Liệu nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đã thực sự đạt đỉnh? Bài cuối: Cái kết không bất ngờ
Tiêu thụ dầu đang tăng trên khắp châu Phi và Trung Đông, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong mức tăng trưởng tuyệt đối của Trung Quốc.
Theo bài phân tích đăng trên tờ Australia Financial Review (AFR), công ty dầu khí Saudi Aramco cho biết thông tin công khai về mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc cần có sự kiểm chứng. Vì quốc gia này không chính thức báo cáo số liệu thống kê về mức tiêu thụ dầu, các nhà phân tích ước tính từ nhiều nguồn, bao gồm dữ liệu xuất nhập khẩu, thay đổi trong kho dự trữ và dòng chảy ra từ các nhà máy lọc dầu. Có nhiều ước tính khác nhau, với mức chênh lệch lên tới 1 triệu thùng một ngày, ngay cả đối với dữ liệu lịch sử. Ông Ziad al-Murshed, Giám đốc tài chính của công ty dầu mỏ Saudi Aramco đã nói với các nhà phân tích vào cuối năm 2024 rằng việc điều chỉnh tăng đáng kể dữ liệu dầu mỏ năm 2023 "khiến tăng trưởng năm 2024 trông thấp hơn thực tế và điều đó làm méo mó bức tranh".
Tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các nhà phân tích thừa nhận rằng việc đánh giá mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc là "khá thách thức". Nhà phân tích thị trường dầu của IEA, Ciarán Healy, cho biết đây là giai đoạn rất sôi động đối với nhu cầu của Trung Quốc giữa thời gian phong tỏa do dịch COVID-19 và thời gian trở lại sau thời gian phong tỏa và theo đuổi tăng trưởng cao. Tuy nhiên, IEA vẫn tiếp tục dự báo Trung Quốc sẽ đạt đỉnh về tiêu thụ dầu mỏ vào cuối thập kỷ này.
Chuyên gia Healy cho biết điều này dựa trên hai xu hướng cấu trúc lớn và đối lập. Đầu tiên là sự gia tăng mạnh mẽ về lượng dầu thô chảy vào ngành công nghiệp hóa dầu đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Thứ hai là sự sụt giảm mạnh hơn về lượng dầu cần thiết cho vận tải đường bộ. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, sự tăng trưởng (việc sử dụng dầu) diễn ra khá rộng rãi; hóa dầu, vận tải đường bộ, nhiên liệu phản lực, mọi thứ đều tăng trưởng. Kể từ năm 2019, sản xuất hóa dầu đã trở thành một yếu tố lớn hơn. Trên cơ sở ròng, tất cả sự tăng trưởng trong tiêu thụ dầu trên toàn cầu từ năm 2019 đến năm 2023 thực sự là sự tăng trưởng của hóa dầu ở Trung Quốc.
Trung Quốc đã liên tục xây dựng thêm nhiều nhà máy hóa dầu để có thể tự cung tự cấp nhựa, dung môi và sợi mà các nhà máy của nước này phụ thuộc. Lượng polymer nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn thực sự lớn, ám chỉ đến nhóm hóa chất bao gồm nylon, polyester, polyethylene và Teflon, cùng nhiều loại khác. Thống kê bất ngờ là lượng polyme nhập khẩu của (quốc gia) chiếm khoảng 2-3% nhu cầu dầu mỏ của thế giới.
Đồng tình với nhận xét của người đứng đầu của Saudi Aramco, Amin Nasser, chuyên gia Healy của IEA cho biết khoảng 25% nhu cầu hóa dầu tăng của Trung Quốc trong 5 năm qua đến từ các tua-bin gió và tấm pin Mặt Trời, và cho biết "về cơ bản, tất cả" sự gia tăng trong nhu cầu sử dụng dầu của Trung Quốc trong tương lai sẽ đến từ lĩnh vực hóa dầu. Nhưng IEA tin rằng sự sụt giảm trong việc sử dụng dầu cho vận tải đường bộ sẽ đáng kể hơn. Đến năm 2030, 75% số ô tô được bán sẽ là xe điện, và sự tăng trưởng về nhu cầu hóa dầu vẫn chưa đủ mạnh để bù đắp cho sự sụt giảm trong vận tải đường bộ.
Trong kịch bản cơ bản bao gồm tất cả các chính sách hiện đang áp dụng, chuyên gia Healy cho biết IEA tin rằng mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ giảm từ 16-17 triệu thùng/ngày hiện nay xuống còn khoảng 12 triệu thùng/ngày vào năm 2050. Sự bùng nổ của xe điện tại Trung Quốc, được hỗ trợ bởi các ưu đãi của chính phủ để đổi xe cũ lấy xe mới, không có dấu hiệu chậm lại. Thị trường xe hybrid chạy hoàn toàn bằng pin và cắm điện đang tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm, so với mức giảm tương tự của xe chạy bằng xăng và dầu diesel.
Nhưng một số người đặt câu hỏi liệu nhà nước Trung Quốc có "ngồi yên" và để tiêu thụ dầu đạt đỉnh hay không. Trong khi cuộc cách mạng về xe điện vừa "mạnh mẽ" vừa "đột phát". Chuyên gia Victor Gao, Chủ tịch Viện An ninh Năng lượng Trung Quốc, cho biết chính phủ sẽ đánh giá tác động tiềm tàng đối với ngành lọc dầu khổng lồ do nhà nước sở hữu. Chuyên gia Victor Gao cho rằng các nhà máy lọc dầu nhà nước của đất nước khó có thể đột nhiên bị tước quyền kinh doanh, nhưng có lẽ sẽ phải có sự thay đổi về chiến lược. Năng lực lọc dầu của Trung Quốc rất lớn.
Cho đến nay, Trung Quốc đã lọc dầu để sử dụng trong nước, không xuất khẩu các sản phẩm tinh chế. Nhưng nếu Trung Quốc thành công trong cuộc cách mạng xe điện này, họ có thể quyết định lọc dầu thô thành các sản phẩm khác nhau để xuất khẩu. Điều đó có nghĩa là mức tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc có thể không nhất thiết phải giảm, mà có thể giữ nguyên.
Chuyên gia Gao lưu ý rằng hiện nay Trung Quốc cũng dễ dàng hơn nhiều trong việc sắp xếp nguồn cung cấp dầu thô, đồng thời chỉ ra mối quan hệ năng lượng ngày càng sâu sắc với Nga - quốc gia vốn là nguồn cung cấp dầu và khí đốt giá rẻ đáng tin cậy kể từ khi các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột tại Ukraine. Điều này đang thay đổi tâm lý của Trung Quốc. Mọi thứ có thể thuận lợi hơn nhiều, nếu quản lý được các rủi ro địa chính trị, để mở rộng hợp tác với Nga. Năm 2023, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc. Nếu nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc thực sự đã đạt đến đỉnh điểm thì sự đồng thuận là tăng trưởng của Ấn Độ sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
Trong khi nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ vẫn còn kém xa so với Trung Quốc, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tin rằng nhu cầu sử dụng dầu của nước này sẽ tăng 1,5 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 75% nhu cầu bổ sung của Trung Quốc, trong giai đoạn 2023-2029, trong khi IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ sẽ tăng 1,2 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2030. Mặc dù Ấn Độ có ngành sản xuất, xây dựng và hóa dầu nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng doanh số bán ô tô chạy bằng dầu diesel và xăng vẫn chưa bị thay thế đáng kể bởi xe điện.
Theo JMK Research, một cơ quan nghiên cứu năng lượng tái tạo, chỉ có chưa đến 100.000 ô tô điện được bán ra tại Ấn Độ vào năm 2024, chiếm khoảng 5% thị trường xe điện vốn đang dẫn đầu là xe máy và xe đạp điện. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nhu cầu tăng ở những thị trường mới nổi sẽ không thể sánh bằng nhu cầu ở Trung Quốc trong những thập kỷ qua. Mặc dù có khả năng tăng trưởng đáng kể ở những nơi khác ở Đông Nam Á, IEA cho biết hiệu suất của các nền kinh tế này sẽ bị ảnh hưởng nếu tình trạng kinh tế chững lại của Trung Quốc tiếp tục.
Tiêu thụ dầu đang tăng trên khắp châu Phi và Trung Đông, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong mức tăng trưởng tuyệt đối của Trung Quốc. IEA cho biết mức tiêu thụ dầu của châu Mỹ Latinh về cơ bản là không đổi.
Tóm lại, các nhà phân tích cho biết sự kết thúc của cơn sốt dầu mỏ ở Trung Quốc sẽ là một sự thay đổi lớn và khó có thể đảo ngược được. Chuyên gia Martijn Rats của ngân hàng Morgan Stanley cho biết có thể nói rằng các quốc gia khác có thể bù đắp được tình hình, và nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ vẫn đang tăng lên. Một số người có thể không đồng tình về thời điểm chính xác mà nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đạt đỉnh, nhưng chuyên gia Healy của IEA cho biết nhu cầu dài hạn chỉ đi theo một hướng và các nhà sản xuất và những nước xuất khẩu dầu cần phải chuẩn bị. Họ vẫn có thể có lợi nhuận khi khai thác dầu và khí đốt từ lòng đất và bán chúng, nhưng điều này sẽ làm giảm đáng kể tổng thu nhập. Theo chuyên gia Healy, mức độ phụ thuộc của các quốc gia đó vào xuất khẩu dầu và khí đốt sẽ có tác động rất lớn.