Hẹn một ngày về
Từ nhiều tháng trước, các cựu học sinh miền Nam (HSMN) ở TP Hồ Chí Minh đã háo hức hẹn nhau cùng về Sông Ðốc - Cà Mau, dự Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, dù trong số ấy không phải ai cũng ra đi từ bến Sông Ðốc. Về với Sông Ðốc - Cà Mau, về với sự kiện mà 70 năm trước được xem là mốc khởi nguồn của các trường HSMN trên đất Bắc, với các cựu HSMN, thêm một lần nữa được tắm mình trong ký ức buồn vui của quãng đời tuổi thơ vắng mẹ, thiếu cha đầy khắc khoải nhớ thương, nhưng cũng rất đỗi tự hào.
“Hành trang” ngày về
Trước hôm diễn ra chương trình kỷ niệm một ngày, mười mấy thành viên của đoàn đã có mặt tại Cà Mau. Bà Huỳnh Xuân Thảo, Trưởng đoàn HSMN từ TP Hồ Chí Minh, cho biết, quà chuẩn bị cho Cà Mau nhân Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc gồm: 70 triệu đồng học bổng cho học sinh vượt khó hiếu học (thị trấn Sông Ðốc 50 triệu đồng, Hội Khuyến học tỉnh 20 triệu đồng); 30 chiếc xe đạp tặng học sinh nghèo thị trấn Sông Ðốc; đặc biệt còn có tập sách “Ký ức không phai” mà các HSMN phối hợp Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh vừa gấp rút hoàn thành, làm quà chào mừng sự kiện.
Ông Võ Minh Trí, Phó đoàn, diễn giải: “Chúng tôi làm việc gì cũng có kế hoạch trước, như chuyến về dự kỷ niệm lần này, chúng tôi chuẩn bị từ cách đây 2 năm. Con số 70 triệu đồng học bổng, tương ứng với 70 năm. Sông Ðốc là nơi diễn ra sự kiện nên chúng tôi dành tặng xe đạp riêng cho các cháu trên địa bàn này”.
Ông Võ Minh Trí cũng thông tin thêm, tiền hỗ trợ học sinh đã được cấp phát trước (ngày 30/8) để các em kịp chuẩn bị năm học mới. Còn sách “Ký ức không phai”, đoàn mang về khá nhiều, tặng cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban, ngành, Thư viện, Bảo tàng tỉnh, thị trấn Sông Ðốc và một số biếu bạn bè, người thân.
Ðây không phải lần đầu các cựu HSMN ở TP Hồ Chí Minh có nghĩa cử đẹp với Cà Mau, từ trước dịch Covid-19, họ đã tặng Cà Mau cả thảy 13 cây cầu, tổng trị giá trên 1 tỷ đồng. Mỗi lần khánh thành cầu, đều có quà cho hộ dân khó khăn trên địa bàn và xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học ở các trường sở tại.
Xây dựng nhiều công trình kỷ niệm; hiến tặng nhiều hiện vật cho bảo tàng; thăm, tặng quà những nơi từng sống, học tập; hỗ trợ bà con bị thiên tai, hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học... là những việc mà các cựu HSMN tại TP Hồ Chí Minh đã thực hiện trong nhiều năm qua, với mong muốn tri ân vùng đất, con người từng cưu mang mình; bảo tồn và phát huy giá trị mô hình trường HSMN trên đất Bắc và sẻ chia cùng cộng đồng.
Cũng từ ý nghĩa này mà hôm trao xe đạp cho học sinh ở thị trấn Sông Ðốc, ngoài mong muốn các cháu cố gắng học tập để sau này giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội, bà Huỳnh Xuân Thảo còn nhắn nhủ, các cháu nên biết sống nhân ái, sẻ chia, để cuộc đời luôn là cuộc hành trình mà con người đối đãi với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.
Ðong đầy cảm xúc
“Nhiều bạn không phải thành viên tập kết nhưng cũng là HSMN sống trên đất Bắc giai đoạn 1954-1975, nên ai cũng chờ đợi ngày được về dự sự kiện 70 năm tại Cà Mau. Tuy vậy, gần tới ngày, ban tổ chức cho hay điều kiện sân bãi hẹp, nên chỉ được đi đại diện, tiếc lắm! Dẫu thế, những người được về dự như chúng tôi, ai cũng thấy thật vui và rất tự hào!”, ông Nguyễn Thành Nhân, thành viên đoàn, bày tỏ.
Trong lần về Cà Mau này, đoàn đã đến thắp hương má Lê Thị Sảnh, thăm cô Bảy (Lê Thị Bảy - con má Sảnh, người bứng cây vú sữa để má Sảnh gửi ra Bắc biếu Bác Hồ) và tham quan Khu Di tích Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam ở khu đất gia đình má Sảnh (bên bờ kênh xáng Chắc Băng, Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình). Bên cạnh đó, đoàn còn thực hiện một công việc khá đặc biệt là xin 4 cây vú sữa được ươm hạt từ các cây vú sữa trong vườn má Sảnh để về trồng ở các địa điểm đã định như: Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, nơi lưu giữ, trưng bày rất nhiều kỷ vật HSMN hiến tặng; Trường THPT Bến Tre - Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (trường kết nghĩa với tỉnh Bến Tre), nơi nhóm HSMN học năm 1968-1969; Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tại bến Nhà Rồng.
Bà Huỳnh Xuân Thảo bộc bạch: “Trong kế hoạch có đến nhà má Sảnh là mình cảm động lắm rồi. Hình ảnh Bác Hồ tưới cây vú sữa, rồi cây vú sữa lớn lên bên Nhà sàn Bác Hồ đã in đậm trong tâm trí của mình từ hồi còn là HSMN trên đất Bắc. Hôm nay được đến tận nhà má Sảnh, tuy má không còn, nhưng còn cô Bảy, rồi gặp các cháu của má, được xin giống cây vú sữa để trồng ở những nơi ý nghĩa, thấy vui và xúc động vô cùng”.
Cảm xúc chung của chuyến về Cà Mau lần này cũng chảy tràn trong lòng bà Thảo. “Chẳng biết diễn tả thế nào, nhưng nói chung là thấy vui, phấn khởi lắm! Hai tiếng Cà Mau hồi giờ luôn gần gũi, thân thương với mình. Bến Sông Ðốc - Cà Mau là nơi anh trai mình đi tập kết khi 10 tuổi (lúc đó ba má bận công tác cách mạng, gửi anh đi, mình thì đi sau). Lần về này, đi cùng trong đoàn có một số anh chị từng sống, chiến đấu ở Cà Mau; một số quê ở Cà Mau. Thêm nữa, lại được về với anh chị, bạn bè HSMN cùng học, cùng gắn bó nhau từ nhỏ... nên thấy thật vui, thật ấm áp như một gia đình. Còn gì bằng khi tất cả cùng trở về nơi đánh dấu sự kiện ý nghĩa, có liên quan tới bản thân mỗi người. Thật tình mình cũng bận rộn lắm, nhưng ráng sắp xếp, quyết không thể bỏ chuyến đi này...”, bà Thảo bày tỏ.
Bà Huỳnh Xuân Thảo là con gái Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, là tác giả thiết kế lá cờ nửa đỏ nửa xanh (cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam); ông có rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng. Ông và vợ cùng tham gia hoạt động cách mạng miền Nam đến ngày thống nhất đất nước.
Bà Thảo là người đang điều hành Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát, dành cho sinh viên ngành Quy hoạch - Kiến trúc, theo tâm nguyện của cha mẹ. Quỹ đã qua chặng đường 17 năm với nhiều đóng góp quan trọng.
Trong đoàn có một thành viên rất dễ xúc động, cứ về tới Cà Mau là lại sụt sùi, đó là bà Châu Nhật Sinh. Bà Sinh bộc bạch: “Xúc động lắm. Cà Mau là quê hương mà! Về với Cà Mau là về cùng bao nhiêu kỷ niệm... Thương lắm, nhớ lắm! Hồi nhỏ tôi theo ba má đi khắp các tỉnh miền Tây. Xa quê hương lòng luôn nhớ, luôn đau đáu ngóng trông về”.
Bà Sinh là con Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Châu Văn Ðặng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (nay là Cà Mau, Bạc Liêu), Phó bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, kiêm Giám đốc Trường Ðảng Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Ông qua đời do bệnh nặng năm 1959, khi mới 42 tuổi. Lúc đó chị em bà được đưa ra miền Bắc học tập.
Mẹ bà Sinh là bà Trần Thị Ngảnh, từng phụ trách Trường Thiếu sinh quân, rồi Trường Lý Tự Trọng - Khu Tây Nam Bộ (đóng ở Cà Mau). Bà cụ mất sau chồng mấy năm, vì tai nạn. Vậy là chị em bà Sinh côi cút, sống và trưởng thành trên đất Bắc bằng sự chăm lo của Ðảng, Bác Hồ, bằng nghị lực bản thân và tình thương, sự cưu mang của đồng bào miền Bắc, sự động viên, sẻ chia, giúp đỡ của bạn bè...
Thời gian qua, bà Sinh thường về Cà Mau thực hiện rất nhiều việc thiện nguyện. Ðó cũng là cách bà trả nghĩa cho quê hương và sống lại những ký ức thân thương của hơi ấm gia đình./.