều kiện mở định chế tài chính thì cũng là một bài toán. Làm sao để tạo ra một khung pháp lý đảm bảo trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô.
“Trong trung tâm tài chính quốc tế, các định chế tài chính sẽ làm gì? Chúng tôi hiểu rằng hoạt động ngân hàng truyền thống sẽ không nhiều mà sẽ hướng về các hoạt động ngân hàng mới, theo thông lệ quốc tế. Đi kèm như vậy, việc quản lý an toàn hoạt động cũng được đặt ra. Hiện nay, theo hướng các định chế tài chính khi được thành lập trong trung tâm tài chính phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế, theo chuẩn mực các quy định an toàn theo thông lệ quốc tế. Đối với các định chế tài chính Việt Nam được thành lập trong trung tâm tài chính, về nguyên tắc cũng sẽ áp dụng theo thông lệ quốc tế, ban hành thông tư mới về tỷ lệ an toàn vốn, tuân thủ theo Basel II nâng cao”, ông Long đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Mạnh Khôi - Trưởng Phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường VietinBank. Ảnh: TBNH.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Khôi - Trưởng Phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường VietinBank: Hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn tập trung vào các sản phẩm cơ bản, trong khi các sản phẩm cấu trúc và phái sinh vẫn còn phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư.
Do đó, cần khuyến khích và hỗ trợ phát triển các sản phẩm tài chính mới, công cụ phái sinh và các sản phẩm đầu tư sáng tạo, giúp tăng tính linh hoạt và chiều sâu cho thị trường; Đẩy mạnh các điều kiện nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số…, tiệm cận mô hình của các trung tâm tài chính quốc tế.