Liên minh châu Âu sẵn sàng đồng thuận cho thỏa thuận di cư mới
Theo France24 ngày 29-9, Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng nhất trí các quy định mới về cách xử lý những người xin tị nạn và người di cư bất hợp pháp sau khi Đức cho biết sẽ tuân theo thỏa thuận đã được đàm phán chặt chẽ.
Ủy viên nội vụ EU Ylva Johansson cho biết "không có trở ngại chính" nào đối với vấn đề gai góc này sau cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ trong khối hôm 28-9 và thỏa thuận chính thức sẽ đến "trong vài ngày".
Sau khi được thực thi, thỏa thuận mới về di cư và tị nạn sẽ giảm bớt áp lực lên các quốc gia được gọi là tiền tuyến như Italia và Hy Lạp bằng cách chuyển một số người tị nạn sang các quốc gia EU khác. Những quốc gia phản đối việc tiếp nhận người tị nạn, trong số đó có Ba Lan và Hungary, sẽ phải trả tiền cho những quốc gia tiếp nhận người di cư.
Đồng thời, EU sẽ tìm cách đẩy nhanh quá trình xử lý đơn xin tị nạn để những người di cư không được chấp nhận sẽ được đưa về nước xuất xứ hoặc quá cảnh của họ. Cùng với đó, thời gian giam giữ tối đa đối với người di cư ở các trung tâm biên giới sẽ được kéo dài so với 12 tuần hiện tại.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết, Berlin đã giành được những nhượng bộ cho phép cuối cùng ủng hộ thỏa thuận, bởi nước này ban đầu bỏ phiếu trắng đối với dự thảo mà Đức cho là quá khắc nghiệt đối với một số nhóm người di cư. Những thay đổi được thực hiện để có được sự đồng ý của Đức bao gồm việc đảm bảo các gia đình và trẻ em được "ưu tiên" khi họ đến EU trái phép và các tiêu chí tiếp nhận người xin tị nạn không bị thắt chặt.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cho biết rằng Italia cần thêm thời gian để nghiên cứu văn bản mới nhất. Phát biểu sau khi chủ trì cuộc họp ở Brussels, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Fernando Grande-Marlaska nhấn mạnh rằng “phần lớn các quốc gia thành viên” đã đồng ý với cách tiếp cận thỏa hiệp. Dù còn một số vấn đề nhưng ông cam kết rằng thỏa thuận cuối cùng sẽ đạt được "trong vài ngày tới".
Những bất đồng trong vấn đề người di cư ngày càng tăng trong liên minh khi EU phải đối mặt với tình trạng di cư gia tăng bất thường. Sự xuất hiện của hàng ngàn người xin tị nạn đến từ châu Phi trên đảo Lampedusa của Italia đã thúc đẩy việc phải sửa đổi chính sách.
Một phần mục đích của chính sách mới là để các nước thuộc EU cùng hành động nếu họ phải đối mặt với làn sóng người tị nạn lớn đột ngột đổ vào, như đã xảy ra vào năm 2015-2016 khi hàng trăm nghìn người di cư tới châu Âu, hầu hết là người Syria chạy trốn khỏi chiến tranh.