Liên minh Châu Âu ra tối hậu thư cho Romania về trần giá khí đốt

Ủy ban Châu Âu cảnh báo Romania phải dỡ bỏ trần giá khí đốt hoặc có thể đối mặt với hành động pháp lý về chính sách này, vì theo cơ quan hành pháp EU, chính sách đó vi phạm các quy định của thị trường năng lượng trong khối.

Ảnh Reuters

Ảnh Reuters

Từ tháng 11 năm 2021, hóa đơn khí đốt và điện của các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và các cơ quan công lập tại Romania đã được áp trần theo mức tiêu thụ hằng tháng nhất định, do đó các nhà cung cấp đã phải bù đắp cho phần chênh lệch giá này.

Trong một thông báo công bố hôm thứ Tư 7/5, Ủy ban Châu Âu cho biết chính sách này vi phạm quy tắc của EU về việc hình thành giá khí đốt bán buôn một cách tự do, vì biện pháp của Romania buộc các công ty phải bán một phần sản lượng với mức giá bán buôn cố định.

“Việc áp dụng giá điều tiết ở cấp độ thị trường bán buôn toàn EU làm sai lệch tín hiệu giá và cản trở hoạt động hiệu quả của thị trường,” Ủy ban nhận định.

Giá khí đốt bán buôn ở Châu Âu bắt đầu tăng vào năm 2021 sau khi Nga hạn chế nguồn cung. Giá đạt mức cao kỷ lục vào năm sau đó, khi Moscow tiếp tục cắt giảm nguồn cung sau cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Chính phủ Romania có hai tháng để phản hồi cảnh báo từ EU, sau đó nếu vấn đề không được giải quyết, Ủy ban có thể đưa vụ việc lên Tòa án Công lý Châu Âu – cơ quan tư pháp cao nhất của EU.

Hiện tại, Romania đang có Chính phủ lâm thời trước vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào ngày 18 tháng 5, và Chính phủ này không có quyền ban hành sắc lệnh hoặc chính sách mới.

Cựu Thủ tướng Marcel Ciolacu đã từ chức vào thứ Hai 5/5, sau khi ứng viên cực hữu và hoài nghi châu Âu George Simion giành chiến thắng trong vòng đầu của cuộc bầu cử Tổng thống lần hai. Vị Tổng thống được bầu trong tháng này sẽ có nhiệm vụ chỉ định Thủ tướng mới.

Vào tháng Hai, Chính phủ tiền nhiệm đã gia hạn chính sách trần giá khí đốt thêm một năm, đồng thời kéo dài giới hạn giá điện đến tháng Sáu nhằm kiềm chế hóa đơn của người tiêu dùng.

Romania khai thác gần như toàn bộ lượng khí đốt tiêu thụ trong nước, thông qua các nhà khai thác OMV Petrom, công ty nhà nước Romgaz và nhà khai thác ngoài khơi Black Sea Oil & Gas.

Yến Anh

Reuters

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/lien-minh-chau-au-ra-toi-hau-thu-cho-romania-ve-tran-gia-khi-dot-727219.html
Zalo