Lĩnh vực công nghiệp nhẹ: Những thành quả nổi bật trong nghiên cứu

Hoạt động khoa học và công nghệ lĩnh vực công nghiệp nhẹ có tính ứng dụng cao trong việc sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm.

Hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ có tính ứng dụng cao trong việc sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm - những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của toàn dân. Do đó, các nghiên cứu chú trọng vào vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, trong lĩnh vực nghiên cứu dầu và cây có dầu, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (Bộ Công Thương) đã hoàn thành đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao”. Qua đó, đã chọn tạo được giống lạc VD11 lưu hành ở các tỉnh phía Nam (Tây Ninh, Long An, Bình Thuận) có năng suất đạt 3,51 - 3,81 tấn/ha, hàm lượng dầu 54,47%; giống lạc LDT3 lưu hành ở các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Nghệ An và Vĩnh Phúc) có năng suất đạt 3,65 - 3,92 tấn/ha, hàm lượng dầu 51,19%; xác định được 10 dòng lạc (4 dòng lạc từ lai hữu tính; 6 dòng lạc từ đột biến) triển vọng có hàm lượng dầu đạt 50,02 - 56,88%.

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu giới thiệu các thành quả nghiên cứu. Ảnh: Quỳnh Nga

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu giới thiệu các thành quả nghiên cứu. Ảnh: Quỳnh Nga

Ngoài ra, ban hành hai quy trình canh tác cho giống lạc mới: “Quy trình canh tác giống lạc VD11 cho các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Trung Bộ”; “Quy trình kỹ thuật thâm canh giống lạc LDT3 cho các tỉnh phía Bắc”; xây dựng 3 mô hình sản xuất giống lạc VD11 ở 3 tỉnh phía Nam (Long An, Tây Ninh và Bình Thuận) năng suất 3,54 - 3,71 tấn/ha, vượt mô hình giống lạc phổ biến tại địa phương 19,7 - 25,0%; xây dựng 3 mô hình sản xuất giống lạc LDT3 ở 3 tỉnh thành phía Bắc (Hà Nội, Vĩnh Phúc và Nghệ An) đạt năng suất 3,60 - 3,70 tấn/ha, vượt giống đối chứng L14 từ 12,3 - 16,1%.

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu cũng đã triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu chọn tạo giống dừa cho các tỉnh phía Nam”. Qua đó, đã lai tạo giống dừa lai sáp trong nước và nhập nội thế hệ F1; F2 trồng tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Tây Ninh có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt.

Hay nhiệm vụ “Chọn tạo giống vừng có năng suất, hàm lượng dầu và axit linoleic cao” đã thực hiện đánh giá và xác định được bộ vật liệu khởi đầu gồm 20 giống vừng có tiềm năng về năng suất, hàm lượng dầu và hàm lượng axit linoleic cao như 3 giống vừng có năng suất cao gồm: VDM3 (1,63 tấn/ ha), VDM 23 (1,57 tấn/ha), VV12 (1,56 tấn/ha); 11 giống vừng có hàm lượng dầu cao; 8 giống vừng có hàm lượng acid linoleic cao trên 45%.

Trong lĩnh vực dệt may, Công ty Cổ phần - Viện Nghiên cứu Dệt may đã hoàn thành các nhiệm vụ: Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị thử nghiệm chất lượng hình in trên sản phẩm dệt may phù hợp tiêu chuẩn DS096”. Qua đó, chế tạo thành công thiết bị thử nghiệm chất lượng hình in trên sản phẩm dệt may có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập và đủ độ tin cậy để kiểm tra chất lượng hình in. Hiện nay, thiết bị này đang được sử dụng cho công tác nghiên cứu thử nghiệm mẫu phục vụ chuyển giao công nghệ cho các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất dệt may.

Bên cạnh đó, triển khai dự án sản xuất thử nghiệm: “Hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất thử nghiệm vải dệt kim có khả năng kháng khuẩn cao và được thương mại hoátrên thị trường” đã sản xuất được một số sản phẩm vải dệt kim kháng khuẩn cao đáp ứng tốt nhu cầu thị trường; đề tài “Nghiên cứu các định hướng phát triển vải không dệt ứng dụng trong y tế và bảo hộ” đã đưa ra các khuyến nghị và định hướng phát triển vải không dệt Spunmelt ứng dụng trong y tế và bảo hộ tại Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các giải pháp phát triển ngành dệt may Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu về kiểm soát chất lượng sản phẩm dệt may.

Trong lĩnh vực da - giày, Viện Nghiên cứu Da - giày (Bộ Công Thương) đã kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động khoa học - công nghệ của viện tập trung hoàn thiện các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: Các loại da đặc chủng, các loại giày dép thời trang; tham gia xây dựng chiến lược phát triển ngành da giày, cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành; ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế mẫu mốt…

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/linh-vuc-cong-nghiep-nhe-nhung-thanh-qua-noi-bat-trong-nghien-cuu-388083.html
Zalo