Dạy và học tiếng Chăm tại tỉnh Bình Thuận: Nêu cao tinh thần chủ động để giữ vững chất lượng

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT khảo sát tại 2 trường tiểu học ở tỉnh Bình Thuận, tỷ lệ học sinh học tiếng Chăm đạt 100%.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Vụ trưởng Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT) – Trưởng đoàn công tác, khảo sát tại lớp cùng học sinh tại Trường TH Phan Hiệp.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Vụ trưởng Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT) – Trưởng đoàn công tác, khảo sát tại lớp cùng học sinh tại Trường TH Phan Hiệp.

Ngày 25/10, Đoàn khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) có buổi làm việc tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận về việc “Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 – 2030”.

 Học sinh Trường TH Phan Hiệp (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận).

Học sinh Trường TH Phan Hiệp (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận).

Dân tộc khác ngoài Chăm vẫn học tiếng Chăm

Đoàn công tác đến khảo sát tại 2 trường tiểu học trên địa bàn huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, gồm: Trường TH Phan Hiệp và Trường TH Phan Thanh 1.
Báo cáo tại về việc dạy tiếng Chăm tại Trường TH Phan Hiệp, Hiệu trưởng Phạm Văn Hạ, cho biết, trường đạt tỷ lệ 100% dạy và học tiếng Chăm; trong đó, có 29 em dân tộc Kinh hay có cha hoặc mẹ là dân tộc Chăm đăng ký học tiếng Chăm.

Trường TH Phan Hiệp duy trì việc dạy tiếng dân tộc Chăm cho học sinh tại địa phương từ năm 1995 đến nay. Hiện trường có 19 lớp, 3 giáo viên và 1 Phó Hiệu trưởng. Số lớp, số học sinh tham gia học đạt 19/19; có 529/529, đạt tỷ lệ 100%; có một số học sinh dân tộc khác ngoài Chăm vẫn tham gia lớp học tiếng Chăm nhưng không nhận xét và đánh giá.

 Đoàn khảo sát chụp hình cùng 3 cô giáo (áo dài) dạy tiếng Chăm tại trường TH Phan Hiệp.

Đoàn khảo sát chụp hình cùng 3 cô giáo (áo dài) dạy tiếng Chăm tại trường TH Phan Hiệp.

Theo ông Hạ, cơ sở vật chất, trường đảm bảo phục vụ dạy học tiếng dân tộc 10 buổi/tuần, bàn ghế đầy đủ, sách giáo khoa phục vụ cho việc dạy và học tiếng Chăm được cung cấp hàng năm, trường lớp khang trang, đáp ứng yêu cầu cho việc giảng dạy tiếng Chăm tại đơn vị. Về chất lượng học môn tiếng Chăm, đảm bảo theo yêu cầu học 2 tiết tuần; đáp ứng tương đối nhu cầu của đồng bào người dân tộc Chăm tại địa phương.

 Cô Nguyễn Nữ Phi Linh, Giáo viên dạy tiếng Chăm tại Trường TH Phan Thanh 1.

Cô Nguyễn Nữ Phi Linh, Giáo viên dạy tiếng Chăm tại Trường TH Phan Thanh 1.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Phan Thị Ngọc Ẩn – Hiệu trưởng Trường TH Phan Thanh 1, thông tin, trường đóng trên địa bàn thôn Tịnh Mỹ; học sinh tại trường gồm 2 thôn Tịnh Mỹ và Cảnh Diễn thuộc xã Phan Thanh. Đây là vùng đồng bào dân tộc Chăm, học sinh dân tộc Chăm chiếm tỷ lệ 97%; kinh tế phụ huynh còn khó khăn, mức thu nhập thấp, học sinh còn gặp nhiều thiệt thòi về điều kiện học tập.

Theo bà Ẩn, năm học 2024 – 2025, trường có 10 lớp, 269 học sinh; 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Trường tổ chức dạy học môn tiếng Chăm từ năm học 2013 – 2014 đến nay. Cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ dạy học tiếng dân tộc 9 tiết/tuần; bàn ghế đầy đủ; sách giáo khoa phục vụ cho việc dạy và học tiếng Chăm được cung cấp hàng năm, đáp ứng yêu cầu đối với việc giảng dạy tiếng Chăm tại trường.

 Một tiết học tiếng Chăm của các em học sinh lớp 2 Trường TH Phan Thanh 1.

Một tiết học tiếng Chăm của các em học sinh lớp 2 Trường TH Phan Thanh 1.

Nhiều khó khăn cần nhanh chóng khắc phục

Ông Phạm Văn Hạ- Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Hiệp cho biết, hiện nay, sách giáo khoa dạy tiếng Chăm, trang thiết bị dạy học các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 còn thiếu, nhất là môn tiếng Chăm. Tỷ lệ giáo viên/lớp tại những trường dạy tiếng dân tộc còn nhiều bất cập so với mặt bằng chung trong toàn huyện.
"Giáo viên dạy tiếng dân tộc chưa mạnh dạn đăng ký tham gia giáo viên dạy giỏi cấp huyện hoặc cấp cao hơn; chưa đúc kết những điều hay để viết sáng kiến kinh nghiệm trong việc dạy học tiếng dân tộc; mặc dù đội ngũ này có thâm niên về dạy tiếng dân tộc" - ông Hạ nói.

Nêu chung khó khăn còn tồn tại, bà Phan Thị Ngọc Ẩn – Hiệu trưởng Trường TH Phan Thanh 1 cho biết, phần lớn phụ huynh học sinh đều không biết viết, biết đọc tiếng Chăm. Bên cạnh đó, tiếng Chăm sử dụng trong cuộc sống bị pha tạp khiến học sinh gặp khó khăn trong quá trình tiếp thu, vận dụng kiến thức học tại trường vào thực tế.

Đặc biệt, sách giáo khoa vẫn chưa có từ lớp 1 đến lớp 4, học sinh vẫn học sách cũ; giáo viên dạy tiếng Chăm còn thiếu do trường có 3 cô dạy tiếng Chăm nhưng 1 cô mắc bệnh hiểm nghèo, thường xuyên phải nghỉ để điều trị bệnh khiến công tác dạy học gặp không ít khó khăn do đây là bộ phận đặc thù nên rất khó bố trí, sắp xếp giáo viên dạy.

Trước những khó khăn đang vướng, và để đáp ứng nhu cầu về đội ngũ, đảm bảo chất lượng dạy tiếng dân tộc, các địa phương của tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ GD&ĐT mở mã ngành đào tạo tiếng Chăm để sớm kiện toàn nhân lực. Bởi theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Bình Thuận hiện các trường đại học hoàn toàn có thể tự mở mã ngành sau khi được Bộ định hướng.

Tuy vậy, theo lãnh đạo các địa phương, các trường Sư phạm chỉ nên mở theo hướng dạy liên môn, không nên mở riêng mã ngành vì sẽ không phù hợp với nhu cầu đáp ứng việc làm sau khi ra trường. Song song đó tạo cơ chế khuyến khích sinh viên sư phạm người đồng bào thiểu số học thêm văn bằng 2, hoặc chứng chỉ trong quá trình học tập để có thêm nguồn giáo viên bổ sung.

 Ông Huỳnh Văn Hiếu - Trưởng phòng Mầm non và Tiểu học – Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận báo cáo tại buổi khảo sát.

Ông Huỳnh Văn Hiếu - Trưởng phòng Mầm non và Tiểu học – Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận báo cáo tại buổi khảo sát.

Phát biểu tại buổi làm việc, Nhà báo Dương Thanh Hương – Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, đánh giá, giáo viên tại địa phương rất nỗ lực trong công tác dạy và học tiếng dân tộc thiểu số nói chung và tiếng Chăm nói riêng.

Minh chứng cho sự nỗ lực ấy là kết quả khảo sát tại hai trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh với số lượng 100% học sinh theo học tiếng Chăm.

Vì vậy, theo Nhà báo Dương Thanh Hương việc tiếp tục dạy và học tiếng Chăm ở cấp THCS là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, để có thể làm được tốt việc này như ở bậc Tiểu học rất cần truyền thông để xã hội, phụ huynh, học sinh đồng thuận, tạo điều kiện cho các em học tiếng Chăm.

"Bản thân phụ huynh nếu tiếp cận được các thông tin từ truyền thông cũng có thể hướng dẫn các con ôn tập và làm bài tập về nhà bằng tiếng Chăm. Báo Giáo dục và Thời đại – Cơ quan ngôn luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong giáo dục, nhất là việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Thuận nói chung và tiếng Chăm, tiếng Raglai trên địa bàn các huyện nói riêng.

Đặc biệt, Báo Giáo dục và Thời đại sẽ đồng hành cùng các đơn vị giáo dục tại tỉnh Bình Thuận trong công tác tuyên truyền các gương điển hình, học sinh có thành tích nổi bật, tập thể tốt để nhân rộng mô hình trong cả nước” - Nhà báo Dương Thanh Hương nói.

 Nhà báo Dương Thanh Hương - Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát biểu.

Nhà báo Dương Thanh Hương - Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát biểu.

Cần nêu cao tinh thần chủ động vượt khó

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Vụ trưởng Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT) – Trưởng đoàn công tác nhìn nhận: Công tác giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số ở vài địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn về sách vở, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên.

"Tuy còn nhiều khó khăn nhưng bằng nỗ lực, công tác chuyên môn của các đơn vị, địa phương vẫn được giữ vững. Đây là những nỗ lực, cố gắng rất đáng được biểu dương, nhất là trong công tác chỉ đạo, phát động phong trào đào tạo bồi dưỡng giáo viên, các cuộc thi giáo viên dạy giỏi trong học sinh."- ông Thanh nói.

 Đoàn đại biểu chụp lưu niệm tại Trường TH Phan Hiệp.

Đoàn đại biểu chụp lưu niệm tại Trường TH Phan Hiệp.

Về vấn đề đội ngũ và thúc đẩy chất lượng dạy và học tiếng Chăm theo hướng bền vững, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục dân tộc cho rằng; Sở GD&ĐT, các địa phương cần chủ động trong giải pháp, nêu cao tinh thần chủ động vượt khó, ưu tiên giao thêm ít nhất 1 biên chế dạy tiếng Chăm cho các trường có dạy và học môn tiếng Chăm.

Bên cạnh đó cần bổ sung kinh phí cho các trường để có thể chi trả cho giáo viên, mua dụng cụ, tài liệu phục vụ học tập nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học.

 Đại biểu chụp hình lưu niệm tại Trường TH Phan Thanh 1.

Đại biểu chụp hình lưu niệm tại Trường TH Phan Thanh 1.

"Riêng vấn đề sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT đã và đang kiến nghị Chính Phủ về công tác in ấn, cấp phát sau khi biên soạn giáo trình địa phương để đáp ứng đúng nhu cầu mà các địa phương cần. Với bộ chữ về tiếng dân tộc Raglai, tỉnh Bình Thuận có thể tham khảo, xem xét mượn bộ chữ của tỉnh Ninh Thuận sử dụng để thuận tiện trong công tác bồi dưỡng” - ông Thanh chia sẻ.

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-va-hoc-tieng-cham-tai-tinh-binh-thuan-neu-cao-tinh-than-chu-dong-de-giu-vung-chat-luong-post706058.html
Zalo