Mỹ áp thuế 25% lên thép, nhôm nhập khẩu: Doanh nghiệp Việt đối mặt những thách thức gì?
Từ ngày 4/3, chính quyền Mỹ sẽ chính thức áp mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu. Đây là động thái nhằm bảo hộ ngành công nghiệp nội địa nhưng cũng gây ra những tác động không nhỏ đến thương mại toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia xuất khẩu thép vào Mỹ như Việt Nam.
![Mỹ áp 25% thuế thép, nhôm nhập khẩu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_618_51453933/3e965ec3688d81d3d89c.jpg)
Mỹ áp 25% thuế thép, nhôm nhập khẩu
Doanh nghiệp thép Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?
Trao đổi với phóng viên chuyên trang Thị trường tài chính, Báo Kinh tế & Đô thị, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định, chính sách này áp dụng với nhiều quốc gia khác nhằm ngăn chặn việc thép nước ngoài lách luật bằng cách xuất khẩu thông qua bên thứ ba.
Chính quyền Mỹ kỳ vọng rằng mức thuế cao này sẽ giúp ngành thép nội địa có sức cạnh tranh tốt hơn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Việc bảo hộ ngành sản xuất nội địa có thể tạo thêm việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Bảo Ngọc, chính sách này cũng sẽ tạo ra những phản ứng phụ đối với nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là nguy cơ lạm phát. Khi giá thép nhập khẩu bị đội lên, chi phí sản xuất trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, ô tô và hàng tiêu dùng cũng sẽ tăng theo. Điều này có thể khiến giá cả thị trường leo thang, tác động đến túi tiền của người tiêu dùng Mỹ.
Không chỉ gây ảnh hưởng trong nước, quyết định của Mỹ còn khiến thương mại toàn cầu bị xáo trộn. Các quốc gia xuất khẩu thép hàng đầu vào Mỹ như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Việt Nam đều sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì thị phần.
Ông Đỗ Bảo Ngọc nhận định: "Khi bị áp thuế cao, tính cạnh tranh của sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ sẽ giảm sút, khiến doanh thu xuất khẩu sụt giảm đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp”.
Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 5 trong danh sách các nước xuất khẩu thép vào Mỹ, với hơn 1 triệu tấn thép xuất khẩu trong năm vừa qua. Việc Mỹ áp thuế 25% khiến doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Theo phân tích của chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc, mức thuế cao sẽ đẩy giá thép xuất khẩu của Việt Nam lên, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường Mỹ. "Nếu trước đây, chênh lệch giá giữa thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu không quá lớn, thì với mức thuế mới, giá thép nhập khẩu sẽ cao hơn đáng kể. Điều này dẫn đến việc thép Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với thép nội địa Mỹ, khiến sản lượng tiêu thụ giảm sút”, ông Ngọc cho biết.
Bên cạnh đó, việc giảm xuất khẩu sang Mỹ cũng đồng nghĩa với việc kim ngạch thương mại giữa hai nước bị ảnh hưởng. Việt Nam vốn là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, do đó việc giảm xuất khẩu thép có thể ảnh hưởng đến cán cân thương mại song phương. Ngoài ra, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng khi sản lượng tiêu thụ giảm, biên lợi nhuận thu hẹp.
Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để thích ứng?
Trước những thách thức này, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra các chiến lược phù hợp để thích ứng. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là tối ưu hóa chi phí sản xuất.
![Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_618_51453933/29c95c9c6ad2838cdac3.jpg)
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam
"Doanh nghiệp cần tìm cách giảm chi phí sản xuất để duy trì biên lợi nhuận, có thể thông qua việc nâng cao hiệu suất lao động, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên vật liệu”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng là một hướng đi cần thiết. Thay vì tập trung quá nhiều vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp thép Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội tại các thị trường khác như châu Âu, Nhật Bản hoặc ASEAN. Việc mở rộng thị trường sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, hạn chế rủi ro khi chính sách thương mại thay đổi.
Ở cấp độ quốc gia, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, Chính phủ có thể hỗ trợ ngành thép, nhôm bằng các biện pháp như ưu đãi lãi suất, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng hoặc đề xuất các chính sách đối trọng với Mỹ để giảm bớt tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới.