Liên kết lỏng lẻo, doanh nghiệp Việt khó vươn xa
Không chỉ liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau cũng rất lỏng lẻo.
Hình thức đa dạng nhưng còn ‘lỏng lẻo’
Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), hiện Việt Nam có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có khoảng 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp hơn 40% GDP, tạo ra hơn 50% việc làm và đóng góp trên 30% ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp Việt Nam thiếu chủ động trong vấn đề liên kết. Ảnh minh họa
Đánh giá về liên kết giữa các khu vực doanh nghiệp, TS Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược (Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương) - cho rằng: Các hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp ngày càng đa dạng hơn, bao gồm hợp tác doanh nghiệp cùng ngành (liên kết ngang), hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng (liên kết dọc), đầu tư, góp vốn, mua bán, sáp nhập và hình thành các nhóm công ty, ký kết hợp tác chiến lược nhằm chia sẻ thị trường, thông tin, nghiên cứu phát triển.
"Trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng tăng" – bà Trần Thị Hồng Minh khẳng định.
Đồng ý liên kết giữa các khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam đã có sự cải thiện thời gian gần đây, nhưng chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, mối liên kết giữa các doanh nghiệp vẫn còn ‘lỏng lẻo’, chưa như kỳ vọng và chưa tạo được sự đột phá để biến thành các động lực phát triển.
Đặc biệt, theo ông Hoàng Quang Phòng, liên kết lỏng lẻo không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà còn giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính sự thiếu liên kết đó là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam khó đứng vững, vươn xa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Điều này đã được chứng minh qua số liệu báo cáo của Cục Thống kê quý I/2025, theo đó, Việt Nam có 72,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 78,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tăng cường liên kết, hợp tác sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường
Liên kết để vững mạnh, vươn xa
Số liệu điều tra doanh nghiệp của Cục Thống kê (trước đây là Tổng cục Thống kê) thực hiện trong giai đoạn 2018-2024 cho thấy, có 97% doanh nghiệp trả lời không có hoạt động liên quan đến xuất khẩu hàng hóa và 99% doanh nghiệp không gia công hoặc sản xuất hàng hóa cho nước ngoài.
Trong khi đó, nghiên cứu của VCCI được thực hiện vào năm 2022 cũng chỉ rõ, một nửa doanh nghiệp khảo sát trả lời không đặt mục tiêu gì khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, liên kết doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời hội nhập kinh tế quốc tế. Nó không chỉ tạo nên sức mạnh cho doanh nghiệp đơn lẻ mà còn tạo nên sức mạnh đồng thuận trong mỗi ngành hàng, lĩnh vực cũng như xây dựng nên những thương hiệu về sản phẩm, ngành hàng uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là thiếu sự hợp tác, liên kết và thường phát triển theo hướng ‘mạnh ai nấy làm’. Nhận thức doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp về vai trò của liên kết còn hạn chế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh nhận thức về vai trò của liên kết, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97%), còn khó khăn về vốn, kinh nghiệm nên khó tham gia liên kết với các tập đoàn nước ngoài để tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.
"Ngoài ra, năng lực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối hạn chế, từ cạnh tranh về giá, chất lượng cho đến khả năng giao hàng đúng thời hạn, thực hiện đơn hàng lớn…" – TS Trần Thị Hồng Minh thông tin.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Quang Phòng, những chính sách thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp vẫn thiếu đồng bộ nên chưa tạo được hiệu quả. Theo đó, để gia tăng liên kết cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đại diện VCCI cho rằng, tới đây các hiệp hội, ngành hàng, cơ quan chức năng cần rà soát và bổ sung, chỉnh sửa cơ chế, chính sách để thúc đẩy liên kết không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà cả doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, để tạo cơ chế liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, bên cạnh nâng cao năng lực doanh nghiệp nội thông qua đầu tư máy móc, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam cần có những cơ chế rõ ràng, khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài ‘bắt tay’ với các đối tác trong nước.
Việt Nam còn thiếu những chính sách đặc thù về thúc đẩy các hình thức liên kết doanh nghiệp, nhất là chính sách ưu đãi về thuế, tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh theo mức độ tham gia của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.