Liệt sĩ Nguyễn Văn Bộ - Một cuộc đời trọn vẹn vì cách mạng

56 năm trôi qua kể từ ngày liệt sĩ Nguyễn Văn Bộ hy sinh, ký ức về người chồng liệt sĩ vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm bà Lê Thị Đời. Bà đã dành cả cuộc đời để gìn giữ tình yêu và lý tưởng cách mạng của chồng. Ký ức về ông vẫn vẹn nguyên trong bà và lời thầm hứa với ông ngày ấy đến hôm nay bà cũng đã hoàn thành.

Bà Lê Thị Đời, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Bộ

Bà Lê Thị Đời, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Bộ

Không lần nào nhắc về liệt sĩ Nguyễn Văn Bộ mà bà Lê Thị Đời, vợ ông, không rưng rưng nước mắt. Là người cùng làng, cùng chung chí hướng, lại gắn bó yêu thương nên dường như không ai hiểu và thương ông nhiều như bà.

Khi ông rời nhà tham gia cách mạng, bà ở lại quê cũng đưa cơm, nuôi giấu cán bộ ta. Kết hôn rồi, ông đi đánh giặc, bà vừa nuôi con, vừa tham gia vót chông, đào hầm, nuôi giấu cách mạng. Rồi ông vì nước hy sinh, bà nén nỗi đau, tự hứa với chính mình sẽ nuôi dưỡng các con trưởng thành và đi theo con đường của ông.

Câu chuyện tình yêu chung thủy

Giờ đây, bà Lê Thị Đời 90 tuổi đời, gần 50 năm tuổi Đảng, các con của ông bà đều đi theo ngọn cờ của Đảng. Bà nói rằng, mình đã làm tròn lời hứa. “Tôi với ông ấy cùng làng, ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An nên biết nhau từ nhỏ. Ông ấy dáng người cao, khuôn mặt hiền lành lắm!” - bà Đời chầm chậm kể.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Bộ sinh năm 1929, gia đình ông có 3 anh em trai, cả 3 đều tham gia cách mạng và hy sinh. Bà Đời kể rằng, ngày ông còn trẻ, mẹ ông bị địch vô cớ giết hại. Anh em ông biến nỗi đau thành sức mạnh, quyết tâm cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương.

Sau nhiều năm người đồng hương Nguyễn Văn Bộ tham gia cách mạng, bà Đời mới có dịp gặp lại ông trong một lần đi tiếp tế. Nhận ra người quen cũ, ông bà hỏi thăm nhau, tình cảm cũng từ đó mà nhen nhóm.

Vài năm sau, ông bà kết hôn trong sự chúc phúc của đồng đội. Niềm vui chưa được bao lâu thì ông lại biền biệt vì nghiệp lớn, bà ở lại nhà, vừa hoạt động, vừa chờ đợi ông. Bọn địch “đánh hơi” được hoạt động của bà, chúng không chỉ liên tục quấy nhiễu gia đình mà còn bắt giam và tra tấn bà.

Vì lòng trung thành với Đảng, tình yêu dành cho chồng, bà kiên quyết không khai báo dù phải “chết đi sống lại” dưới đòn tra tấn của kẻ thù. Không khai thác được gì, không có chứng cứ, chúng lại thả bà về. Bà tiếp tục tham gia hoạt động và chờ chồng.

Bà Đời kể: “Cưới nhau mười mấy năm, tôi và ông ấy chưa lần nào giận nhau. Ông rất thương vợ con. Hoạt động bí mật nên cuộc sống của ông thiếu thốn lắm, vậy nhưng mỗi lần về nhà, ông đều quan tâm, lo lắng chuyện cơm ăn, áo mặc của vợ con ở nhà”.

Đến lúc hy sinh, trong người liệt sĩ Nguyễn Văn Bộ không có kỷ vật nào đáng giá. Dường như ông cũng như những người anh hùng đã ngã xuống, không giữ cho riêng mình điều gì ngoài lý tưởng giải phóng quê hương.

Trong ký ức của người phụ nữ 90 tuổi, hình ảnh về người chồng luôn thật đẹp như chính lý tưởng mà ông bà đã nguyện đi theo suốt cả cuộc đời. Bà Đời kể, bà không còn bức ảnh nào của ông. Tất cả thư từ ông bà trao đổi suốt những năm tháng xa nhau, bà phải đốt hết trong giai đoạn địch tăng cường càn quét, bắt bớ.

"Hồi đó, thông tin liên lạc đâu có được như bây giờ. Mỗi lần nhớ ông, tôi chỉ có thể đem thư cũ ra đọc đi đọc lại. Một lá thư có khi đọc mấy tháng mới nhận được thư mới của ông. Lúc địch bắt bớ, lục soát dữ quá, tôi buộc phải đốt hết thư, tấm hình chân dung duy nhất của ông cũng phải đốt” - bà Đời chia sẻ.

Chính vì vậy, giờ đây, gia đình không còn hình ảnh gì của liệt sĩ Nguyễn Văn Bộ. Tuy nhiên, hình ảnh ông trong trái tim bà và cả thế hệ sau thì không thể nào phai mờ được.

Lòng tri ân của thế hệ sau

Tháng 3/2024, UBND huyện Tân Trụ khởi công xây dựng Trường THCS Nguyễn Văn Bộ tại xã Tân Phước Tây với tổng kinh phí hơn 45 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Trường chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng đầu năm học 2024-2025.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bộ - Huỳnh Văn Đậm, trước đây, trường tên là Trường THCS Tân Phước Tây. Nhằm tri ân, ghi nhớ công lao của liệt sĩ Nguyễn Văn Bộ đối với quê hương, năm 2022, trường chính thức được đổi tên thành Trường THCS Nguyễn Văn Bộ.

“Việc đề nghị đổi tên Trường THCS Tân Phước Tây thành Trường THCS Nguyễn Văn Bộ nhằm giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương, vun bồi tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho người dân địa phương nói chung và thế hệ trẻ nói riêng” - ông Huỳnh Văn Đậm khẳng định.

Trường THCS Nguyễn Văn Bộ vừa được xây dựng mới với tổng kinh phí hơn 45 tỉ đồng

Trường THCS Nguyễn Văn Bộ vừa được xây dựng mới với tổng kinh phí hơn 45 tỉ đồng

Được đầu tư xây dựng khang trang, Trường THCS Nguyễn Văn Bộ được công nhận đạt chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao tại địa phương.

56 năm trôi qua, đất nước có nhiều thay đổi nhưng tình yêu quê hương, đất nước vẫn được trao truyền, vun bồi qua từng thế hệ. Hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Bộ cùng những câu chuyện về cuộc đời, sự hy sinh của ông trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của vùng đất “trung dũng kiên cường”. Việc xây dựng Trường THCS Nguyễn Văn Bộ thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau đối với người ngã xuống vì độc lập, tự do./.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Bộ sinh năm 1929 tại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ và tham gia cách mạng năm 1945. Năm 1949, đồng chí được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1952, đồng chí được phân công làm Bí thư Chi bộ xã Đức Tân. Năm 1958, đồng chí được phân công làm Phó Bí thư Huyện ủy Tân Trụ .

Từ tháng 10/1962 đến 12/1965, đồng chí là Bí thư Huyện ủy Tân Trụ và có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng tại địa phương. Năm 1955, đồng chí được điều động giữ chức vụ Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn.

Ngày 17/4/1968, đồng chí bị địch phục kích và hy sinh tại xã Tân Đông, quận Tuyên Nhơn, tỉnh Kiến Tường (nay là huyện Thạnh Hóa)

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/liet-si-nguyen-van-bo-mot-cuoc-doi-tron-ven-vi-cach-mang-a186131.html
Zalo