Khách Hàn áp đảo tại Việt Nam

Trước khi nhận tin vui từ tuyển quốc gia, du lịch Việt Nam hoàn thành mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024. Song, vẫn còn câu hỏi còn bỏ ngỏ, theo Thứ trưởng Hồ An Phong.

Chiều 6/1, Cục Du lịch Quốc gia chính thức công bố dữ liệu đón khách năm cũ cũng như mục tiêu cho năm 2025. Cụ thể, năm 2024, Việt Nam cán đích với 17,5 triệu lượt khách ngoại, hoàn thành mục tiêu phục vụ 17-18 triệu lượt khách đã đề ra.

Trong đó, hơn 14,8 triệu lượt khách đến nước ta bằng đường hàng không, chiếm 84,4%; gần 2,5 triệu lượt khách đến đường bộ, chiếm 14,2% và gần 248,1 nghìn lượt khách du lịch đến Việt Nam bằng đường biển, chiếm 1,4% trên tổng lượng khách ngoại.

Khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu từ khu vực châu Á với tỷ trọng 79,6%, châu Âu (11,3%), châu Mỹ (5,7%) và châu Phi (0,3%).

Nước ta vẫn ghi nhận động lực tăng trưởng tốt từ khu vực Đông Bắc Á. Ghi dấu ấn là thị trường Trung Quốc với số liệu tăng 214,4% so với năm 2023.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng tiếp tục gửi khách đến Việt Nam ngày một đông. Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore đều ghi nhận số phần trăm động lực phát triển tăng. duy chỉ thị trường Thái Lan là giảm 14,5%.

Khách Hàn dẫn đầu, Ấn Độ gây chú ý

Không bất ngờ khi Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất Việt Nam trong năm 2024. Tính tổng cả năm, nước ta ghi nhận 4,5 triệu lượt khách từ xứ sở kim chi, chiếm 25,98%. Xếp ở vị trí thứ 2 là Trung Quốc với 3,7 triệu lượt, chiếm 21,26%.

Kết quả trên thu được là nhờ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng như kết nối đường bay đến thị trường Hàn Quốc trong suốt năm 2024.

Sự kiện gây chú ý là lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến du lịch Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2025 - 2026 tại Seoul (Hàn Quốc) hồi tháng 7/2024 trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Jang Mi Ran.

 Nhóm khách Hàn "check-in" tại nhà thờ Con Gà Đà Nẵng dịp Giáng sinh 2024. Ảnh: Linh Huỳnh.

Nhóm khách Hàn "check-in" tại nhà thờ Con Gà Đà Nẵng dịp Giáng sinh 2024. Ảnh: Linh Huỳnh.

Bên cạnh đó, từng chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Lee Jae Hoon, Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam, cho biết các chương trình truyền hình thực tế được ghi hình tại Việt Nam những năm gần đây đã thúc đẩy người trẻ Hàn Quốc đổ xô du lịch Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng...

Ngoài ra, không ít YouTuber xứ Hàn cũng tìm đến nước ta làm nội dung, góp phần đẩy du lịch Việt Nam thành trào lưu đối với người Hàn.

Top 10 thị trường gửi khách hàng đầu nước ta lần lượt là Đài Loan (1,29 triệu lượt), Mỹ (780 nghìn lượt), Nhật Bản (711 nghìn lượt), Ấn Độ (501 nghìn lượt), Malaysia (254 nghìn lượt), Australia (491 nghìn lượt), Campuchia (475 nghìn lượt) và Thái Lan (418 nghìn lượt).

Điểm nhấn trong bản báo cáo là Ấn Độ.

Giai đoạn 2022-2024, thị trường quốc gia đông dân nhất thế giới tăng từ 138.000 lượt lên 501.000 lượt, tăng 2,6 lần chỉ sau 2 năm và hiện giữ vị trí thứ 6 trong nhóm quốc gia gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất. Con số này dẫn dắt mức phục hồi của Ấn Độ vượt 297% so với trước dịch.

Đoàn 4.500 khách Ấn Độ từ công ty dược phẩm Sun Pharma tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò và Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngày 27/8. Ảnh: Việt Linh.

Đoàn 4.500 khách Ấn Độ từ công ty dược phẩm Sun Pharma tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò và Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngày 27/8. Ảnh: Việt Linh.

Cục Du lịch Quốc gia đánh giá đây là thị trường tiềm năng dựa trên sự tăng trưởng vượt trội, và góp phần đa dạng hóa thị trường nguồn của du lịch Việt Nam.

Về mặt tổng thể, Cục nhận định thêm ngành du lịch Việt Nam năm 2024 mang gam màu tươi sáng, đạt mục tiêu đã đề ra. Chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày cho một số nước châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Italy... áp dụng hồi 15/8/2023 đã gặp hái "quả ngọt", thị trường tăng trưởng khả quan.

Hướng tới nền kinh tế mũi nhọn

Dựa trên kết quả đạt được năm 2024, Cục đưa ra mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025. Khoảng 120-130 triệu lượt khách nội địa và có thể đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP với 980-1.050 nghìn tỷ đồng doanh thu, tạo 5,5 triệu việc làm trong đó có 1,8 triệu việc làm trực tiếp.

Tuy nhiên, những điểm sáng chưa thật sự "chói chang" bởi ngành du lịch vẫn còn vấn đề tồn đọng.

Phát biểu tại hội thảo Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Phạm Văn Thủy thừa nhận nhận thức chưa đồng đều của các cấp, ban, ngành, địa phương trước mục tiêu đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn, thiếu tính chặt chẽ trong nhận thức và hành động.

Sự trái ngược từ một số địa phương tiềm năng và nơi không có dư địa phát triển du lịch gây ra lãng phí, dàn trải.

Bên cạnh giải pháp kiểm soát đồng bộ hoạt động các cấp, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, còn cho rằng Chính phủ cũng cần quan tâm, quản lý đến việc người Việt Nam ra nước ngoài du lịch.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khach-han-ap-dao-tai-viet-nam-post1522931.html
Zalo