Liên minh châu Âu xem xét lập quỹ quốc phòng chung để giảm áp lực nợ công

Liên minh châu Âu ngày 12/4 đã thảo luận về việc thành lập một quỹ quốc phòng chung nhằm mua sắm và sở hữu thiết bị quân sự tập trung mà không làm gia tăng gánh nặng nợ công đối với mỗi nước.

Cờ của Liên minh châu Âu. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Cờ của Liên minh châu Âu. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu ngày 12/4 bắt đầu thảo luận về khả năng thành lập một quỹ quốc phòng chung mang tên “Cơ chế Quốc phòng châu Âu” (European Defence Mechanism - EDM).

Quỹ này nhằm mua sắm và sở hữu thiết bị quân sự tập trung, từ đó cho các quốc gia thành viên thuê sử dụng, giúp tăng chi tiêu quốc phòng mà không làm gia tăng gánh nặng nợ công đối với mỗi nước.

Đơn vị đề xuất thiết lập quỹ trên là Bruegel - cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Brussels chuyên về chính sách kinh tế của châu Âu cũng như quốc tế. Tài liệu trình bày đề xuất này đã được chuẩn bị cho cuộc họp bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu và quỹ này được xem là một trong những cách thức nhằm giải quyết lo ngại của các quốc gia có mức nợ công cao trong việc tăng cường năng lực phòng thủ thông qua các dự án mua sắm thiết bị quân sự tốn kém.

Theo đề xuất, quỹ sẽ được thành lập theo hình thức một hiệp ước liên chính phủ, với vốn điều lệ được đóng góp và cam kết ở mức lớn, giúp quỹ có thể huy động vốn trên thị trường.

Quỹ dự kiến sẽ ưu tiên đầu tư vào các năng lực chiến lược - bao gồm hạ tầng và trang thiết bị quân sự có chi phí lớn, chẳng hạn như hệ thống chỉ huy và kiểm soát chung, hệ thống trinh sát và thông tin liên lạc qua vệ tinh… Đây là những hệ thống mà hiện vẫn chủ yếu do Mỹ cung cấp.

Quỹ cũng hướng đến thúc đẩy một thị trường nội khối về trang thiết bị quốc phòng, qua đó giúp giảm chi phí và huy động được tối đa các nguồn lực. Các nước không thuộc Liên minh châu Âu như Vương quốc Anh, Ukraine hoặc Na Uy có thể tham gia quỹ này.

Do EDM sẽ trực tiếp sở hữu thiết bị quân sự được mua sắm, phần nợ phát sinh sẽ được hạch toán vào bảng cân đối kế toán của EDM thay vì của từng quốc gia thành viên.

Đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Liên minh châu Âu nhằm tăng cường năng lực phòng vệ trước những mối đe dọa tiềm tàng, trong bối cảnh các nước châu Âu ngày càng nhận thức rõ rằng không thể hoàn toàn dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho châu lục.

Một số nước đã bày tỏ ủng hộ đề xuất này. Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Joaquim Miranda Sarmento cho biết: “Đây là một điểm khởi đầu tốt cho các cuộc thảo luận.” Tuy nhiên, Bộ trưởng Sarmento cũng lưu ý vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết chẳng hạn như phạm vi hoạt động, cơ chế tài chính, mức đóng góp, khả năng huy động vốn cũng như các khía cạnh quân sự liên quan.

Một số nước khác cũng bày tỏ sự ủng hộ ban đầu đối với ý tưởng này, lưu ý rằng việc thiết lập quỹ này về mặt kỹ thuật sẽ tương đối đơn giản nếu áp dụng mô hình của Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ tài chính của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Brussels của Bỉ hồi tháng 3 vừa qua, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã thông qua kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm tăng cường quốc phòng cho toàn bộ lục địa, với một quỹ lên tới 800 tỷ euro (tương đương 876 tỷ USD) trong vòng 4 năm tới.

Để huy động được con số này, Liên minh châu Âu sẽ phải điều chỉnh các quy định tài khóa để cho phép các nước thành viên tăng chi tiêu quốc phòng mà không vi phạm các giới hạn ngân sách.

Tuy nhiên, lựa chọn này có thể làm gia tăng nợ công quốc gia - điều khiến các nước có mức nợ cao lo ngại. Trong khi đó, đề xuất EDM cho phép giữ một phần chi phí đầu tư quốc phòng ngoài bảng cân đối tài chính quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lien-minh-chau-au-xem-xet-lap-quy-quoc-phong-chung-de-giam-ap-luc-no-cong-post1027376.vnp
Zalo