Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh

Đó là chủ đề Diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông năm 2024 do Ban Pháp chế VCCI phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Ban Quản lý KKT Quảng Ninh tổ chức vào chiều 12/12.

Lần đầu công bố Báo cáo kinh tế tiểu vùng VEHEC

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã khái quát những kết quả nổi bật sau hơn 2 năm kể từ khi Thỏa thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (VEHEC)được ký kết giữa VCCI và 4 địa phương gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc.

"VEHEC là một động lực kinh tế quan trọng của miền Bắc Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GRDP toàn khu vực VEHEC trong những năm vừa qua đạt mức cao, dao động từ 9 - 12% mỗi năm, cao hơn mức GRDP trung bình của 63 tỉnh, thành", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI bày tỏ: Thông qua Diễn đàn, chúng tôi kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoàn thiện và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại Việt Nam nói chung cũng như VEHEC nói riêng. Qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế để trở thành trung tâm sản xuất thông minh trong tương lai. Đồng thời, khuyến khích sự quan tâm đầu tư từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế vào thị trường Việt Nam...

Toàn cảnh Diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông năm 2024.

Toàn cảnh Diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông năm 2024.

Tại Diễn đàn, lần đầu tiên VCCI công bố "Báo cáo kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông (VEHEC)". Báo cáo đã cung cấp một phân tích toàn diện về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng và các nỗ lực phát triển bền vững của khu vực VEHEC. Thông qua phân tích số liệu về kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh, xác định các hạn chế chính và đề xuất các khuyến nghị chính sách cụ thể, báo cáo hướng đến cung cấp những thông tin hữu ích để hỗ trợ VEHEC tiếp tục chuyển mình thành một trung tâm kinh tế tăng trưởng bền vững và phát triển cao.

Bàn về tương lai chuỗi cung ứng sản xuất thông minh

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã cùng tham gia thảo luận về các vấn đề xoay quanh "tương lai chuỗi cung ứng sản xuất thông minh".

TS. Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khuyến nghị, phát triển KCN nói chung ở trục cao tốc phía Đông phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải, gắn với phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp. Cụ thể như chuyển đổi không gian phát triển, áp dụng thí điểm các mô hình KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế, thu hút các dự án sản xuất công nghiệp và dịch vụ công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch...

TS. Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khuyến nghị, phát triển KCN phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải.

TS. Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khuyến nghị, phát triển KCN phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải.

Khẳng định vai trò của logistics trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh, bền vững, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam nhấn mạnh, logistics được ví là xương sống, mạch máu thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời là nền tảng kết nối chuỗi cung ứng. Tại các KCN thuộc tiểu vùng VEHEC - nơi có lợi thế hạ tầng giao thông hiện đại, logistics giúp tối ưu hóa luồng vận chuyển, rút ngắn thời gian giao hàng và giảm chi phí, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi cung ứng sản xuất thông minh và bền vững.

Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam nhấn mạnh, logistics là nền tảng kết nối chuỗi cung ứng.

Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam nhấn mạnh, logistics là nền tảng kết nối chuỗi cung ứng.

Theo ông Đào Trọng Khoa, giải pháp giảm chi phí logistics, tăng quy mô thị trường logistics, đòi hỏi phát triển về chất, theo đó doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là hướng tất yếu. Nhấn mạnh về tiềm năng phát triển logistics xanh tại các KCN thông minh tại Việt Nam, ông Khoa cho rằng, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đang cho Việt Nam cơ hội đón dòng đầu tư, đòi hỏi doanh nghiệp phải "xanh" hóa để đón nhận cơ hội này.

TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam nêu quan điểm, các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.

TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam nêu quan điểm, các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.

TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam nêu quan điểm, việc nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng, vững chân bước vào sân chơi toàn cầu về sản xuất, cung ứng sản phẩm. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có đủ các điều kiện tài chính để đầu tư cho sản xuất và kinh doanh ở mức đã sử dụng công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao ở tất cả các cấp quản lý sản xuất và sản xuất trong doanh nghiệp.

Ngoài ra cũng nhiều ý kiến tham gia đóng góp kinh nghiệm, giải pháp về xây dựng mô hình KCN xanh, thông minh đón chuỗi cung ứng sản xuất thông minh; xây dựng kinh tế tuần hoàn, tạo ra chuỗi sản xuất thông minh - tuần hoàn;vận hành chuỗi cung ứng thông minh để phục vụ khách hàng toàn cầu...

Ngày 28/7/2022, VCCI và 4 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương - Hưng Yên đã ký kết Thỏa thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (VEHEC). Trong đó, 4 địa phương thống nhất xây dựng liên kết kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, để cùng nhau thúc đẩy, nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng.

Ngọc Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lien-ket-thuc-day-chuoi-cung-ung-san-xuat-thong-minh-10296390.html
Zalo