Linh hoạt chương trình - sách giáo khoa mới
Chương trình Giáo dục phổ thông mới chính thức được thực hiện từ năm 2020. Theo đó, đến nay chương trình đã triển khai tới lớp ba ở Tiểu học, lớp 6,7 ở cấp THCS, lớp 10 ở THPT… Đến năm 2025 sẽ phủ kín các cấp học. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là thiếu giáo viên và thiết bị giáo dục...
Những điểm mới CT-SGK lớp 4, 8, 11
Mới đây, Bộ GD&ĐT thông tin về những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và yêu cầu trong tổ chức thực hiện. Theo lộ trình, năm học 2023 - 2024, chương trình mới sẽ được triển khai ở lớp 4, 8 và 11.
Một trong những điểm mới của chương trình là nội dung giáo dục. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 14 nội dung giáo dục và 24 môn học và hoạt động giáo dục. Nội dung giáo dục và môn học mới so với chương trình cũ là: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục địa phương.
Về nội dung và thời lượng giáo dục, ở cấp Tiểu học, chương trình mới có 10 môn học bắt buộc. Thời lượng giáo dục 35 tuần/1 năm học và 25-30 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 35 phút.
Ở cấp THCS có 10 môn học bắt buộc. Thời lượng giáo dục 35 tuần/1 năm học và 29-29,5 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 45 phút.
Ở cấp THPT có 6 môn học bắt buộc. Thời lượng giáo dục là 35 tuần/1 năm học và 28,5 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 45 phút.
Trong khi đó, theo chương trình cũ, ở cấp Tiểu học có 11 môn học bắt buộc. Thời lượng giáo dục tối thiểu 35 tuần/1 năm học và 23 - 26 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 35 phút.
Ở cấp THCS có 13 môn học bắt buộc. Thời lượng giáo dục là 35 tuần/1 năm học và 27-29 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 45 phút.
Và cấp THPT có 13 môn học bắt buộc. Thời lượng giáo dục là 35 tuần/1 năm học và 29,5 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 45 phút.
Thay vì tất cả các trường, lớp đều thực hiện kế hoạch giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành ở chương trình cũ thì theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương và nhà trường được trao quyền chủ động và trách nhiệm trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường.
Trong khi nội dung SGK ở chương trình cũ được coi là nguồn kiến thức, là căn cứ duy nhất để dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi; cả chương trình GDPT chỉ có một bộ SGK duy nhất thì ở chương trình mới, nội dung SGK đóng vai trò là học liệu (không phải là nguồn kiến thức duy nhất) để tổ chức hoạt động dạy học; dạy học theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình; mỗi môn học có nhiều SGK.
Bộ GD&ĐT khẳng định, một chương trình, nhiều SGK là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển năng lực.
Theo Bộ GD&ĐT, điều kiện kinh tế - xã hội của 63 tỉnh, thành có điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ở mỗi vùng, miền, địa phương cũng khác nhau. Vì vậy, việc triển khai chương trình cần phải bảo đảm sự phù hợp với địa phương, nhà trường.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, mục tiêu và yêu cầu về các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những điểm cần phải đạt được ngay khi bắt đầu triển khai nhưng cũng có những điểm đặt ra để phấn đấu từng bước đáp ứng theo quan điểm phát triển chương trình.
Vì vậy, việc tổ chức thực hiện cần phải được thực hiện đúng hướng, từng bước, làm đến đâu chắc đến đó để bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc chuyển đổi phương thức thi, kiểm tra đánh giá năng lực nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục theo đúng định hướng đề ra; giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận, chia sẻ của xã hội khi thực hiện chương trình.
Thiếu giáo viên dạy chương trình mới
Hiện nay những câu hỏi đang đã đặt ra với Bộ GD&ĐT, trong đó tập trung vào giải pháp đào tạo, bố trí giáo viên dạy các môn học tích hợp, môn học mới trong chương trình, việc thiếu giáo viên…
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương và nhà trường được trao quyền chủ động và trách nhiệm trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường.
Tại tỉnh Bắc Kạn, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn gặp không ít khó khăn. Đội ngũ giáo viên hiện còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu theo từng môn học, cấp học, vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Đặc biệt là cấp tiểu học thiếu giáo viên dạy môn Tin học, Tiếng Anh đối với lớp 3. Bên cạnh đó, còn thiếu giáo viên ở một số môn học khác do chưa tuyển dụng đủ số lượng nên nhiều giáo viên vẫn phải dạy vượt định mức và phải sử dụng thêm đội ngũ giáo viên hợp đồng.
Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết UBND tỉnh rất quan tâm và đầu tư lộ trình đến năm 2025 để phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, tỉnh đang gặp tình trạng thiếu giáo viên. Hiện nay tỉnh còn thiếu 787 giáo viên. Từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện ở lớp 3 với 2 môn bắt buộc là tin học, ngoại ngữ. Tuy nhiên, tỉnh còn thiếu 258 giáo viên của 2 môn này. Sở cũng chỉ đạo các trường gỡ khó bằng nhiều giải pháp như thỉnh giảng, tăng giờ, thậm chí cử giáo viên cấp 3 xuống dạy tiểu học để đảm bảo 100% học sinh được học bộ môn trên. Tương tự, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết sở gặp khó trong việc tuyển dụng giáo viên thực hiện chương trình mới vì không có nguồn tuyển.
Tại tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết dù đã thực hiện tuyển dụng nhưng Sở còn thiếu 2.000 giáo viên.
Tại TP.HCM, dù đã triển khai dạy học ngoại ngữ theo mô hình tự chọn từ năm 1995 nhưng vẫn gặp khó khăn do thiếu giáo viên khi triển khai dạy ngoại ngữ bắt buộc. Đến nay, Sở còn thiếu 170 giáo viên tin học, ngoại ngữ. Nhiều giải pháp như thỉnh giảng, tăng giờ dạy được áp dụng để đảm bảo học sinh được học.
Cùng với đó, các sở đều vướng trong khâu in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương. Vì vậy, hiện nay nhiều địa phương vẫn chưa thể triển khai dạy nội dung này trong học kỳ 1. Nhiều nơi đang cho học sinh học qua file PDF.
Một vấn đề nữa là câu chuyện dạy tích hợp ở cấp THCS. Hiện chương trình đã thực hiện ở lớp 6 và lớp 7 nhưng những ý kiến trái chiều về môn học này vẫn chưa dừng lại. Bởi lẽ, về cơ bản, các phân môn vẫn đang đứng độc lập với nhau, môn Lịch sử và Địa lí cấp Trung học cơ sở chỉ được thiết kế 4 chủ đề chung. Vì thế, việc phân bổ số tiết, phân công người dạy đang là áp lực cho nhiều trường học hiện nay.
Thực tế, tại các trường THCS, một môn học nhưng có tới 2-3 giáo viên cùng dạy. Thế nhưng, khi hết lớp 9, xong giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh lên lớp 10, giai đoạn giáo dục nghề nghiệp và chọn tổ hợp thì các em lại học quay trở lại 5 môn độc lập (Lịch sử, Địa lí, Hóa học, Sinh học, Vật lí - vốn đã được tích hợp thành hai môn ở THCS) như trước đây. Những em sẽ thi vào các trường chuyên sẽ gặp muôn vàn khó khăn vì các em học “tích hợp” nhưng phải thi môn chuyên để vào các trường THPT chuyên thì lại phải tách ra riêng lẻ… Vì vậy, không ít thầy cô cho rằng, các môn học tích hợp vẫn là ghép các môn lại thành một môn. Và giáo viên môn nào vẫn dạy từng phần theo chủ đề môn đó. Khi mà trước nay thầy cô vẫn là những giáo viên bộ môn chuyên biệt. Do đó, câu chuyện một môn ba thầy vẫn là giải pháp tình thế hiện nay…
Cần bổ trợ kiến thức “đứt gãy” cho học sinh khi thực hiện chương trình mới
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát “việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” được dư luận xã hội, nhân dân rất quan tâm. Mục tiêu của Đoàn giám sát là chỉ ra được những mặt tốt đã làm được nhằm tiếp tục phát huy, đồng thời nhìn nhận rõ những tồn tại, vướng mắc để kịp thời khắc phục, tháo gỡ, qua đó góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm yêu cầu thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo đó, một số thành viên Đoàn giám sát đã đặt câu hỏi với Bộ GD&ĐT, trong đó tập trung vào giải pháp đào tạo, bố trí giáo viên dạy các môn học tích hợp, môn học mới trong chương trình; giải pháp nhằm giúp học sinh bổ trợ kiến thức khi tiếp cận chương trình mới. Đồng thời giúp các giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm khắc phục tình trạng “đứt gãy” kiến thức của học sinh giữa nội dung chương trình cũ ở cấp học dưới và chương trình mới ở cấp học trên.