Liên kết để 'làm ăn lớn'

Những năm gần đây, nhiều gia đình ở huyện miền núi Định Hóa đã tập trung phát triển chăn nuôi theo hình thức hợp đồng gia công cho doanh nghiệp, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi mà còn giúp người tiêu dùng được tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, góp phần thay đổi tập quán sản xuất của bà con.

Hợp tác xã chăn nuôi CNC xã Trung Lương (Định Hóa) thực hiện chăn nuôi gà liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam.

Hợp tác xã chăn nuôi CNC xã Trung Lương (Định Hóa) thực hiện chăn nuôi gà liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam.

Thường xuyên duy trì đàn lợn từ 300-500 con, gia đình ông Lưu Đức Hiển, xóm Khuôn Câm, xã Quy Kỳ là một trong những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn nhất huyện Định Hóa. Ông Hiển cho biết: Gia đình tôi chăn nuôi liên kết với Công ty TNHH CJ Vina Agri khoảng hơn 1 năm nay. Theo đó, Công ty hỗ trợ con giống, kỹ thuật và thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; khi đến kỳ xuất chuồng, toàn bộ số lợn được doanh nghiệp thu mua theo giá bán đã thỏa thuận.

Hình thức chăn nuôi này vừa đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng trong chăn nuôi, vừa ổn định đầu ra, đem về cho gia đình nguồn thu ổn định khoảng 150-250 triệu đồng/lứa. - ông Lưu Đức Hiển

Tương tự, gia đình anh Ma Văn Khuyến, xóm Hòa Lịch, xã Trung Lương, cũng hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình chăn nuôi gà (khoảng 5.000 con/lứa). Nhờ vào việc liên kết chăn nuôi với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nên gia đình được hỗ trợ giống, thức ăn, vắc xin, thuốc và hoàn toàn không phải lo đầu ra như trước. Anh Khuyến cho biết: Nếu không liên kết, đến kỳ gà được xuất bán mà không tiêu thụ kịp thời thì mỗi ngày gia đình sẽ phải tốn thêm hàng triệu đồng chi phí thức ăn. Hiện nay, tôi chăn nuôi liên kết với Công ty nên hoàn toàn không cần lo đầu ra mà thu nhập lại phần nhỉnh hơn.

Huyện Định Hóa hiện có gần 30 trang trại chăn nuôi quy mô thực hiện liên kết với các doanh nghiệp. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gà liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm tại xã Phượng Tiến.

Huyện Định Hóa hiện có gần 30 trang trại chăn nuôi quy mô thực hiện liên kết với các doanh nghiệp. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gà liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm tại xã Phượng Tiến.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Định Hóa, từ khi thực hiện liên kết, mở rộng quy mô chăn nuôi, các hộ đều tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đơn cử như trong công tác phòng dịch, trước đây các hộ chỉ đến khi nào vật nuôi mắc bệnh mới mua thuốc về điều trị.

Còn khi chăn nuôi liên kết, việc tiêm vắc xin phòng bệnh được thực hiện đầy đủ, thức ăn cho vật nuôi cũng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng. Do có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ con giống, nguồn thức ăn cũng như tiêm phòng dịch bệnh nên đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Trên địa bàn huyện có gần 30 trang trại gia súc, gia cầm. Cùng với việc khuyến khích người dân thực hiện chăn nuôi liên kết, triển khai hỗ trợ theo quy định, UBND huyện cũng đặc biệt quan tâm đến công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi.

Điển hình, Công ty CP GreenFeed Việt Nam đã đồng ý đầu tư vào vùng quy hoạch chăn nuôi tại xã Bình Thành với quy mô khoảng 100ha. Huyện cũng đã quy hoạch 2 vùng chăn nuôi tập trung tại 2 xã Bình Thành và Phú Tiến với quy mô khoảng 400ha. - ông Lý Văn Thắng

Việc chăn nuôi theo mô hình liên kết đem lại hiệu quả cao về kinh tế, có tính ổn định nhưng cũng đòi hỏi kinh nghiệm và nguồn lực để đầu tư. Để đẩy mạnh liên kết trong chăn nuôi thì bên cạnh việc người dân chủ động thay đổi tư duy sang “làm ăn lớn” cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, đặc biệt là vai trò của chính quyền các cấp để kết nối giữa người dân và doanh nghiệp.

Việt Dũng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/trang-dia-phuong/202502/lien-ket-de-lam-an-lon-1770886/
Zalo