Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện biên giới Đắk Mil
Những năm qua, huyện biên giới Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp người dân vùng biên thay đổi thói quen sản xuất, mà còn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Trang trại dưa lưới trồng trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Thế Độ. Ảnh: Phúc An
Huyện Đắk Mil có 60km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Capuchia. Toàn huyện có diện tích tự nhiên gần 68.000ha, trong đó, 80% là đất đỏ bazan màu mỡ, tạo tiền đề quan trọng phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thời gian qua, huyện Đắk Mil đã chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Các mô hình không chỉ mang lại hiệu quả cao về kinh tế, mà còn giúp người dân vùng biên giới thay đổi thói quen sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trang trại dưa lưới của anh Nguyễn Thế Độ (sinh năm 1982), ở xã Đắk Gằn mang lại cho gia đình anh thu nhập khá. Anh Độ chia sẻ: "Tôi yêu thích nông nghiệp công nghệ cao, nuôi dưỡng đam mê phát triển nông nghiệp hiện đại từ nhiều năm. Sau khi tìm hiểu nhiều mô hình, tôi quyết định chọn dưa lưới để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2017, tôi đầu tư làm nhà kính và mua giống lưới về trồng. Trồng dưa lưới trong nhà kính giúp giảm công chăm sóc và tiết kiệm chi phí, giảm tình trạng sâu bệnh tấn công và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Áp dụng công nghệ vào sản xuất, chăm sóc cây trồng, mỗi tháng, trại dưa lưới cho thu hoạch 2 - 3 tấn quả, bán với giá 50.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm tôi thu lãi 200-300 triệu đồng. Từ trang trại dưa lưới, cuộc sống gia đình tôi ngày càng được nâng cao, mua sắm nhiều phương tiện, máy móc sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất".
Không chỉ mô hình trồng dưa lưới của anh Độ, ở huyện biên giới Đắk Mil này, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được quan tâm đầu tư vào sản xuất cà phê. Điển hình như Hợp tác xã Công Bằng Thuận An. Hợp tác xã hiện có 330ha cà phê ứng dụng công nghệ cao. Năng suất cà phê ứng dụng công nghệ cao hơn cà phê thông thường từ 10-30%. Hạt cà phê được dán tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã vùng trồng và đăng ký bảo vệ thương hiệu hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Sản xuất quy trình sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn, nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm cà phê bột của hợp tác xã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao từ năm 2020.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, năng suất, chất lượng cà phê huyện Đắk Mil tăng cao. Ảnh: Phúc An
Từ những thành công trong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cà phê, hợp tác xã đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, giúp người dân nâng cao thu nhập, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, hợp tác xã đã liên kết sản xuất với 23 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với diện tích khoảng 50ha, trong đó, 25ha đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn RA và Fair Trade.
Đến nay, huyện Đắk Mil đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cà phê, cây ăn quả có chứng nhận. Điển hình như mô hình nghiên cứu ứng dụng phát triển lúa chất lượng cao (RVT) tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Thuận An của Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Đắk Mil đã hỗ trợ kỹ thuật canh tác trên cây lúa theo phương pháp FFS cho các hộ gia đình tham gia mô hình. Hay như mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP tại xã Long Sơn cho 15 hộ cho đồng bào dân tộc thiểu số, với diện tích 15ha.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Mil cho biết: "Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, huyện Đắk Mil đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cà phê, cây ăn quả tập trung, có chứng nhận. Đến nay, huyện hình thành 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm cà phê Thuận An (335ha) và vùng xoài Đắk Gằn (300ha). Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận sử dụng “sầu riêng Đắk Mil” và “xoài Đắk Mil”; cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “cà phê Đắk Mil”, “cà phê Đức Lập”. Trên địa bàn huyện có 14 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Đắk Nông và huyện cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao".