Lộ diện 5 tỉnh vùng Thủ đô hút mạnh dòng vốn bất động sản

Nhiều yếu tố tạo nên sức hút đô thị vệ tinh vùng Thủ đô, trong đó có 5 tỉnh đang hút mạnh dòng vốn bất động sản.

Sức hút lớn từ các đô thị vệ tinh

Trong bức tranh phát triển vùng Thủ đô, các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội đang nổi lên là những điểm đến đầu tư sôi động nhất. Nhờ hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện và quỹ đất dồi dào, những năm gần đây các tỉnh lân cận Hà Nội thu hút mạnh dòng vốn đầu tư vào bất động sản. Nhiều nhà đầu tư đã và đang “đổ xô” về vùng ven, tạo nên làn sóng dịch chuyển rõ nét khỏi khu vực nội đô chật chội.

Một loạt đô thị vệ tinh như tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang… là các địa phương nằm ở vị trí “cửa ngõ” của Thủ đô, đồng thời tích cực cải thiện hạ tầng giao thông và môi trường đầu tư. Nhờ đó, mức độ quan tâm tới thị trường bất động sản tại các tỉnh này đã tăng trưởng vượt trội so với Hà Nội.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, mức độ quan tâm và đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025. Xu hướng này còn tiếp tục trong quý I/2025 khi nhu cầu tập trung nhiều ở các khu vực dọc tuyến đường Vành đai 4 và các hành lang công nghiệp kết nối Hà Nội với Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Rõ ràng, dòng tiền và nhu cầu đang dịch chuyển về các đô thị vệ tinh, biến các đô thị vệ tinh thành tâm điểm của thị trường.

TS Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ảnh: Khôi Nguyên

TS Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ảnh: Khôi Nguyên

Chia sẻ tại Hội thảo "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị vùng Thủ đô", TS Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, có nhiều yếu tố nào làm nên sức hút của các đô thị vệ tinh. Trước hết, đó là quỹ đất rộng và giá còn hợp lý so với nội đô. Các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam… có thể cung cấp mặt bằng lớn để phát triển những khu đô thị hiện đại, tiện nghi mà trung tâm Hà Nội khó lòng đáp ứng do hạn chế quỹ đất.

Thứ hai, hạ tầng giao thông liên vùng đồng bộ đã rút ngắn khoảng cách giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hàng loạt dự án trọng điểm đã và đang triển khai: Đường Vành đai 3, Vành đai 4, các tuyến cao tốc liên tỉnh hướng tâm (Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên) và hệ thống đường sắt đô thị tương lai kết nối vùng lõi với vùng ven. Nhờ đó, việc sinh sống tại Bắc Ninh, Hưng Yên hay Vĩnh Phúc và làm việc tại Hà Nội đang dần trở nên thuận tiện.

Bên cạnh đó, tại nội đô Hà Nội, giá bất động sản leo thang và mật độ dân số quá cao cùng với ô nhiễm môi trường đã và đang thúc đẩy người dân “giãn ra” các đô thị vệ tinh để tìm kiếm không gian sống trong lành, chất lượng hơn. Xu hướng này không chỉ giúp giảm tải áp lực cho trung tâm, mà còn mở ra cơ hội phát triển cho các tỉnh xung quanh.

PGS. TS. Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng. Ảnh: Khôi Nguyên

PGS. TS. Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng. Ảnh: Khôi Nguyên

PGS. TS. Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng đánh giá, vùng Thủ đô nay đang được tái định hình như một không gian tăng trưởng chiến lược của quốc gia, là một vùng động lực thực sự, có khả năng tạo đà bứt phá trong kỷ nguyên mới. Khi quốc gia xác lập vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu, thì vùng Thủ đô cũng chuyển dịch vai trò, từ vệ tinh của Hà Nội thành cực phát triển cấp vùng trong cấu trúc kinh tế - chính trị - xã hội hiện đại.

Chuyển đổi từ mô hình đô thị lõi sang hệ thống đô thị nối dài với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên đang đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mô hình đại đô thị tích hợp công nghiệp dịch vụ, đô thị xanh thông minh nghỉ dưỡng bắt đầu hình thành. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bất động sản vùng ven Hà Nội đang bước vào một chu kỳ mới, từ bị động tiếp nhận nhu cầu giãn dân, sang chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư quy mô lớn, đa dạng và bền vững”, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho biết.

Xu hướng phát triển bất động sản nào sẽ “lên ngôi”?

Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, xu hướng phát triển bất động sản đô thị vùng Thủ đô đang rất đa dạng và theo hướng bền vững, hiện đại.

Trước tiên, bất động sản nhà ở tiếp tục là nhu cầu trọng tâm với nhiều phân khúc. Vùng Thủ đô đang tập trung phát triển các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị mới để đáp ứng nhu cầu cho hàng chục vạn người dân trong thập kỷ tới. Nhiều khu đô thị tích hợp tầm cỡ đã và đang được triển khai. Các dự án này không chỉ cung cấp nhà ở, mà còn tích hợp đầy đủ dịch vụ thương mại, giáo dục, y tế, giải trí… hướng tới mô hình “thành phố thu nhỏ” tiện nghi và thông minh.

Cùng với đó, bất động sản công nghiệp và logistics trong vùng Thủ đô cũng có triển vọng bứt phá mạnh mẽ. Khu vực này đang là điểm sáng FDI với hàng loạt khu công nghiệp lớn tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương. Nhu cầu về mặt bằng nhà xưởng, kho bãi, hậu cần dự kiến tăng cao khi dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thống kê mới nhất cho thấy phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn đang phát triển rất sôi động và 5/10 địa phương dẫn đầu về thu hút dự án công nghiệp mới năm 2024 nằm trong vùng Thủ đô. Đây chính là cơ hội để các tỉnh vùng Thủ đô phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ kiểu mới, gắn kết nơi làm việc với khu đô thị tiện ích để thu hút chuyên gia và người lao động chất lượng cao”, TS Nguyễn Văn Khôi đánh giá.

Bất động sản các tỉnh vệ tinh vùng Thủ đô đang tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. Ảnh: Khôi Nguyên

Bất động sản các tỉnh vệ tinh vùng Thủ đô đang tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. Ảnh: Khôi Nguyên

Các chuyên gia bất động sản cũng nhìn nhận, vùng Thủ đô còn đẩy mạnh xu hướng phát triển đô thị thông minh và bền vững. Hà Nội đang tiên phong áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng) nhằm tận dụng hiệu quả quỹ đất quanh các tuyến metro, xe buýt nhanh. Nhiều khu vực ở Hà Nội (như dọc tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn – Ga Hà Nội, tuyến số 5 Văn Cao – Hòa Lạc…) sẽ được quy hoạch lại theo mô hình TOD để hình thành các trung tâm đô thị mới gắn kết chặt chẽ với giao thông công cộng, qua đó giảm ùn tắc và ô nhiễm, đồng thời tạo ra thị trường bất động sản sôi động dọc theo các hành lang metro trong tương lai gần.

Cùng với đó, Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng đang ứng dụng công nghệ vào quản lý và phát triển đô thị. Đơn cử, Thái Nguyên đang xây dựng mô hình thành phố thông minh (smart city) phối hợp cùng các tập đoàn công nghệ, tạo dựng môi trường sống hiện đại và an toàn hơn cho người dân.

Yếu tố xanh và bền vững cũng được các chủ đầu tư chú trọng. Từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Ba Vì, Sơn Tây, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hay Hòa Bình, nhiều dự án khu đô thị sinh thái và đô thị nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên đang được đầu tư. Những xu hướng này phù hợp với định hướng phát triển Thủ đô văn minh, xanh, sạch và hiện đại mà Luật Thủ đô và quy hoạch Thủ đô đang hướng tới.

Tất cả những yếu tố trên đã tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản ở các tỉnh vệ tinh vùng Thủ đô phát triển bền vững và hút các nhà đầu tư.

TS Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng cho biết: Chúng ta đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số từ năm 2026. Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chúng ta cần suy nghĩ về việc nếu tăng trưởng GDP 2 chữ số liên tục trong nhiều năm thì điều gì sẽ xảy ra với thị trường này? Đặc biệt, với vùng Thủ đô, thị trường bất động sản sẽ diễn ra như thế nào?

"Chắc chắn nó sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhưng cơ hội cũng đi kèm thách thức nếu chúng ta không biết nắm bắt và quản lý. Vì vậy, để có thể tận dụng tối đa những lợi thế, giúp vùng Thủ đô phát triển xứng với tiềm năng thì rất cần có những chính sách phù hợp", TS Trần Đình Thiên nói.

Ngọc Tiến

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lo-dien-5-tinh-vung-thu-do-hut-manh-dong-von-bat-dong-san-387664.html
Zalo