Liên kết giữa địa phương, du lịch, hàng không để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, du lịch đã trở thành một ngành công nghiệp hàng đầu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia. Sự phát triển của du lịch dựa vào nhiều yếu tố, trong đó, sự liên kết là yêu cầu khách quan và luôn đặt lên hàng đầu, được ví như những mắt xích gắn kết trong một chuỗi dây chuyền nhịp nhàng, có thể kể đến như sự liên kết giữa các địa phương với du lịch, hay mối quan hệ giữa du lịch và giao thông vận tải.
Giao thông với vai trò là huyết mạch của mọi hoạt động kinh tế xã hội, không chỉ đơn thuần là phương tiện kết nối mà còn là yếu tố quyết định phần lớn đến sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Trong hành trình phát triển của du lịch, không thể phủ nhận vai trò then chốt của giao thông vận tải. Là bệ phóng vững chắc, hệ thống giao thông hiện đại và đồng bộ chính là nền tảng để du lịch thăng hoa, mở ra những cơ hội và tiềm năng vô tận cho các điểm đến trên khắp thế giới. Một điểm đến dù có hấp dẫn đến đâu nhưng nếu giao thông không thuận lợi, kết nối không tốt sẽ không phải một điểm đến lý tưởng đối với du khách. Khi giao thông thuận lợi, du khách dễ dàng tiếp cận những vùng đất mới, khám phá những di sản văn hóa và thiên nhiên phong phú, từ đó làm tăng thêm giá trị và sức hút cho các điểm du lịch. Sự thuận tiện và hiệu quả của các loại hình giao thông đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo điều kiện cho du khách có những hành trình trọn vẹn và đáng nhớ, trong đó hàng không đã và đang trở thành mũi nhọn trong du lịch không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Theo chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026, kỳ vọng đặt ra cho năm 2026 là phục vụ khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Hiện nay, du lịch Việt Nam đang dần phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên so với thị trường nội địa tiềm năng với 75-80 triệu lượt khách dự kiến trong năm 2026 thì chưa thật sự khai thác hết những cơ hội mà ngành đang có.
Một số những thách thức mà ngành du lịch hiện nay đang gặp phải như:
Thứ nhất, sự cạnh tranh gay gắt từ ngành du lịch của các nước khác. Sau khi các hạn chế đi lại được nới lỏng, nhiều quốc gia đã nhanh chóng phục hồi và tái khởi động các chiến dịch quảng bá du lịch. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp các trải nghiệm phong phú thì các điểm đến như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khối Châu Âu,… đã đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn như miễn thị thực và đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cùng các gói giảm giá, khuyến mãi để thu hút du khách. Bên cạnh đó, du khách hiện nay có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ, độc đáo và mang tính cá nhân hóa cao.
Thứ hai, chất lượng dịch vụ chưa đồng đều giữa các vùng miền, địa điểm tham quan hay các địa phương khác nhau trong khi giá dịch vụ cao cũng làm du khách không dám chi tiêu mạnh tay. Về chất lượng dịch vụ lưu trú, tại các thành phố lớn và vùng du lịch nổi tiếng thường có cơ sở hạ tầng du lịch tốt, bao gồm hệ thống giao thông hiện đại, khách sạn, nhà hàng chất lượng cao và các dịch vụ tiện ích, trong khi đó các khu vực nông thôn hoặc các điểm du lịch mới phát triển, cơ sở hạ tầng thường kém hơn, thiếu các dịch vụ tiện ích, giao thông khó khăn và ít lựa chọn về lưu trú và ẩm thực. Về giá dịch vụ ăn uống thì tại các nhà hàng và quán ăn ở các điểm du lịch nổi tiếng thường cao hơn so với mặt bằng chung. Giá vé tại nhiều điểm tham quan và hoạt động giải trí thì khá cao, đặc biệt là các hoạt động mang tính trải nghiệm hoặc đặc thù như các tour du lịch mạo hiểm hay các sự kiện văn hóa.
Thứ ba, tác động từ du lịch đến môi trường như gây ô nhiễm nước, không khí, rác thải, sự xâm lấn, xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng,… trong các khu vực tự nhiên gây mất mát và suy giảm đa dạng sinh học, phá hủy môi trường sống của nhiều loài động, thực vật. Sự gia tăng lượng khách du lịch có thể gây ra sự quá tải cho các hệ sinh thái tự nhiên, dẫn đến hiện tượng chặt phá rừng, xói mòn đất, và suy thoái hệ sinh thái. Những điều này không những dẫn đến trải nghiệm không đồng nhất và gây nên sự thất vọng cho du khách mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành du lịch.
Xét về du lịch và hàng không thì đây không chỉ đơn thuần là mối quan hệ hợp tác, mà còn là yếu tố quyết định đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững của ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đối với thị trường hàng không Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trước khi đại dịch bùng phát, nhưng sau đó chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời kỳ dịch Covid-19, và đến nay hàng không đang dần phục hồi và lấy lại đà phát triển.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam cũng nằm trong xu thế của thị trường khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và sẽ hồi phục vào cuối năm 2024. Theo dự báo, tổng nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường hàng không năm 2024 ước khoảng 84,2 triệu khách, tăng 15% so với năm 2023 và tăng 6% so với năm 2019. Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 41,5 triệu khách, tăng 3,3% so với năm 2023 và tăng 11% so với năm 2019; vận chuyển hành khách quốc tế đạt khoảng 42,7 triệu khách, tăng 15,8% so với năm 2023 và tăng 6,4% so với năm 2019. Tuy nhiên, dù cho có nhiều tín hiệu tích cực, vẫn tồn tại nhiều thách thức và rủi ro hiện hữu có thể phát sinh mà ngành hàng không phải đối mặt, có thể kể đến như: các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế; bất ổn về chính trị xã hội các nước trên thế giới; hạn chế về khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng; diễn biến bất lợi về giá nhiên liệu hàng không; sự tăng giá của các nhà cung ứng dịch vụ hay sức ép từ cắt giảm khí thải các-bon,...
Chính vì những lẽ trên, việc liên kết chặt chẽ giữa địa phương, du lịch và hàng không sẽ không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận của du khách đến các điểm đến, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ sinh thái du lịch bền vững. Đầu tiên, liên kết giữa các địa phương đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển du lịch. Du lịch ở mỗi địa phương muốn phát triển cần phải tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Bằng cách hợp tác chặt chẽ, các địa phương có thể tận dụng tối đa tiềm năng du lịch của mình và tạo ra những trải nghiệm du lịch phong phú và đa dạng cho du khách.
Việc liên kết này có thể bao gồm chia sẻ tài nguyên du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp giữa các địa phương, xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng du lịch kết nối, cũng như thúc đẩy các hoạt động quảng bá và tiếp thị chung. Hơn nữa, việc liên kết này cũng mở ra cơ hội cho việc phát triển du lịch bền vững, khi các địa phương có thể cùng nhau đảm bảo bảo tồn và bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hóa, đồng thời phân phối lợi ích từ ngành du lịch một cách công bằng và bền vững cho cộng đồng địa phương. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa du lịch và hàng không sao cho đạt mục tiêu hài hòa lợi ích các bên. Đây là mối quan hệ hai chiều, trong đó du lịch mang đến nguồn khách cho hàng không và hàng không tạo đà cho phát triển du lịch. Căn cứ những phân tích trên, với góc nhìn khách quan và vai trò là đơn vị lữ hành, hàng không tiên phong tại Việt Nam, tôi có một số ý kiến về sự liên kết giữa địa phương, du lịch và hàng không tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, phát triển hạ tầng giao thông qua việc nâng cấp sân bay, đầu tư đường bộ, hệ thống giao thông thuận tiện giữa các địa phương, ưu tiên phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Các địa phương cần có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các hãng hàng không mở đường bay mới, đặc biệt là đường bay trực tiếp đến những điểm du lịch tiềm năng, qua đó giúp
du khách dễ dàng tiếp cận, lên kế hoạch và di chuyển, thúc đẩy lượng khách đến tham quan. Bên cạnh đó, hãng hàng không cũng mở rộng mạng lưới và tăng doanh thu từ lượng khách du lịch.
Thứ hai, địa phương, doanh nghiệp du lịch và hãng hàng không phối hợp quảng bá về điểm đến, sản phẩm du lịch đến thị trường trong và ngoài nước, tập trung vào du lịch xanh, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.
Thứ ba, các bên phối hợp để có các chương trình kích cầu du lịch như giảm giá vé máy bay, combo du lịch trọn gói, miễn phí visa,... tăng cường việc sử dụng các sản phẩm du lịch bền vững.
Thứ tư, phát triển du lịch đặc thù với giá cả hợp lý, như việc hỗ trợ địa phương phát triển các sản phẩm mang nét đặng trưng riêng biệt, có lợi thế địa phương và phù hợp với xu hướng thị trường, ưu tiên các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường và cộng đồng.
Thứ năm, đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách, chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên.Liên kết chuỗi dịch vụ du lịch, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ du nhằm mang đến cho du khách trải nghiệm trọn gói.
Thứ sáu, các giải pháp gắn liền phát triển du lịch xanh như bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải nhà kính từ hoạt động hàng không, nâng cao nhận thức của du khách về du lịch bền vững, khuyến khích du khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường,...
Thứ bảy, vai trò "nhạc trưởng" là Chính phủ và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam để xây dựng các chương trình có tính chất kích cầu đột phá, kết nối vùng với sự tham gia của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch và các bên liên quan.
Với vai trò là cầu nối giữa địa phương, du lịch và hàng không, Vietravel cam kết đồng hành cùng các bên liên quan để phát triển du lịch Việt Nam với các khía cạnh như sau:
Kết nối điểm đến: Vietravel cam kết phối hợp, đồng hành cùng địa phương và các hãng hàng không để quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch, thu hút du khách, đồng thời triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch, dịch vụ du lịch trọn gói chất lượng cao, kết hợp hiệu quả giữa lữ hành, vé máy bay, khách sạn, visa... ưu tiên các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Liên kết dịch vụ: Vietravel cung cấp dịch vụ du lịch trọn gói chất lượng cao, kết hợp hiệu quả giữa lữ hành, vé máy bay, khách sạn, visa,... mang đến cho du khách trải nghiệm liền mạch và tối ưu chi phí. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tiến hành triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch bền vững, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện với môi trường trên thị trường quốc tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp: Vietravel chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và cải tiến công nghệ cùng với các doanh nghiệp du lịch địa phương, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đồng thời với vị thế là doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam và Quốc tế, Vietravel rất thuận lợi trong việc thúc đẩy kết nối doanh nghiệp tại các địa phương kết nối với các doanh nghiệp ở thành phố lớn khác để trao đổi, chia sẻ đầu tư, thương mại, định hướng phát triển thúc đẩy phát triển cho doanh nghiệp trong nước và tiếp cận thị trường quốc tế.
Vietravel Airlines: Hãng hàng không Vietravel Airlines tham gia vào liên kết này bằng cách mở rộng mạng lưới đường bay đến các điểm du lịch tiềm năng, góp phần thúc đẩy lưu thông du khách và phát triển kinh tế địa phương.
Tóm lại, liên kết chặt chẽ giữa địa phương, du lịch và hàng không chính là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển bền vững cho ngành du lịch Việt Nam. Sự phối hợp đồng bộ này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách mà còn thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và bảo vệ môi trường. Khi các địa phương cùng bắt tay với ngành du lịch và hàng không, chúng ta xây dựng một hệ sinh thái du lịch hài hòa và bền vững, nâng cao trải nghiệm của du khách, đồng thời những giá trị thiên nhiên và văn hóa quý báu được bảo tồn cho thế hệ mai sau. Cùng với sự gắn kết này, hình ảnh Việt Nam sẽ tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới, trở thành một điểm đến không chỉ hấp dẫn mà còn mang đậm tính nhân văn và bền vững.