Lính cứu hỏa miêu tả thảm kịch Jeju Air: 'Thật sự không thể chịu đựng nổi'

Trong bầu trời đêm u tối tại sân bay quốc tế Muan, tỉnh Nam Jeolla (Hàn Quốc) một lính cứu hỏa tên A (tên thật không được tiết lộ) cúi đầu và bày tỏ sự đau buồn tột độ. Anh đã làm việc không ngừng nghỉ để tìm kiếm nạn nhân trong thảm kịch chuyến bay 2216 của hãng hàng không Jeju Air.

Lính cứu hỏa Hàn Quốc có mặt tại hiện trường vụ tai nạn máy bay khiến 179 người chết. Ảnh: Yonhap.

Theo tờ Korea Times, gương mặt A biến sắc khi nhớ về một thảm họa cách đây một thập kỷ. Vào tháng 4/2014, anh từng tham gia cứu hộ trong vụ chìm phà Sewol – thảm kịch khiến 304 người thiệt mạng, bao gồm nhiều học sinh trung học.

Dù đã có nhiều năm kinh nghiệm đối mặt với thảm kịch, người lính cứu hỏa kỳ cựu vẫn không thể kìm nén nỗi đau tinh thần khi đối diện với hiện trường kinh hoàng lần này. “Thật sự không thể chịu đựng nổi,” anh nói khi cúi đầu trước các phóng viên và người thân nạn nhân.

Hiện trường đau thương ngoài sức tưởng tượng

Những lính cứu hỏa chia sẻ với phóng viên tờ Hankook Ilbo (Hàn Quốc) vào ngày 29 và 30/12, rằng hiện trường vụ tai nạn là vô cùng thảm khốc. Cú va chạm mạnh và ngọn lửa bùng lên sau đó khiến thi thể các nạn nhân bị hủy hoại nghiêm trọng.

“Không thể miêu tả nó theo cách nào khác ngoài việc gọi đó là thảm họa khủng khiếp”, A nói. “Chúng tôi không thể nhận diện nạn nhân qua gương mặt hay thậm chí qua vị trí tử vong của họ. Chúng tôi phải sử dụng danh sách hành khách đối chiếu các dấu vân tay còn sót lại”.

Anh cũng cho biết, việc lấy mẫu ADN là cần thiết đối với nhiều nạn nhân vì thi thể gần như không thể nhận dạng.

Chiếc máy bay Boeing 737-800 đã cố gắng hạ cánh khẩn cấp khi hệ thống càng đáp không hoạt động.Máy bay trượt nhanh và lao vào một công trình ở cuối đường băng, bốc cháy dữ dội. Cú va chạm và ngọn lửa đã thiêu rụi máy bay, chỉ còn phần đuôi là tương đối nguyên vẹn. Tất cả ghế ngồi đều bị cháy rụi. Chỉ hai người sống sót trong số 181 người trên máy bay.

Ông Lee Jin-cheol, người đứng đầu Cục Hàng không khu vực Busan, cho biết trong buổi họp báo lúc 3 giờ sáng ngày 30/12: “Hầu như không có thi thể nào nguyên vẹn. Thiệt hại quá nghiêm trọng khiến việc nhận dạng trở nên vô cùng khó khăn”.

Theo Yonhap, tính đến ngày 30/12, nhà chức trách Hàn Quốc mới thông báo nhận dạng 141/179 người thiệt mạng.

Nỗ lực không ngừng

Lính cứu hỏa Hàn Quốc mô tả hiện trường thảm kịch máy bay là “không thể chịu đựng nổi”. Ảnh: Yonhap.

Hơn 500 lính cứu hỏa từ các trạm lân cận đã được huy động tới hiện trường, có mặt lúc khoảng 9:30 sáng kể từ ngày 29/12. Hầu hết làm việc liên tục hơn 10 giờ, tìm kiếm thi thể và thu thập mảnh vỡ. “Chúng tôi không thể nghỉ ngơi hay thậm chí kịp ăn uống tử tế”, A chia sẻ. “Hiện trường quá thảm khốc không cho phép điều đó”.

Một lính cứu hỏa khác, tên B (tên thật không được công bố), nghẹn ngào kể lại: “Xác máy bay và những vật dụng cá nhân cháy đen, rối tung vào nhau, tạo nên một cảnh tượng bi thảm không tưởng”.

Nỗi đau còn nặng nề hơn khi nhiều lính cứu hỏa quen biết nạn nhân. “Nhiều hành khách là các gia đình địa phương đi tour theo nhóm”, B nói. “Phần lớn lính cứu hỏa ở đây đến từ các thành phố gần đó như Mokpo. Một số mất đi hàng xóm hoặc người quen, nhưng họ đang nén đau thương để hoàn thành nhiệm vụ”.

Khi cả nước Hàn Quốc đang đối mặt với hậu quả của thảm kịch, những hi sinh và tổn thương tinh thần của các thành viên lực lượng cứu hộ một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của việc thay đổi hệ thống để ngăn chặn các thảm họa tương tự. Với những người lính cứu hỏa kỳ cựu như A, ký ức ám ảnh từ những thảm kịch quá khứ và hiện tại vẫn đè nặng, nhưng họ vẫn đang tiếp tục công việc với sự kiên cường thầm lặng, tờ Korea Times viết.

Nhật Minh - Korea Times

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doi-song-24h/linh-cuu-hoa-mieu-ta-tham-kich-jeju-air-that-su-khong-the-chiu-dung-noi-233556.html
Zalo