CEO Nguyễn Quang Huy: Tạo mã QR trên sổ đỏ tiện ích nhưng cũng nhiều rủi ro

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính Ngân hàng (Đại học Nguyễn Trãi), các mã QR trên sổ đỏ sẽ mang lại nhiều tiện ích trong việc xác minh thông tin bất động sản, tuy nhiên, cũng tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt khi cơ sở hạ tầng công nghệ và kiến thức của người dân chưa phát triển đồng bộ dẫn đến nhiều nguy cơ như mã QR giả mạo.

Ứng dụng công nghệ vào quản lý đất đai

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai một hướng dẫn quan trọng cho các địa phương trong việc chuẩn bị in sổ đỏ mẫu mới và tích hợp mã QR vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ). Đây là bước đi tiếp theo của quá trình cải cách quản lý đất đai, mang lại nhiều tiện ích cho người dân và nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý.

Tạo mã QR trên sổ đỏ và những vấn đề người dân cần lưu ý

Tạo mã QR trên sổ đỏ và những vấn đề người dân cần lưu ý

Việc cải tiến mẫu sổ đỏ mới bắt đầu được triển khai từ ngày 1/1/2025, căn cứ vào Luật Đất đai năm 2024 và Thông tư số 10/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sự thay đổi này không chỉ đơn thuần là việc cấp phát sổ đỏ mới mà còn là sự thay đổi về hình thức và cách thức quản lý thông tin đất đai.

Một trong những điểm mới nổi bật của mẫu sổ đỏ mới chính là việc tích hợp mã QR, một công cụ hiện đại giúp người dân có thể tra cứu thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất một cách nhanh chóng và chính xác. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra hướng dẫn chi tiết về cách thức tạo mã QR và trình bày thông tin mã QR trên sổ đỏ.

Thông qua mã QR trên sổ đỏ, người dân có thể tra cứu được 5 nhóm thông tin quan trọng liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Thứ nhất, thông tin về người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Đây là thông tin cơ bản được trình bày đầy đủ, bao gồm tên, địa chỉ và các thông tin liên quan.

Thứ hai, mã QR cũng cung cấp thông tin về thửa đất, bao gồm diện tích, loại đất, vị trí thửa đất và các thông tin khác liên quan đến quyền sử dụng đất.

Thứ ba, thông tin về các tài sản xây dựng trên đất, chẳng hạn như nhà ở, công trình xây dựng, hoặc các tài sản khác liên quan đến thửa đất đó.

Thứ tư, sơ đồ thửa đất và tài sản gắn liền với đất. Một trong những điểm mới của sổ đỏ mẫu mới là việc tích hợp sơ đồ thửa đất và các tài sản gắn liền. Điều này giúp người dân dễ dàng nhận diện và xác minh vị trí thửa đất, đồng thời kiểm tra các thông tin về tài sản gắn liền với đất.

Và cuối cùng mã QR cũng cung cấp thông tin về các thay đổi hoặc ghi chú liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, chẳng hạn như việc thế chấp tài sản, thay đổi mục đích sử dụng đất, hay các hạn chế quyền sở hữu.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang phát triển các ứng dụng dịch vụ (web service) để tích hợp thông tin mã QR vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Điều này sẽ giúp việc tra cứu thông tin đất đai trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn cho người dân. Mỗi khi có sự thay đổi trong quyền sử dụng đất, thông tin mã QR sẽ được cập nhật ngay lập tức, giúp đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong việc quản lý đất đai.

Một điểm đáng chú ý nữa là, trong trường hợp sổ đỏ bị thu hồi, mã QR sẽ tự động cập nhật trạng thái hết hiệu lực, đồng thời phản ánh các thay đổi này trên hệ thống phần mềm quản lý đất đai.

Bên cạnh đó, Nghị định số 101/2024/NĐ-CP, cũng quy định từ 1/1/2025 các trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cũng được quy định rõ ràng. Nếu sổ đỏ bị ố, nhòe, hư hỏng hoặc có sự thay đổi về diện tích, vị trí thửa đất, người dân sẽ phải thực hiện thủ tục cấp đổi theo mẫu mới… Tuy nhiên, nếu không có yêu cầu thay đổi thông tin, người dân vẫn có thể tiếp tục sử dụng sổ đỏ cũ.

Một số trường hợp khác cần cấp lại mới như: Thay đổi địa chỉ của thửa đất; Giấy chứng nhận ghi tên hộ gia đình, nay cần ghi đầy đủ tên các thành viên; Giấy chứng nhận chỉ ghi tên vợ hoặc chồng, nay cần ghi cả họ, tên vợ và chồng; Vị trí thửa đất trên Giấy chứng nhận không chính xác so với thực tế sử dụng; Giấy chứng nhận đã cấp chung cho nhiều thửa đất, nay cần cấp riêng cho từng thửa đất theo yêu cầu của người sử dụng đất...

Ngoài ra, việc cấp sổ đỏ lần đầu cũng có một số thay đổi đáng chú ý, như giảm thời gian giải quyết thủ tục và thay đổi địa điểm nộp hồ sơ. Quy trình cấp sổ đỏ sẽ được rút ngắn và chuyển giao cho các cơ quan có thẩm quyền, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Chuyên gia nói gì về việc tạo mã QR trên sổ đỏ?

Trao đổi với PetroTimes chuyên gia Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng thuộc Đại học Nguyễn Trãi; CEO Công ty CP Học viện Asala cho biết, tạo mã QR trên sổ đỏ không chỉ là một bước đột phá trong chuyển đổi số ngành quản lý đất đai mà còn đánh dấu nỗ lực hiện đại hóa quy trình hành chính, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử. Tuy nhiên, như bất kỳ sự thay đổi lớn nào, chính sách này mang lại cả cơ hội lẫn thách thức, đòi hỏi một cách tiếp cận cẩn trọng và đồng bộ.

Chuyên gia Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng thuộc Đại học Nguyễn Trãi

Chuyên gia Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng thuộc Đại học Nguyễn Trãi

Mã QR trong lĩnh vực bất động sản hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người dân và các cơ quan quản lý. Đầu tiên, nó tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro giấy tờ giả, giúp xác thực thông tin bất động sản nhanh chóng thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, từ đó giảm thiểu nạn giấy tờ giả mạo. Thứ hai, việc sử dụng mã QR giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt yêu cầu về bản sao công chứng và tiết kiệm thời gian cho người dân cũng như cơ quan hành chính.

Ngoài ra, mã QR cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành quản lý đất đai, kết nối trực tiếp với hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa, giúp dễ dàng kiểm soát và giám sát quy hoạch đất đai. Điều này hỗ trợ xây dựng một thị trường bất động sản minh bạch và bền vững. Cuối cùng, việc sử dụng mã QR giảm bớt việc sao chụp và in ấn giấy tờ, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải carbon và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Quang Huy các mã QR trên sổ đỏ sẽ mang lại nhiều tiện ích trong việc xác minh thông tin bất động sản, tuy nhiên, cũng tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt khi cơ sở hạ tầng công nghệ và kiến thức của người dân chưa phát triển đồng bộ dẫn đến nhiều nguy cơ như mã QR giả mạo. Đây là một trong những mối lo lớn nhất là việc kẻ xấu lợi dụng công nghệ để tạo mã QR giả mạo, lừa đảo người dân hoặc thực hiện các giao dịch bất hợp pháp. Khi quét mã QR giả, người dùng có thể bị dẫn tới các trang web độc hại hoặc nhận thông tin sai lệch, từ đó dễ dàng rơi vào bẫy lừa đảo. Ví dụ, một số đối tượng có thể giả mạo sổ đỏ với mã QR “ảo” để bán bất động sản không tồn tại hoặc chưa đủ điều kiện pháp lý. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người dân chưa được trang bị đủ kiến thức để phân biệt mã QR thật và giả.

Hay mã QR chứa thông tin quan trọng về bất động sản, bao gồm cả thông tin cá nhân của chủ sở hữu. Nếu hệ thống bảo mật không được thiết kế đủ mạnh, nguy cơ rò rỉ dữ liệu là rất lớn. Điều này có thể dẫn tới các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc gây tổn hại tới quyền riêng tư của người dân. Ngoài ra, nếu mã QR bị lợi dụng để truy cập trái phép vào cơ sở dữ liệu quốc gia, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính toàn vẹn và uy tín của hệ thống.

Bên cạnh đó, theo ông Huy việc phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống công nghệ số đặt ra rủi ro lớn nếu xảy ra lỗi hệ thống, mất kết nối hoặc sự cố kỹ thuật. Trong các giao dịch quan trọng, nếu không thể truy cập thông tin qua mã QR, người dân sẽ gặp khó khăn và có thể mất niềm tin vào hệ thống.

Một thách thức nữa là phần lớn người dân, đặc biệt là người cao tuổi hoặc người dân vùng sâu, vùng xa, có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng mã QR. Họ có nguy cơ trở thành đối tượng dễ bị lừa đảo, hoặc không thể tiếp cận các tiện ích của công nghệ mới.

Hiện nay, sự phát triển của công nghệ như deepfake hoặc chỉnh sửa hình ảnh có thể khiến việc làm giả sổ đỏ với mã QR trở nên khó phát hiện. Điều này tạo ra một thách thức lớn trong việc kiểm soát tính chính xác và đáng tin cậy của các giao dịch bất động sản.

Để sổ đỏ tích hợp mã QR phát huy tối đa lợi ích và giảm thiểu rủi ro, theo chuyên gia Nguyễn Quang Huy cần có những biện pháp đồng bộ từ phía cơ quan chức năng và người dân như tăng cường bảo mật và xác thực. Hệ thống quản lý mã QR cần áp dụng công nghệ mã hóa tiên tiến và có các lớp bảo mật nhiều tầng để ngăn chặn truy cập trái phép. Đồng thời, cần phát triển các ứng dụng chính thức cho phép người dân kiểm tra mã QR một cách nhanh chóng và an toàn.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục để người dân được trang bị kiến thức đầy đủ về mã QR, từ cách sử dụng an toàn đến nhận biết các nguy cơ giả mạo. Song song với việc sử dụng mã QR, cần duy trì hình thức giấy tờ truyền thống để đảm bảo quyền lợi của người dân không quen công nghệ. Điều này giúp giảm thiểu sự gián đoạn trong các giao dịch bất động sản.

Việc tích hợp mã QR vào sổ đỏ là một bước tiến lớn trong hành trình chuyển đổi số của Việt Nam, giúp nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và tiện ích trong quản lý đất đai. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích vượt trội, chính sách này cũng đặt ra nhiều thách thức về an ninh, bảo mật và khả năng tiếp cận của người dân.

Để thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, các tổ chức liên quan và cộng đồng, từ việc xây dựng hệ thống bảo mật vững chắc đến nâng cao nhận thức cho người dân. Nếu triển khai đồng bộ, đây sẽ là bước đệm quan trọng để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển bền vững trong thời đại số hóa toàn cầu.

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ceo-nguyen-quang-huy-tao-ma-qr-tren-so-do-tien-ich-nhung-cung-nhieu-rui-ro-722889.html
Zalo