Liệu Hàn Quốc có hụt hơi trong cuộc chiến giành giật 'chất xám' ngành bán dẫn?

Vị thế dẫn đầu của Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn đang bị đe dọa khi các cường quốc khác đẩy mạnh việc lôi kéo những kỹ sư giỏi của nước này và giành giật nhân tài của ngành với Hàn Quốc trên khắp thế giới.

Các cường quốc thu hút nhân tài Hàn Quốc

Các cường quốc lớn đang đẩy mạnh cạnh tranh để giành quyền thống trị về bán dẫn, một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của thế kỷ 21. Trung Quốc hiện đã đầu tư mạnh vào sản xuất chip tiên tiến để thúc đẩy tham vọng địa kinh tế và địa chính trị rộng lớn hơn của mình. Mỹ và Nhật Bản cũng nỗ lực giành lại vị trí thống trị mà họ đã nắm giữ vào những năm 1980 trước khi mất vị thế vào tay Hàn Quốc và Đài Loan (TQ). Khi các quốc gia theo đuổi nhiều chiến lược khác nhau để khẳng định ảnh hưởng trong ngành công nghiệp bán dẫn, kết quả của cuộc đua sẽ được quyết định bởi việc nước nào giành được lực lượng lao động lành nghề cần thiết cho lĩnh vực này.

Hàn Quốc đang là cường quốc dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn. Ảnh: SCMP.

Hàn Quốc đang là cường quốc dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn. Ảnh: SCMP.

Tình trạng thiếu hụt nhân lực đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc xác định sự thành công của các chiến lược quốc gia trong ngành sản xuất chất bán dẫn. Ví dụ, mục tiêu thống trị lĩnh vực bán dẫn của Mỹ sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách họ giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực, với nhu cầu dự kiến sẽ đạt 146.000 người vào năm 2029, trong khi chỉ có 1.500 kỹ sư bán dẫn gia nhập ngành này tại Mỹ mỗi năm.

Sự thiếu hụt lao động lành nghề đã tạo ra một cuộc chiến giành nhân tài chip toàn cầu, khi các nước đều tích cực thu hút các kỹ sư giàu kinh nghiệm từ nước khác để lãnh đạo những dự án sản xuất hiện tại và thu hút nhân tài mới để hỗ trợ các kế hoạch trong tương lai. Trong cuộc cạnh tranh này, nhân tài Hàn Quốc đang trở thành lực lượng được săn đón nhất.

Các kỹ sư bán dẫn Hàn Quốc đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập vị thế của đất nước như một quốc gia dẫn đầu của ngành này, đặc biệt là trong các lĩnh vực như Bộ nhớ băng thông cao (HBM) - một thành phần quan trọng của các đơn vị xử lý đồ họa cho các hệ thống AI tạo sinh như ChatGPT - và sản xuất thiết bị bán dẫn (semiconductor foundry), vốn đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh công nghệ quan trọng nhất trong kỷ nguyên hậu COVID. Và, khi nhu cầu “chất xám” của ngành bán dẫn toàn cầu trở nên gay gắt, sự cạnh tranh giành nhân tài Hàn Quốc cũng gia tăng mạnh mẽ giữa các cường quốc.

Các kỹ sư vào ca làm việc tại một nhà máy sản xuất bán dẫn của Samsung. Những nhân tài trong ngành này của Hàn Quốc đang được săn đón tại Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Ảnh: KED Global.

Các kỹ sư vào ca làm việc tại một nhà máy sản xuất bán dẫn của Samsung. Những nhân tài trong ngành này của Hàn Quốc đang được săn đón tại Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Ảnh: KED Global.

Cuộc đua này bắt đầu với sáng kiến đầy tham vọng “Made in China 2025” của Trung Quốc nhằm đạt được khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất chất bán dẫn. Nhận ra rằng trình độ chuyên môn của các kỹ sư Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách trong sản xuất chip tiên tiến với các đối thủ ở Hàn Quốc, Mỹ và Đài Loan (TQ) - những công ty Trung Quốc đưa ra mức lương cực kỳ hấp dẫn để thu hút các chuyên gia lành nghề này. Do đó, một số lượng không nhỏ kỹ sư Hàn Quốc gần đây đã chuyển đến làm việc cho các công ty bán dẫn Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại ở Seoul về nguy cơ rò rỉ công nghệ cốt lõi.

Tuy nhiên, những lo ngại lớn hơn liên quan đến Mỹ, một đối tác quan trọng của Hàn Quốc. Washington đã công bố kế hoạch giành lại thị phần sản xuất chip của mình và đang đưa ra những ưu đãi đáng kể cho các công ty Mỹ để đạt được mục tiêu này. Chẳng hạn, Micron Technology, công ty công nghệ hơn 40 năm tuổi của Mỹ vốn đang tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh Hàn Quốc là Samsung và SK Hynix trong lĩnh vực sản xuất chip nhớ, đã nhận được khoản tài trợ đáng kể theo “Đạo luật CHIPS và Khoa học” để vượt qua các đối thủ của mình.

Nhằm trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực bộ nhớ, Micron gần đây đã thuê một số kỹ sư chủ chốt từ cả hai công ty Hàn Quốc kể trên. Và, việc tập đoàn này giành được hợp đồng cung cấp Bộ nhớ băng thông cao cho NVIDIA ngay trước mũi Samsung và SK Hynix, được xem là một thắng lợi có được từ chuyên môn của rất nhiều cựu nhân viên người Hàn Quốc hiện đang làm việc tại Micron.

Tương tự như vậy, Intel, công ty sản xuất bán dẫn hàng đầu của Mỹ, đã nhận được trợ cấp và hỗ trợ đáng kể từ chính phủ. Intel đã cam kết sẽ đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ bằng cách vượt trội hơn các đối thủ của mình, Samsung và TSMC, trong sản xuất chip tiên tiến. Để đạt được điều này, Intel đã tích cực tuyển dụng các kỹ sư và nhà nghiên cứu Hàn Quốc nổi tiếng về lĩnh vực sản xuất bán dẫn. Một số kỹ sư trong số này, những người trước đây làm việc cho doanh nghiệp sản xuất bán dẫn của Samsung, đã được Intel tuyển dụng, cũng làm dấy lên mối lo ngại đáng kể ở Hàn Quốc về nguy cơ “chảy máu chất xám” và rò rỉ công nghệ.

Nhưng, các công ty Mỹ không chỉ nhắm đến kỹ sư và nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm mà còn tập trung vào việc thu hút nhân tài mới trong ngành này. Họ đưa ra mức lương cao hơn và các chế độ phúc lợi bổ sung hấp dẫn, chẳng hạn như cơ hội giáo dục cho con cái của nhân viên, để thu hút nhân tài Hàn Quốc. Và, nhu cầu về nhân tài Hàn Quốc cũng đang gia tăng ở Nhật Bản, quốc gia đã bắt tay vào các kế hoạch đầy tham vọng để giành lại chỗ đứng trong ngành bán dẫn và khôi phục lại vinh quang trong quá khứ. Japan Advanced Semiconductor Manufacturing - một liên doanh giữa các công ty Nhật và tập đoàn gia công chip số một thế giới TSMC - được chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn, đã bắt đầu tuyển dụng nhân tài Hàn Quốc thông qua các cổng thông tin việc làm, với những đãi ngộ hấp dẫn chẳng kém phía Mỹ.

Các kỹ sư tại một nhà máy sản xuất chip tại Trung Quốc. Những công ty đại lục đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách công nghệ với đối thủ bằng cách thu hút kỹ sư Hàn Quốc. Ảnh: CNN.

Các kỹ sư tại một nhà máy sản xuất chip tại Trung Quốc. Những công ty đại lục đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách công nghệ với đối thủ bằng cách thu hút kỹ sư Hàn Quốc. Ảnh: CNN.

Những thách thức nội tại của Hàn Quốc

Trước tình nguy cơ “chảy máu chất xám”, Hàn Quốc cũng thực hiện nhiều nỗ lực để giữ chân nhân tài, qua đó duy trì vị thế là cường quốc sản xuất hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, giống như các đối thủ, Hàn Quốc cũng đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực này, khi ngay cả những công ty lớn như Samsung và SK Hynix vẫn chưa thể lấp đầy các vị trí đòi hỏi tay nghề cao, khi nhu cầu vượt xa nguồn nhân lực hiện có.

Hàn Quốc hiện đang có kế hoạch xây dựng cụm công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới tại tỉnh Gyeonggi và đầu tư vào đây 430 tỷ USD trong vòng 2 thập kỷ. Kế hoạch tham vọng này đòi hỏi nhiều nhân tài nhưng Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hàn Quốc dự báo tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực bán dẫn vẫn rất đáng lo ngại, khi Hàn Quốc cần khoảng 54.000 kỹ sư vào năm 2031 - cao hơn 30 lần so với con số của năm 2022.

Chính phủ Hàn Quốc cũng nỗ lực ngăn chặn tình trạng rò rỉ nhân tài và công nghệ. Một dự luật mang tên “Dự luật sửa đổi Đạo luật bảo vệ công nghệ công nghiệp” nhằm mục đích tăng cường hình phạt đối với hành vi rò rỉ công nghệ cốt lõi, chẳng hạn như chất bán dẫn, đang được Quốc hội nước này xem xét. Theo đó, mức phạt sẽ tăng từ 1,5 tỷ won (1,1 triệu USD) hiện tại lên 6,5 tỷ won (4,9 triệu USD) và án tù có thể kéo dài tới 18 năm. Ngoài ra, Seoul đang xem xét tăng chế độ phúc lợi cho các kỹ sư Hàn Quốc giàu kinh nghiệm để ngăn cản họ chuyển sang làm việc cho các đối thủ nước ngoài.

Hàn Quốc đang tích cực hành động để phát triển đội ngũ kỹ sư mới nhằm đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Kể từ khi Tổng thống Yoon Suk-yeol chỉ đạo Bộ Giáo dục năm ngoái tăng cường nỗ lực bồi dưỡng tài năng cho ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ đã thành lập các khoa mới liên quan đến bán dẫn và tăng đáng kể chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành này tại các trường đại học.

Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức. Ở Hàn Quốc, phần lớn sinh viên giỏi hiện nay thích theo học trường y hơn là kỹ thuật. Một lý do là sự nghiệp của các kỹ sư bán dẫn ở Hàn Quốc tương đối ngắn, thường kết thúc khi đã ở độ tuổi 40. Vì thế, dù được cung cấp học bổng hấp dẫn và đảm bảo việc làm khi ra trường, những sinh viên giỏi vẫn không chọn ngành bán dẫn.

Tỷ lệ sinh thấp của Hàn Quốc là một mối lo ngại khác. Sẽ có ít sinh viên hơn ở Hàn Quốc trong những năm tới khi đất nước này đang chứng kiến sự suy giảm mạnh về tỷ lệ sinh - từ 1 triệu trẻ sơ sinh/năm vào những năm 1970 xuống còn 700.000 vào những năm 1990 và khoảng 400.000 vào những năm 2000. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động mới khi thế hệ ra đời trong khoảng những năm 2000 bước vào thị trường việc làm.

Hàn Quốc đang giữ chân những sinh viên nước ngoài giỏi trong lĩnh vực bán dẫn bằng chính sách cởi mở hơn. Ảnh: Global Admissions.

Hàn Quốc đang giữ chân những sinh viên nước ngoài giỏi trong lĩnh vực bán dẫn bằng chính sách cởi mở hơn. Ảnh: Global Admissions.

Tăng cường thu hút nhân tài nước ngoài

Trước những thách thức lớn về nhân lực trong nước, Hàn Quốc chuyển sang cạnh tranh với các cường quốc bán dẫn khác để thu hút nhân tài nước ngoài. Mới đây, Seoul đã giới thiệu một loại thị thực mới, E-7-S, được thiết kế riêng cho những lao động lành nghề trong các ngành công nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, Hàn Quốc còn nỗ lực giữ chân nhân tài nước ngoài sau khi họ tốt nghiệp các trường đại học nước này. Chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol đang triển khai một chương trình tương tự như ở Mỹ và Nhật Bản, tạo điều kiện để sinh viên nước ngoài tốt nghiệp ngành khoa học và công nghệ từ các trường đại học Hàn Quốc dễ dàng xin được thường trú hơn.

Hàn Quốc cũng tích cực mời sinh viên nước ngoài đến học tập và tích lũy kinh nghiệm trong các lĩnh vực công nghệ cao. Bộ Giáo dục nước này đã khởi động dự án “Du học Hàn Quốc 300K” nhằm mục đích tăng số lượng sinh viên nước ngoài từ 167.000 lên 300.000 vào năm 2027, trong đó đặc biệt chú trọng vào các chương trình khoa học và công nghệ. Trọng tâm của dự án nhắm đến các quốc gia đào tạo ra nhiều kỹ sư công nghệ cao xuất sắc, đặc biệt là Ấn Độ.

Nhưng cách tiếp cận này của Hàn Quốc cũng gặp nhiều cạnh tranh, vì các cường quốc khác đang đưa ra những ưu đãi hấp dẫn và hỗ trợ phúc lợi rất hào phóng để thu hút chuyên gia bán dẫn từ khắp thế giới. Do đó, Seoul cũng cần khám phá thêm những chiến lược khác để giải quyết thách thức về “chất xám”.

Cuộc chiến giành giật nhân tài bán dẫn toàn cầu đang nóng lên từng ngày và bất cứ sự chậm trễ nào cũng có thể đe dọa vị thế của Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ đặc biệt quan trọng này.

Quang Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/lieu-han-quoc-co-hut-hoi-trong-cuoc-chien-gianh-giat-chat-xam-nganh-ban-dan--i745260/
Zalo