Lính trẻ Tiểu đoàn Đặc công 2012 'nhập môn'
'Rèn cán tốt để luyện binh giỏi' là phương châm được Tiểu đoàn Đặc công 2012 (Bộ Tham mưu Quân khu 9) xác định để nâng cao chất lượng huấn luyện. Nhất là đối với những chiến sĩ trẻ bắt đầu làm quen với các nội dung huấn luyện chuyên ngành đặc công. Kiến thức mới đòi hỏi cao về cường độ huấn luyện, sức khỏe mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Giáo dục truyền thống là nội dung quan trọng đầu tiên mà những chiến sĩ trẻ phải hiểu rõ khi được biên chế về Tiểu đoàn Đặc công 2012. Bởi từ đây họ sẽ hiểu và trân trọng những giá trị lịch sử mà ông cha đã dày công vun đắp. Từ đó xây dựng ý thức tự giác, tích cực luyện rèn để trở thành người chiến sĩ đặc công - lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội.
“Chúng tôi thường xuyên tổ chức tuyên truyền truyền thống của đơn vị, Quân đội, nhất là các chiến lệ, trận đánh tiêu biểu của bộ đội đặc công, kinh nghiệm hay trong chiến đấu… Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ thêm tự hào, tạo động lực tinh thần để nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ”, Trung tá Phan Thanh Thoàng, Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 2012, Bộ Tham mưu Quân khu 9 cho biết.
Với bộ đội đặc công, võ thuật là một trong những nội dung huấn luyện kỹ thuật chiến đấu quan trọng. Để chiến sĩ trẻ “nhập môn” nội dung này một cách thuần thục, đội ngũ cán bộ đơn vị không chỉ là người lãnh đạo, chỉ huy mà còn là người thầy, người truyền thụ kinh nghiệm.
Binh nhất Phan Quốc Thái, chiến sĩ Tiểu đội 4, Trung đội 5, Đại đội 6, Tiểu đoàn Đặc công 2012 chia sẻ: “Giai đoạn huấn luyện chiến sĩ mới, tôi học 8 thế tấn, 16 động tác võ thể dục, khi biên chế về đơn vị chuyên ngành đặc công thì học các bài quyền khó hơn nhiều. Vì vậy, khi cán bộ lên lớp chúng tôi quan sát kỹ động tác, luyện tập nghiêm túc và tận dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ luyện tập thêm”.
Cùng với võ thuật, bơi chuyên ngành cũng là một trong những nội dung huấn luyện khó. Tùy yêu cầu, đề bài đặt ra, các chiến sĩ phải bảo đảm bơi nhịp nhàng, cùng tốc độ, nhịp thở, giữ vững đội hình và bơi duy trì liên tục hàng chục kilomet để rèn sức chịu đựng. Nếu chiến đấu viên năm nhất bơi từ 7 đến 10km thì với những người dày dạn kinh nghiệm, độ dài tăng gấp đôi.
Binh nhất Phạm Văn Tình, chiến sĩ Tiểu đội 3, Trung đội 4, Đại đội 3, Tiểu đoàn Đặc công 2012 chia sẻ: “Khi bắt đầu bơi tôi thấy rất khó vì chưa biết kỹ thuật, tốn sức nhưng bơi không xa. Sau khi hoàn thiện động tác bơi thì lại rất dễ, đây là nội dung quan trọng giúp tôi rèn luyện thể lực”.
Trung úy Trương Nhật Hoàng Triều, Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 3 Đặc công nước, Tiểu đoàn Đặc công 2012 nêu kinh nghiệm: “Ban đầu, tôi huấn luyện bộ đội từng kỹ thuật, động tác trên cạn, khi thuần thục mới kết hợp bơi thở dưới nước. Sau đó, bắt đầu bơi ngắn khoảng 20 - 30m rồi từ từ tăng dần cự ly”.
Ngoài võ thuật, bơi, các chiến sĩ đặc công còn phải học kỹ, chiến thuật tác chiến và ngụy trang để có thể linh hoạt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nội dung này được huấn luyện từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Các động tác đi khom, lăn lê, bò trườn là những kỹ thuật vận động cơ bản khởi đầu cho quá trình huấn luyện của chiến sĩ đặc công. Binh nhất Bùi Hồng Ngọc, chiến sĩ Tiểu đội 7, Trung đội 9, Đại đội 3 Đặc công nước khẳng định: “Yêu cầu của động tác đi khom phải bảo đảm yếu tố bí mật nên phải nhẹ nhàng, chính xác từng bước chân và mắt luôn quan sát mục tiêu”.
Thượng úy Lê Hoàng Phúc, Trung đội trưởng Trung đội 5, Đại đội 3 Đặc công nước, Tiểu đoàn Đặc công 2012 nhấn mạnh: “Kỹ thuật đặc công này là nội dung đặc biệt quan trọng mà mỗi chiến sĩ đặc công khi vừa nhập môn bắt buộc phải thuần thục. Căn cứ các trường hợp vận dụng cụ thể, cán bộ sẽ huấn luyện anh em dễ hiểu và vận dụng hiệu quả nhất”.
Bộ đội Đặc công là lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt. Vì thế tất cả đều được huấn luyện theo những nội dung, phương pháp đặc biệt, thậm chí là khắc nghiệt. Có như vậy mới đủ sức đáp ứng nhiệm vụ trấn áp, tiêu diệt các đối tượng khủng bố, giải thoát con tin, bảo đảm an toàn mục tiêu. “Kết quả kiểm tra hằng năm của đơn vị 100% các khoa, mục đều đạt yêu cầu, trong đó 80% đạt khá, giỏi. Riêng đối với các nội dung chuyên ngành thì đều đạt giỏi. Những khởi đầu của chiến sĩ đặc công tuy khó khăn, vất vả nhưng đây là bước đệm để anh em tiến tới các nội dung huấn luyện chuyên sâu”, Trung tá Nguyễn Văn Như, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 2012 khẳng định.