Linh thiêng nguồn cội dân tộc

Giỗ Tổ Hùng Vương, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025 được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc, mang hào khí của thời đại Hùng Vương, được kế thừa, tiếp nối trong đời sống đương đại. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trò chuyện với Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy trước ngày chính lễ.

Mùa lễ hội mẫu mực, giàu bản sắc

Xin ông cho biết những điểm mới và các hoạt động chính của Giỗ Tổ Hùng Vương, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025?

- Giỗ Tổ Hùng Vương, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025 do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức nhằm tri ân công đức tổ tiên, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Đây là dịp giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Qua đó tiếp tục phát huy và lan tỏa trong cộng đồng những giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan Phú Thọ.

Năm 2025, Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025 diễn ra từ 29/3 - 7/4/2025 (tức từ 1/3 đến 10/3 Âm lịch) tại Khu di tích lịch sử đền Hùng, Quảng trường Hùng Vương. Trong đó, phần lễ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, thành kính theo truyền thống văn hóa dân tộc với nghi thức dâng hương, dâng hoa gồm: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong”; dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của huyện, TP, thị xã.

Năm nay người dân và du khách thập phương khi về với đất Tổ không chỉ được chứng kiến các hoạt động tưởng nhớ và tri ân các vua Hùng mà còn được trải nghiệm, tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc. Trọng tâm là chương trình khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025 với chủ đề “Âm vang nguồn cội”; chương trình nghệ thuật “Về TP lễ hội” và bắn pháo hoa tầm cao... Các chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức vui tươi, lành mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa cội nguồn, tạo điều kiện cho đồng bào, du khách trải nghiệm và khám phá các di sản văn hóa. Đồng thời góp phần quảng bá đậm nét về lịch sử, văn hóa, con người Đất Tổ với rất nhiều tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch văn hóa đến với đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và du khách quốc tế.

Rước kiệu trong lễ hội đền Hùng 2025. Ảnh: Ngọc Tú

Rước kiệu trong lễ hội đền Hùng 2025. Ảnh: Ngọc Tú

Hẳn là tỉnh Phú Thọ đã dành nhiều tâm sức cho các hoạt động của Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025, thưa ông?

- Ngay từ đầu năm, tỉnh Phú Thọ đã họp, lên kế hoạch chi tiết để chuẩn bị cho lễ hội lớn nhất trong năm trên địa bàn. Ban Tổ chức cũng đã xây dựng các kế hoạch dự trù cho việc lượng khách tăng cao đột biến. Đặc biệt, khu di tích đã được cải tạo, nâng cấp hệ thống cảnh quan khu vực trước đền Giếng với tổng kinh phí khoảng hơn 20 tỷ đồng do TP

Hà Nội hỗ trợ; tập trung sửa chữa, chống trơn, trượt đường lên xuống các đền; sắp xếp, bố trí lại toàn bộ khu vực hàng quán, địa điểm bán hàng dịch vụ, bảo đảm văn minh, lịch sự, mỹ quan; duy tu, sửa chữa hệ thống cấp nước, hệ thống điện, công trình vệ sinh công cộng và trồng, thay thế hoa, cây cảnh quanh khu di tích… Chúng tôi yêu cầu việc tổ chức, sắp xếp, bố trí các địa điểm bán hàng và kinh doanh dịch vụ bảo đảm khoa học, phù hợp điều kiện thực tế; công khai, minh bạch đến người có nhu cầu kinh doanh thật sự. Có thể khẳng định, công tác chuẩn bị của tỉnh Phú Thọ được lên kế hoạch kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn cho du khách hướng tới mùa lễ hội mẫu mực và giàu bản sắc.

Cơ hội vàng để phát triển du lịch

Ông đánh giá thế nào về cơ hội phát triển du lịch của Phú Thọ nhân dịp Giỗ Tổ năm nay?

- Phú Thọ không chỉ là vùng đất cội nguồn của dân tộc mà còn là điểm đến đa sắc màu, hội tụ đầy đủ yếu tố, tài nguyên du lịch quý giá để trở thành trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái - tâm linh. Tỉnh Phú Thọ đánh giá dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025 là cơ hội vàng để đón khách du lịch khi có 22 hoạt động hội đặc sắc, gắn với sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ.

Tỉnh Phú Thọ dự kiến đón 4 triệu lượt khách đến với Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2025 và đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, là một trung tâm văn hóa, lễ hội gắn với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Để làm hoàn thành kế hoạch đề ra, dịp này ngành du lịch Phú Thọ tiếp tục triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP Hồ Chí Minh, tạo thêm nhiều tuyến du lịch liên tỉnh hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch về với Đất Tổ. Bên cạnh các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, sinh thái đã được đưa vào khai thác hiệu quả, thu hút đông du khách điểm nhấn của du lịch Phú Thọ trong dịp Giỗ Tổ năm nay là sự kiện “Sắc màu du lịch Đất Tổ - Phú Thọ năm 2025” với nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch Phú Thọ; thúc đẩy liên kết phát triển du lịch; giữ gìn và phát huy di sản văn hóa...

Đoàn rước trong Lễ hội đền Hùng 2025. Ảnh: Ngọc Tú

Đoàn rước trong Lễ hội đền Hùng 2025. Ảnh: Ngọc Tú

Để có thể đón tiếp 4 triệu lượt du khách tới Phú Thọ trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2025, tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào về cơ sở vật chất cũng như dịch vụ?

- Thời gian qua, ngành du lịch Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây dựng các tour, tuyến du lịch đặc trưng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chất lượng phục vụ. Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, duy trì và phát triển các trang web du lịch, app du lịch, kênh YouTube Đất Tổ, các trang mạng xã hội... thu hút hàng chục triệu lượt truy cập thông tin du lịch Phú Thọ.

Đặc biệt, tỉnh đã đưa vào hoạt động trang web quảng bá du lịch Phú Thọ bằng tiếng Anh, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Hùng Lô, Xuân Sơn, Long Cốc, Bạch Hạc. Nhiều tour, tuyến du lịch được triển khai trong dịp Giỗ Tổ như: tour du lịch “Về miền di sản UNESCO ghi danh”; City Tour Việt Trì: trải nghiệm nghi lễ rước nước Bạch Hạc - đền Hùng - Miếu Lãi Lèn, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên miền Đất Tổ, Hà Nội - đồi chè Long Cốc - Vườn quốc gia Xuân Sơn, Hà Nội - đền Hùng - đền Mẫu Âu Cơ...

Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn tỉnh Phú Thọ có 381 cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó có 50 khách sạn và 331 nhà nghỉ đã được thẩm định đủ điều kiện phục vụ khách du lịch. Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2025, dự kiến lượng khách du lịch về Đất Tổ sẽ tăng cao, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chỉnh trang lại phòng, khuôn viên, bảo đảm an ninh, sẵn sàng đón du khách. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã cam kết không tăng giá, niêm yết công khai bảng giá tại quầy lễ tân và trên trang web.

Đáng chú ý, trong dịp này, một số cơ sở lưu trú, khách sạn, homestay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có chính sách giảm giá dịch vụ ăn, nghỉ 20 - 50% cho du khách. Cùng với đó, khách còn được nhận voucher miễn phí trải nghiệm hát xoan, đâm đuống, hái chè, làm mì gạo Hùng Lô, gói bánh chưng, giã bánh dày...

Giữ gìn bản sắc nguồn cội, phát huy giá trị của các di tích

Phú Thọ được coi là vùng Đất Tổ cội nguồn của dân tộc Việt Nam, trong đó tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được gìn giữ và phát huy như thế nào qua mỗi lễ hội?

- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.

Thực tế, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa phổ biến trong đời sống của đông đảo người dân, trở thành biểu tượng văn hóa, phản ánh tinh thần, ý thức dân tộc và sự kết nối cộng đồng của người Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã in sâu trong tâm thức, trở thành điểm tựa tinh thần bền vững, cố kết cộng đồng dân tộc vững chắc. Đặc biệt, mỗi mùa lễ hội đều góp phần quan trọng hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ngoài tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Phú Thọ có kế hoạch bảo tồn các di tích lịch sử để phát huy giá trị văn hóa truyền thống như thế nào, thưa ông?

- Theo số liệu thống kê của Bộ VHTT&DL, hiện nay trong cả nước có hơn 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự. Ngoài ra, Phú Thọ có 967 di tích, trong đó 316 di tích được Nhà nước xếp hạng (Khu di tích lịch sử đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt), 73 di tích quốc gia, 242 di tích cấp tỉnh, 30 di tích liên quan đến hát Xoan.

Không chỉ Phú Thọ, các di tích và địa điểm thờ tự vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng chính là sự khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống tinh thần của cộng đồng, tạo nên không gian văn hóa Hùng Vương đặc sắc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, lan tỏa mạnh mẽ vượt qua biên giới quốc gia, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang trở thành điểm tựa tâm linh, giá trị văn hóa truyền thống, sợi dây kết nối bền chặt để cả nước cùng hướng về đền Hùng.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Phú Thọ hiện đang bảo tồn, phát huy giá trị 1.372 di tích lịch sử gồm 161 di tích khảo cổ học, 262 chùa, còn lại là di tích kiến trúc nghệ thuật hoặc dấu vết kiến trúc và các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Trong đó, ngoài tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn 2 di sản văn hóa phi vật thể khác được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại là: hát ca trù (Phú Thọ là một trong 14 tỉnh được ghi danh năm 2009) và hát Xoan Phú Thọ được công nhận tháng 11/2011 là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Những năm qua, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm cho công tác bảo tồn các di tích lịch sử. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân nơi có di tích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Tú -

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/linh-thieng-nguon-coi-dan-toc.661387.html
Zalo