Liên kết du lịch Hà Nội - Nghệ An: Cần thoát khỏi tính mùa vụ
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), ngày 17-5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm 'Đánh giá các sản phẩm, dịch vụ du lịch tỉnh Nghệ An' nhằm tăng cường liên kết, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn giữa Hà Nội - Nghệ An. Sự kiện có sự tham gia của gần 70 đơn vị lữ hành Hà Nội.

Bãi biển Cửa Lò, Nghệ An. Ảnh: Hoàng Lân
Điểm đến hấp dẫn của miền Trung
Cách Hà Nội hơn 300km, Nghệ An là điểm đến thân thuộc với du khách đến từ Hà Nội. Du lịch Nghệ An được biết đến với nhiều bãi biển, hang động, thác nước đẹp như: Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Diễn Thành, Cửa Hiền, Hang Bua, Thẩm Ồm, thác Bảy Tầng (huyện Quế Phong), đỉnh Puxailaileng, đảo chè Thanh Chương...
Nghệ An còn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời với trên 2.000 di tích lịch sử danh thắng, đặc biệt có 4 di tích được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt (Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Di tích cột mốc Km số 0 đường Hồ Chí Minh, Di tích Đình Hoành Sơn)…

Từ ngày 15 đến 17-5, Đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội với sự tham gia gần 70 doanh nghiệp lữ hành tổ chức khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An: Khu du lịch VinWonders Cửa Hội, Khu di tích lịch sử Làng Sen, các cơ sở lưu trú... Ảnh: Hoàng Lân
Theo Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An, những năm qua, sự liên kết phát triển du lịch giữa địa phương với các tỉnh, thành phố trong vùng, khu vực, nhất là với thành phố Hà Nội, luôn được thắt chặt. Hiện nay, tỉnh Nghệ An có nhiều lợi thế để tăng hiệu quả liên kết. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhất là việc khánh thành đường cao tốc Vinh – Hà Nội đã rút ngắn khoảng thời gian di chuyển của du khách. Một số dự án trong lĩnh vực du lịch được đưa vào khai thác phục vụ khách như: tổ hợp vui chơi giải trí VinWonders Cửa Hội.
Năm 2024, tỉnh Nghệ An đã đón lượng khách du lịch lớn với hơn 9,4 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 28.569 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đón 4,8 triệu lượt khách; tổng thu đạt 14.265,714 tỷ đồng, bằng 115% so với cùng kỳ năm 2024.

Cụm di tích tại quê ngoại - làng Hoàng Trù, xã Kim Liên gồm các điểm di tích: Nhà của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Chùa, là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên Bác lúc còn nhỏ) cất tiếng khóc chào đời. Nhà gồm ba gian, mái lá, xung quanh che phên... Ảnh: Hoàng Lân

Khu di tích lịch sử Quốc gia Đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Hoàng Lân
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết, hiện ngành Du lịch Nghệ An đang nỗ lực thực hiện mục tiêu từng bước đưa du lịch Nghệ An phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Việc tăng cường hợp tác du lịch với Hà Nội góp phần tăng lượng khách đến Nghệ An một cách hiệu quả, bền vững.
Làm sao hút khách mùa thấp điểm?
Tại tọa đàm, các đơn vị lữ hành đánh giá Nghệ An là thị trường du lịch nổi bật của miền Trung. Tuy nhiên, du lịch Nghệ An chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng. Điểm yếu là lượng khách mùa thấp điểm còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào khách nội địa; một số cơ sở hạ tầng cần nâng cao chất lượng dịch vụ…

Khảo sát cơ sở HTX chế biến làng nghề nước mắm Hải Giang 1, Cửa Hội. Ảnh: Hoàng Lân
Đóng góp cho du lịch Nghệ An, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng đề nghị: ngoài việc phát triển thế mạnh du lịch biển, Nghệ An nên xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên đề, như sản phẩm du lịch tháng 5 nhân dịp sinh nhật Bác Hồ với tour “Theo dấu chân Bác”, đưa khách tham quan các “địa chỉ đỏ”; phát triển sản phẩm du lịch mùa sen nở; du lịch đường sắt từ Hà Nội – Nghệ An...
Vào mùa xuân, Nghệ An có thể phát triển sản phẩm khám phá Tây Nghệ An với hành trình leo núi Puxailaileng. Ngoài ra, ông Trương Quốc Hùng gợi ý tỉnh nên phát triển du lịch cộng đồng, đưa khách trải nghiệm du lịch nông thôn, miền núi; xây dựng tour liên kết vùng Nghệ An – Thanh Hóa – Hà Tĩnh trong trục sản phẩm Bắc Trung Bộ; phát triển tour đêm; ứng dụng số hóa và truyền thông điểm đến như bản đồ du lịch số, vé điện tử, ứng dụng du lịch…

Tọa đàm “Đánh giá các sản phẩm, dịch vụ du lịch tỉnh Nghệ An” diễn ra sáng 17-5. Ảnh: Hoàng Lân
Đề xuất giải pháp giúp du lịch Nghệ An thoát khỏi tính mùa vụ, Giám đốc Công ty Du lịch MTV Travel Đoàn Ngọc Tùng cho rằng: Nghệ An nên tập trung vào phát triển du lịch MICE vào mùa thấp điểm (từ tháng 9), xây dựng sản phẩm du lịch cho học sinh, sinh viên. “Muốn tăng lượng khách mùa thấp điểm, hút khách MICE, khách đoàn, các cơ sở vật chất của Nghệ An như hệ thống lưu trú, nhà hàng cần đáp ứng được yêu cầu của khách và có chính sách cụ thể cho các đơn vị lữ hành”, ông Tùng nói.
Về vấn đề này, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist (Tổng Công ty Du lịch Hà Nội) Lê Thị Hòa nhận định, một vấn đề nan giải hiện nay là nguồn nhân lực du lịch tại Nghệ An chưa ổn định. Để thu hút khách mùa thấp điểm, cần có chính sách đào tạo nhân lực chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, Nghệ An cần có chiến lược truyền thông quảng bá chuyên nghiệp cho các sự kiện văn hóa lớn như Lễ hội Làng Sen. “Nghệ An cần đóng gói sản phẩm du lịch cụ thể cả về hành trình và giá để các đơn vị lữ hành dễ dàng xây dựng tour, tuyến và quảng bá. Ngoài ra, tỉnh nên đẩy mạnh tổ chức các sự kiện văn hóa, giải trí với sự tham gia của các ca sĩ, KOLs quê Nghệ An để tăng hiệu quả truyền thông”, bà Hòa chia sẻ.

Phố đi bộ đêm tại thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Hoàng Lân
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh liên kết du lịch giữa Hà Nội - Nghệ An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu đề xuất hai địa phương cần tập trung xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng mới, độc đáo. Đồng thời, tạo điều kiện cho các công ty lữ hành, điểm đến hai bên có cơ hội liên kết, phối hợp nghiên cứu, khảo sát xây dựng sản phẩm. Ngoài ra, cần phối hợp xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm phù hợp cho các tour khởi hành từ cả Hà Nội và Nghệ An, từ đó thúc đẩy lượng khách hai chiều…
Tại hội thảo, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh du lịch Cửa Lò để hut hút khách mùa thấp điểm; phát huy lợi thế du lịch quê Bác. “Sở sẽ chỉ đạo, định hướng các đơn vị du lịch xây dựng các tour inbound khai thác thị trường Lào đường bộ để thu hút khách nước ngoài nhiều hơn…”, bà Mỹ Hạnh thông tin.