Ngành sư phạm khoa học tự nhiên trước yêu cầu mới

Đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ năm 2019, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế (ĐHH) đã mở một số ngành đào tạo mới, trong đó có ngành sư phạm khoa học tự nhiên (KHTN) nhằm đáp ứng nguồn nhân lực giáo viên chất lượng phục vụ dạy học theo chương trình mới này.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm say mê nghiên cứu khoa học

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm say mê nghiên cứu khoa học

Thầy Nguyễn Văn Tám, giáo viên bộ môn KHTN Trường TH - THCS Điền Hòa (TX. Phong Điền) cho rằng, giáo viên dạy học môn KHTN đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ ở bậc tiểu học và THCS. Bộ môn này giúp học sinh tiếp cận kiến thức và kỹ năng mới, giúp các em phát triển tư duy và khả năng giải quyết vấn đề về khoa học, quy luật vận động của thế giới tự nhiên; giúp học sinh phát triển các phẩm chất như sự tự tin, độc lập, trung thực, tôn trọng và chịu trách nhiệm đối với môn học cũng như cuộc sống của các em.

Giáo viên môn KHTN cũng như các giáo viên bộ môn khác giúp học sinh phát triển các kỹ năng xã hội, giúp các em hòa nhập với xã hội và trở thành những công dân có ích, trở thành người bạn đồng hành với các bạn trẻ cùng trang lứa vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và học tập. Giáo viên bộ môn này còn có thể trở thành người giúp cho học sinh định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng và sở thích của mình gắn với các môn học liên quan đến các lĩnh vực khoa học.

TS. Lê Hồ Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, ĐHH đánh giá, ngành sư phạm KHTN trong bối cảnh hiện nay có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tích hợp kiến thức liên môn, thay vì dạy riêng lẻ từng môn học như trước đây. Ngành mới này góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo thế hệ trẻ có tư duy khoa học và kỹ năng giải quyết vấn đề, đặc biệt gắn kết lý thuyết với thực tiễn, tạo ra những bài giảng gần gũi với đời sống, giúp học sinh áp dụng kiến thức học đường vào thực tế. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong giáo dục, các phương pháp giảng dạy tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia.

Ưu việt của ngành sư phạm KHTN tại Trường Đại học Sư phạm, ĐHH là đối với sinh viên ngành này, nhà trường xây dựng chương trình đào tạo theo hướng liên thông ngang. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể học thêm các chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức vật lý, hóa học, sinh học để có thể đảm nhận giảng dạy tại trường THPT đối với các bộ môn liên quan như vật lý, hóa học, sinh học. Sinh viên cũng có thể đăng ký học chương trình đào tạo thứ hai các ngành sư phạm sinh học, vật lý, hóa học từ năm thứ hai trở đi nếu đủ các điều kiện theo quy định và cũng có thể đăng ký học văn bằng đại học thứ hai các ngành sư phạm này sau khi tốt nghiệp.

Theo thầy Lê Hồ Sơn, ngành sư phạm KHTN còn đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ, không chỉ cung cấp kiến thức khoa học mà còn truyền cảm hứng và kỹ năng học tập suốt đời. Nắm bắt xu thế và yêu cầu giáo dục phổ thông mới, từ năm 2019, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã mở một số ngành đào tạo mới, đáp ứng nguồn nhân lực giáo viên phục vụ dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó có ngành sư phạm KHTN. Đến năm 2021, khóa sinh viên ngành sư phạm KHTN đầu tiên trúng tuyển nhập học và sẽ tốt nghiệp vào tháng 6/2025.

Nói về mục tiêu đào tạo ngành sư phạm KHTN, thầy Lê Hồ Sơn cho rằng, đây là xu thế tất yếu nhằm đào tạo giáo viên có kiến thức khoa học cơ bản về KHTN gồm vật lý, hóa học, sinh học. Ngành đào tạo này hướng đến kiến thức lý luận dạy học về KHTN và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, làm nền tảng căn bản cho việc dạy học môn KHTN ở cấp THCS theo định hướng phát triển năng lực người học, phát triển năng lực dạy học và giáo dục học sinh thông qua môn học.

Việc mở ngành đào tạo mới này còn tạo ra đội ngũ giáo viên có năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, hướng đến giáo dục học sinh phát triển tư duy khoa học, khả năng giải quyết vấn đề và tinh thần khám phá KHTN. Yêu cầu đặt ra với ngành đào tạo này là người học đạt được những kiến thức nền tảng vững chắc về các môn KHTN, thành thạo phương pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp lý thuyết và thực hành. Người học sau khi tốt nghiệp sẽ sử dụng được công nghệ thông tin và các thiết bị dạy học hiện đại trong giảng dạy môn KHTN.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/nganh-su-pham-khoa-hoc-tu-nhien-truoc-yeu-cau-moi-149754.html
Zalo