Liên thông trong giáo dục: Bảo đảm công bằng và chất lượng

Liên thông trong giáo dục - đào tạo là cần thiết trong một xã hội khuyến khích học tập suốt đời và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cũng cần xác định những lĩnh vực, ngành, bậc học không được liên thông để vừa tạo cơ hội học tập cho mọi người, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục - đào tạo.

Sáng 25.10, Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã họp góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn - Trưởng Tiểu ban chủ trì phiên họp.

Điều 10, Luật Giáo dục 2019 quy định: Liên thông trong giáo dục là việc sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành, nghề đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành, nghề đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn - Trưởng Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, chủ trì phiên họp

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn - Trưởng Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, chủ trì phiên họp

Việc liên thông trong giáo dục phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng. Chương trình giáo dục được thiết kế theo hướng kế thừa, tích hợp kiến thức và kỹ năng dựa trên chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Người học không phải học lại kiến thức và kỹ năng đã tích lũy ở các chương trình giáo dục trước đó.

Luật Giáo dục 2019 giao Chính phủ quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

3 nguyên tắc liên thông

Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, mục đích liên thông là tạo điều kiện thuận lợi cho người học ở mọi lứa tuổi lựa chọn con đường học tập nâng cao trình độ, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân, đáp ứng yêu cầu thay đổi của công việc và nghề nghiệp.

Liên thông thúc đẩy các cơ sở giáo dục đổi mới, hiện đại hóa chương trình, phương thức giáo dục và đào tạo, góp phần điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Hình thành một hệ thống giáo dục thống nhất, linh hoạt và hiệu quả, tăng cường kết nối và phối hợp giữa các cấp học giáo dục phổ thông, các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

 Theo ông Đào Đăng Phượng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Sư phạm nghệ thuật TƯ, do đặc thù nghề nghiệp, nếu không liên thông thì không thể có tài năng nghệ thuật, vì phải đào tạo từ nhỏ. Vì thế, nếu có quy định riêng cho nghệ thuật thì tốt, còn không, phải quy định mở, tạo điều kiện cho người học

Theo ông Đào Đăng Phượng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Sư phạm nghệ thuật TƯ, do đặc thù nghề nghiệp, nếu không liên thông thì không thể có tài năng nghệ thuật, vì phải đào tạo từ nhỏ. Vì thế, nếu có quy định riêng cho nghệ thuật thì tốt, còn không, phải quy định mở, tạo điều kiện cho người học

Việc thiết kế chương trình, tổ chức tuyển sinh và giáo dục, đào tạo liên thông phải bảo đảm 3 nguyên tắc.

Thứ nhất, linh hoạt và hiệu quả. Người học được lựa chọn lộ trình, hình thức và thời gian học tập phù hợp nhất với trình độ, năng lực và điều kiện cá nhân; không phải học lại những kiến thức, kỹ năng đã có.

Thứ hai, công bằng và chất lượng. Tất cả người học được tạo cơ hội học tập và đánh giá kết quả học tập công bằng dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng chung của chương trình giáo dục.

Thứ ba, đáp ứng nhu cầu xã hội. Giáo dục và đào tạo liên thông để đáp ứng nhu cầu của người học, đồng thời phải căn cứ nhu cầu nguồn nhân lực của nền kinh tế - xã hội, định hướng phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Miễn trừ và công nhận tín chỉ

Dự thảo Nghị định quy định về liên thông giữa trung cấp với cấp trung học phổ thông; liên thông từ trung cấp lên đại học; và liên thông từ cao đẳng lên đại học. Trong đó quy định các điều kiện với người dự tuyển học liên thông, tỷ lệ miễn giảm khối lượng học tập cho người học khi tham gia học liên thông từ trung cấp và cao đẳng lên đại học với cùng nhóm ngành...

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Đại học FPT, cho rằng, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân là rất cần thiết, nhằm hệ thống hóa, đưa ra khái niệm chính xác hơn, thống nhất cách hiểu, có các quy định để hoạt động liên thông được tổ chức thực hiện chặt chẽ hơn và bảo đảm chất lượng giáo dục - đào tạo.

Theo ông Lê Trường Tùng, liên thông cần tập trung giải quyết 2 vấn đề: tuyển sinh và chương trình đào tạo. Về chương trình đào tạo, đã liên thông thì phải có chuyển đổi tín chỉ, dù nhiều dù ít, nhưng tối đa là 50% để người học có bản sắc của nơi đào tạo. Cái khó trong chuyển đổi tín chỉ là các trường khác nhau, chất lượng đào tạo cùng một ngành có thể khác nhau, thậm chí chương trình đào tạo cũng khác nhau, không hoàn toàn giống nhau, rất khó quy định khung chuyển đổi chung.

“Nên chăng quy định tối đa tín chỉ được chuyển đổi, việc chuyển đổi cụ thể như thế nào sẽ do các trường đào tạo liên thông tự quyết định”, ông Lê Trường Tùng kiến nghị.

 Các đại biểu nhấn mạnh ý nghĩa của Nghị định này là việc miễn trừ và công nhận tín chỉ trong liên thông

Các đại biểu nhấn mạnh ý nghĩa của Nghị định này là việc miễn trừ và công nhận tín chỉ trong liên thông

Ông Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, thì cho rằng, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi một quá trình tuyển chọn đặc biệt, giáo dục và đào tạo đặc biệt, tuyển dụng và sử dụng đặc biệt. Điều này sẽ tạo ra một số hạn chế nhất định đối với việc tuyển sinh, giáo dục và đào tạo liên thông. Và như vậy, “không phải mọi lĩnh vực, mọi ngành, mọi bậc học đều phải liên thông. Tuyển chọn đầu vào không phù hợp sẽ làm thay đổi chất lượng giáo dục và đào tạo, kéo theo là hệ lụy trong tuyển dụng và sử dụng”.

Ông Trần Diệp Tuấn lấy ví dụ nguồn nhân lực của hệ thống (chăm sóc) y tế, để có một hệ thống y tế vận hành đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực y tế đa dạng về ngành nghề và bậc đào tạo. “Do đó, không thể liên thông ngang - dọc tất cả vì như vậy sẽ phá hỏng cấu trúc của hệ thống y tế đồng thời không bảo đảm được chất lượng của nguồn nhân lực y tế”.

Về ngành học, theo ông Trần Diệp Tuấn, không thể liên thông từ ngành y qua ngành dược hay ngược lại, cũng không thể liên thông lẫn nhau giữa bác sĩ y khoa với bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ y học cổ truyền hay bác sĩ y học dự phòng.

Về bậc học thì có thể liên thông từ trung cấp lên cao đẳng hay cử nhân đại học đối với các ngành đào tạo cử nhân đại học, nhưng không thể liên thông lên dược sĩ đại học hay bác sĩ. Có thể liên thông từ cử nhân đại học chính quy (một số ngành) lên dược sĩ đại học. Các ngành đào tạo cử nhân thì không thể liên thông lên bác sĩ.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, Nghị định quy định về liên thông giữa trung cấp với cấp trung học phổ thông; liên thông từ trung cấp lên đại học ra đời phải giải quyết được các mâu thuẫn đang đặt ra trong thực tiễn; mở, linh hoạt nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng. Khối lượng kiến thức được công nhận đến đâu thì cần rà soát theo từng lĩnh vực.

Liên thông là học xong cái này mới học tiếp cái kia và công nhận kiến thức, kỹ năng của nhau để rút ngắn thời gian học. Học song song không gọi là liên thông. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh, tạo điều kiện cho mọi người học liên thông chứ không phải tất cả các trường đào tạo liên thông. “Bảo đảm quyền của người học, nhu cầu của xã hội, nhưng không gây ra bất công bằng”.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lien-thong-trong-giao-duc-bao-dam-cong-bang-va-chat-luong-post394383.html
Zalo